11:19 - 19/05/2019
Cơ hội kinh doanh từ bảo vệ môi trường
Câu chuyện bảo vệ môi trường ngày càng được chú ý. Liệu việc thay đổi thói quen tiêu dùng từ vật liệu nhựa sang thuỷ tinh, giấy, hay hạn chế sử dụng năng lượng hoá thạch… có mở ra những cơ hội kinh doanh mới?
Chuyện trăm năm ngay trước mắt
Một buổi chiều cuối tuần tại TP.HCM, trong buổi gặp gỡ báo chí do trung tâm CHANGE tổ chức, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia môi trường (ĐH Quốc gia TP. HCM) công bố nghiên cứu về hiện trạng và diễn biến ô nhiễm không khí ở TP.HCM trong giai đoạn 2017 – 2030. Theo ông Bằng, chất lượng không khí ở thành phố đông dân nhất cả nước đang bị ô nhiễm trầm trọng, một số vị trí đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 9 lần. Nguyên nhân chính cho vấn đề này là khói bụi từ giao thông. TS Bằng cũng dự báo, từ nay đến năm 2030, có khả năng ô nhiễm từ giao thông đường bộ sẽ tăng từ 65% (kịch bản có tuyến metro), đến 79% (kịch bản metro chưa hoạt động), so với giai đoạn năm 2017. Đây là một thực tế đáng báo động đối với các ngành chức năng và người dân thành phố.
Không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng diễn ra ngày càng nhức nhối. Theo GS Roland Geyer, ĐH California (Mỹ), năm 2015, thế giới sử dụng tổng cộng 448 triệu tấn nhựa. Các đại dương đang ngập trong 268.940 tấn rác, với khoảng 5,25 tỷ mảnh rác thải lớn nhỏ. Mỗi ngày, truyền thông thế giới lại có thêm nhiều hình ảnh thương tâm về trường hợp những chú cá voi nhà táng, rùa biển, hải âu… bị ngộ độc rác thải nhựa mà chết, hoặc vướng vào những bịch rác thải của loài người ra biển, để rồi chết dần mòn. Không nghi ngờ gì, thế giới đang dần nhận ra tác hại của ô nhiễm môi trường không phải là chuyện sẽ diễn ra sau đây hàng trăm năm nữa, mà đang tác động tới mỗi người, mỗi loài ngay trước mắt, ở bất kỳ châu lục nào, đất nước nào.
Thay đổi nhận thức
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, các cuộc vận động, chương trình hành động vì môi trường đang diễn ra mạnh mẽ khắp thế giới. Tại Việt Nam, trong những ngày gần đây, tổ chức No Waste Vietnam do bà Selena sáng lập, đã vận động được nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Saigon Co.op, RuNam… hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa. Mới đây, đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, quyết định ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa trên toàn bộ hệ thống bán lẻ, bắt đầu từ tháng 5/2019. Ông Trương Quốc Tuấn, CEO công ty cơ khí TAT, đơn vị vừa ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên ngành cơ khí TATmart tại Việt Nam, cũng cho biết kể từ ngày 15/4/2019, toàn công ty với hàng trăm nhân sự của ông sẽ không còn dùng chai nhựa cho bất kỳ mục đích nào, thay vào đó là chai thuỷ tinh.
Các trường đại học và giới trẻ cũng có những diễn biến tích cực, khi trường ĐH Mở TP.HCM vừa ban hành quy định ngưng sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa trong toàn trường kể từ ngày 5/5/2019. Các bạn trẻ cũng hăng hái góp tiếng nói trong các dự án về môi trường. Cách đây chưa lâu, việc bốn bạn trẻ chạy tiếp sức 100km từ TP.HCM đến Vũng Tàu, để “tái hiện con đường rác thải từ thành phố ra biển”, đã tạo hiệu ứng không nhỏ trong cộng đồng mạng và trên các kênh truyền thông chính thống. Ngay sau đó, một nhóm bạn trẻ khác đã từ TP.HCM về Cần Thơ để dọn rác trong lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, cũng khiến nhiều người suy nghĩ lại về ý thức giữ gìn môi trường sống hiện nay.
Cơ hội mới, khó khăn… cũ?
Trong muôn vàn câu chuyện đấu tranh cũ – mới về môi trường, có vẻ như các vấn đề nan giải này đã giúp cho giới kinh doanh có thêm những ý tưởng mới, vừa hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần bảo vệ hành tinh xanh. Bắt đầu từ câu chuyện xử lý chất thải sinh hoạt. Gần đây tập đoàn Milai (Nhật Bản) kết hợp cùng Saigon Innovation Hub, giới thiệu công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R. Công nghệ này đã được nội địa hoá tại Việt Nam, gồm hai thành phần chính: hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải CO2. Theo ông Ichiro Hatayama, chủ tịch tập đoàn Milai: “Rác thải không nên bị xem là rác, mà là tài nguyên chưa khai thác. Đó là quan điểm của chúng tôi, cũng như với nhiều công ty môi trường hiện nay trên thế giới”.Hy vọng với khả năng xử lý rác thải hữu cơ phi tập trung, Milai sẽ tạo ra nhiều giá trị mới mẻ hơn cho cộng đồng.
Một câu chuyện kinh doanh nhạy bén khác, đó là công ty TNHH thực phẩm Hùng Hậu (Đồng Tháp) đã sản xuất hơn 100.000 ống hút bằng bột mỗi ngày, dùng để thay thế cho ống hút nhựa tại các quán cà phê, trà sữa… Sản phẩm ống hút bằng bột mang thương hiệu này đã tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, lẫn các nước châu Âu, và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu. Trong nước, nhiều nhà phân phối cũng đang đặt vấn đề hợp tác với công ty, trong đó có Saigon Co.op. Nhìn ngược về cuối năm 2018, việc tập đoàn Vingroup cho ra mắt dòng xe máy điện Vinfast, cũng là một tín hiệu rất đáng mừng, nhằm hạn chế phát thải khói bụi từ xe máy chạy xăng.
Liệu ý thức bảo vệ môi trường dần được nâng lên có mở ra cơ hội kinh doanh trong ngành này, đồng thời hỗ trợ việc giảm văn hoá xe máy tràn lan, giảm rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt và nhiều bài toán môi sinh khác ở Việt Nam? Có lẽ vẫn cần nhiều thời gian để có câu trả lời, khi mà những nỗ lực hiện nay dù đáng khen ngợi, vẫn chưa thực sự đồng bộ và tạo ra những chuyển biến căn bản để thay đổi bức tranh toàn cảnh về môi trường.
bài và ảnh Anh Tú (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này