10:03 - 19/11/2024
Cách bảo vệ môi trường ‘lạ’ của McDonald’s
McDonald’s cho biết nguồn thức ăn này có thể giúp họ đạt được các mục tiêu về khí hậu.
McDonald’s vừa cho biết họ đang hợp tác với công ty hạt giống Syngenta và Lopez Foods, một trong những nhà cung cấp thịt cho McDonald’s, để chăn nuôi gia súc bằng loại ngô đặc biệt Enogen của Syngenta.
Như lãnh đạo các công ty chia sẻ, Enogen là một loại thức ăn đã được biến đổi gen bằng một loại enzyme “có khả năng chuyển hóa tinh bột thành đường ngay lập tức, điều này giúp cung cấp nhiều năng lượng hơn cho gia súc và đặc biệt là dễ tiêu hóa”.
Nếu gia súc tiêu hoá dễ dàng, lượng khí nhà kính thải ra môi trường sẽ ít hơn. Bởi vì khi bò và một số loại gia súc khác tiêu hóa thức ăn, bị đầy hơi, ợ hơi sẽ tạo ra khí mê-tan. Theo cơ quan Bảo vệ môi trường, việc ợ hơi, đầy hơi hoặc đánh rắm của gia súc chiếm khoảng một phần tư tổng lượng khí thải nhà kính của ngành nông nghiệp, gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo các công ty trên, ngoài khả năng giảm ợ hơi ở bò, gia súc ăn ngô Enogen cũng đạt được trọng lượng giết mổ nhanh hơn và ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Syngenta cho biết một đàn gia súc 1.000 con được cho ăn bằng Enogen có thể giảm 196 tấn các bô nic thải ra khí quyển và giảm gần 30 triệu lít nước tiêu thụ hằng năm.
McDonald’s cho biết nguồn thức ăn này có thể giúp họ đạt được các mục tiêu về khí hậu. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Họ cũng cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải từ các nhà hàng và văn phòng do công ty sở hữu vào năm 2030, cùng với các mục tiêu khác. Điều này rất có ý nghĩa vì McDonald’s là đơn vị mua thịt bò hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Giám đốc Phát triển bền vững tại Hoa Kỳ của McDonald’s Kendra Levine cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự hợp tác sáng tạo với Syngenta là cơ hội giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu khí hậu dựa trên khoa học”.
Nói thêm về khí thải do ợ hơi, đầy hơi, đánh rắm của gia súc. Thế giới là nơi sinh sống của khoảng 1,5 tỷ con bò, hầu hết trong số chúng được nuôi để phục vụ cho ngành công nghiệp thịt và sữa. Mỗi con đều có dạ dày bốn ngăn, phần lớn nhất là dạ cỏ. Dạ cỏ của một con bò trưởng thành có thể chứa khoảng 150 đến 200 lít và chứa một lượng lớn vi sinh vật (25 tỷ vi khuẩn trên một gam thể tích), có nhiệm vụ phân hủy chất xơ thực vật thông qua quá trình lên men.
Một sản phẩm phụ của quá trình lên men dạ cỏ là hydro; một nhóm vi khuẩn sống trong dạ cỏ, cụ thể là vi khuẩn sinh metan, chuyển đổi hydro đó thành metan. Sau đó, metan được đẩy ra qua phần trước của con bò – thông qua việc ợ hơi – hoặc qua cửa sau của con bò – thông qua việc đánh rắm. Một con bò ợ hơi và đánh rắm từ 160 đến 320 lít metan mỗi ngày. Đó là tác động xấu đến môi trường.
Mặc dù phần lớn các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu tập trung vào việc cắt giảm khí thải các bô nic (CO₂), mê-tan vẫn chiếm 16 phần trăm lượng khí thải nhà kính toàn cầu (theo số liệu năm 2015 từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu). Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mê-tan có hiệu quả giữ nhiệt cao hơn CO₂ gấp 28 lần.
Hai phần ba lượng khí thải mê-tan đến từ các hoạt động của con người, như: khai thác mỏ, quy trình công nghiệp và quan trọng nhất là chăn nuôi – đặc biệt là gia súc. Để giảm thiểu vấn đề này, thế giới cần giảm mạnh lượng thịt và sữa tiêu thụ. Từ đó sẽ giảm được số lượng lớn bò đánh rắm và ợ hơi trong ngành công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nan giải.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu và kinh doanh đã tập trung vào mặt đầu vào, tức là dinh dưỡng cho gia súc. Một chế độ ăn cân bằng và thức ăn chất lượng cao có thể làm giảm lượng khí mê-tan thoát ra từ miệng và hậu môn của bò. Giải pháp này tương tự như giải pháp mà McDonald’s đang tiến hành.
Vì lượng khí thải metan do gia súc thải ra là đáng kể, một số nước đã áp dụng biện pháp đánh thuế khí do bò, lợn ợ hơi. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên thực hiện việc đánh thuế này.
Cụ thể, người chăn nuôi sẽ đóng thuế 300 kroner (43 USD) mỗi tấn CO2 tương đương, quy đổi từ mê-tan. Thuế này tăng lên 750 kroner (108 USD) vào 2035. Tuy nhiên, do được khấu trừ thuế thu nhập 60% nên số tiền thực đóng là 120 kroner (17,3 USD) mỗi tấn vào 2030 và tăng lên 300 kroner vào 2035.
Bộ trưởng Thuế Jeppe Bruus cho biết chính sách đánh thuế carbon chăn nuôi nhằm góp phần giảm 70% lượng khí thải nhà kính vào 2030 so với mức năm 1990. Ông hy vọng việc trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng loại thuế này sẽ khích lệ các nước khác làm theo. “Chúng tôi sẽ tiến một bước lớn hơn trong việc trung hòa carbon vào năm 2045”, ông nói.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 18/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này