14:33 - 10/11/2018
Bớt ăn thịt đỏ để chống biến đổi khí hậu
Trong ba thập kỷ tới, tác động của hệ thống thực phẩm lên môi trường ít nhất là gấp đôi nếu nhân loại tiếp tục lối ăn uống như hiện nay.
Các ảnh hưởng tiêu cực bao gồm ô nhiễm và nhiều loài biến mất, nhưng mối đe dọa lớn nhất được đặt ra tới nay là khí thải nhà kính từ chăn nuôi, chế biến, đóng gói và vận chuyển thực phẩm.
Hơn hai phần ba trong số thực phẩm liên quan đến phát thải là từ việc sản xuất thịt, theo 23 nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu – do TS. Marco Springmann, Đại học Oxford, chủ trì (có cả nữ TS. Jessica Fanzo).
Qua đó họ đưa ra khuyến cáo quan trọng: người tiêu dùng, đặc biệc là những người sống ở vài nước thu nhập cao nơi thịt là một phần đáng kể trong chế độ thực dưỡng hàng ngày, sẽ phải cắt giảm và theo đuổi một chế độ thực dưỡng ‘bán chay’ lấy thực vật làm chính.
Cách tiếp cận này có thể sẽ khó. Trong khi người dân ở các nước giàu thường ăn nhiều thịt hơn nhu cầu của họ, người dân ở các nước nghèo, nhất là trẻ em, lại không có đủ thịt. Một số có thực phẩm từ nguồn động vật rất ít, trong đó gồm thịt và sữa.
Tuy vậy, có thể hướng thế giới đến điều mà các nhà khoa học cho là một chế độ thực dưỡng bền vững dựa trên hoàn cảnh kinh tế cá nhân.
Cắt giảm thực phẩm nguồn gốc động vật hiệu quả hơn trong việc cải thiện sức khỏe và môi trường ở các nước thu nhập cao hơn là ở các nước nghèo, nghiên cứu chỉ ra.
Ở những nơi con người ăn tương đối ít thịt và sữa, sự tiếp cận ít mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi chế độ thực dưỡng có thể phù hợp. Nhưng ngay ở những quốc gia này, những cải thiện về việc sử dụng đất và nước có thể làm giảm căng thẳng môi trường, và các bước có thể thực hiện để giảm lãng phí thực phẩm.
Tất nhiên, chính phủ sẽ phải giúp thúc đẩy sự thay đổi chế độ thực dưỡng và khuyến khích sản xuất thực phẩm bền vững, cho dù họ có tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Tối thiểu họ cần có những hình thức khuyến khích nông dân áp dụng cách làm bền vững, và điều chỉnh việc sử dụng đất và nước ngọt trong nông nghiệp.
Để có được thay đổi đáng kể ở bất kỳ nước nào, ngành thực phẩm và đồ uống cần được thuyết phục để sửa đổi việc cung cấp các chọn lựa lành mạnh nằm trong các giới hạn của môi trường.
Đa dạng hóa các loại thực phẩm làm ra có thể giúp người tiêu dùng ở các nước giàu có hướng đến một chế độ thực dưỡng trọng thực vật hơn, và giúp người dân ở các nước thu nhập thấp đạt được cân bằng thực dưỡng phù hợp với các hướng dẫn ăn uống cấp nhà nước – nghĩa là, một sự kết hợp lành mạnh các loại rau quả với đủ thịt và sữa bảo đảm được lượng protein.
Các công ty cũng sẽ cần ngưng lãng phí quá nhiều thực phẩm họ sản xuất. Khoảng một phần ba thực phẩm hoặc bị thất thoát trước khi đến thị trường hoặc bị các hộ gia đình vứt đi.
Một số tổ chức đang tìm cách giúp các doanh nghiệp theo dõi việc thất thoát thực phẩm và giảm bằng cách hoạt động hiệu quả hơn.
Sẽ hữu ích nếu người tiêu dùng – cũng như các chính phủ tìm cách giảm thiểu phát thải khí nhà kính – biết được chi phí thực của toàn bộ các loại thực phẩm, bao gồm cả chi phí ẩn đối với môi trường. Ngành thực phẩm và các nhà khoa học ngoài ngành cần phát triển các phương pháp chính xác để đo các chi phí ấy.
Cuối cùng, nếu mọi người trên thế giới từng phụ thuộc rất nhiều vào thịt chuyển đổi sang một chế độ thực dưỡng trọng thực vật, họ có thể giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến thực phẩm gần một nửa vào năm 2050.
Những người miễn cưỡng cắt giảm có thể thấy thuyết phục khi biết rằng bớt ăn thịt, cụ thể là thịt đỏ, có thể giúp họ sống lâu hơn. Các chế độ ăn nhiều thịt đỏ và nặng chế biến có liên quan đến một số loại ung thư và các vấn đề sức khỏe như béo phì, đái tháo đường và huyết áp cao.
Hãy tham khảo các phát hiện từ một trong những nghiên cứu sớm hơn của Springmann: nếu mọi người trên thế giới thọ trai, số tử vong hàng năm sẽ giảm 7,3 triệu.
Nhưng chỉ riêng thách thức biến đổi khí hậu cần phải đủ khẩn trương để thu hút sự chú ý và hợp tác của mọi người. Hãy nhìn vào cảnh báo mới đây của LHQ.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho rằng thế giới đang trên đường dẫn đến nguy hiểm do ấm lên trong vòng 22 năm nữa. Lời kêu gọi hành động khẩn cấp này cần bao gồm một sự xem xét lại nghiêm túc về thực phẩm trên dĩa của chúng ta.
Bảo vệ khí hậu có nghĩa là mọi người bảo đảm thịt trở thành một phần nhỏ trong bữa ăn.
Trần Bích (theo MTG/Bloomberg)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này