
10:25 - 21/03/2018
Ấn Độ muốn đi đầu về năng lượng sạch
Tuần trước, lãnh đạo của 40 quốc gia đã tới Ấn Độ dự cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên của liên minh Quang năng quốc tế (ISA), một nhóm gồm 121 quốc gia đang xúc tiến việc sử dụng năng lượng mặt trời.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến khai trương liên minh Quang năng quốc tế (ISA) tại New Delhi.
Họ đã cùng nhau thảo luận về mục tiêu xây dựng năng lượng mặt trời, công nghệ và tài trợ cho các nước khác nhau của ISA. Ý tưởng này được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên trình bày tại hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc ở Paris hồi tháng 11/2015. Ra mắt chính thức vào tháng 12/2017, ISA là một tổ chức dựa trên hiệp ước thu hút các nước giàu tài nguyên trên cùng một nền tảng.
Với trụ sở chính đặt tại thành phố Gurugram, Ấn Độ hiện nay có cơ hội tiến lên dẫn đầu trong việc chuyển đổi năng lượng toàn cầu từ nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Ấn Độ đang đeo đuổi chương trình năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, mục tiêu đạt được 175GW năng lượng tái tạo vào năm 2022, so với công suất của nước này hiện nay vào khoảng 60GW.
“Với việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định Paris, có một chỗ trống dành cho “minh chủ” biến đổi khí hậu, và Ấn Độ đang sẵn sàng giành lấy vị trí ấy. Với ISA đặt tại Ấn Độ, nếu ISA tự chứng minh nó có thể là người thay đổi cuộc chơi theo cách các thị trường năng lượng can dự, giúp cho nhiều người hơn tiếp cận được năng lượng… thì Ấn Độ sẽ nổi lên như một nước dẫn đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu”, trang web Quartz dẫn lại nhận định của Kanika Chawla, một chuyên gia năng lượng tái tạo của hội đồng Năng lượng, môi trường và nước ở Delhi, một tổ chức phi lợi nhuận.
ISA đặt ra mục tiêu 1.000GW công suất năng lượng mặt trời vào năm 2030, và huy động 1.000 tỷ USD cho mục tiêu đó. Trong đó, có 121 dự án khác nhau sẽ được ký kết tại sự kiện năng lượng tái tạo hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ – sự kiện RE-INVEST diễn ra vào tháng 4, Upendra Tripathy, tổng giám đốc lâm thời của ISA, cho biết. Tổ chức này cũng sẽ đào tạo nhân lực về các kỹ năng liên quan đến năng lượng và tạo ra một mạng lưới các nguồn lực.
Macron và Modi hy vọng liên minh sẽ thúc đẩy chi tiêu năng lượng mặt trời lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030 tại 121 nước đang thiếu đầu tư cho phân khúc này. Các nước đó đang có “một nghịch lý là nhiều nắng nhất thế giới, trong khi lại sử dụng năng lượng mặt trời quá ít ỏi”, Segolene Royal, một cựu bộ trưởng của Pháp, đến Ấn Độ với tư cách đặc phái viên đại diện cho liên minh cho biết như vậy.
ISA cũng đang làm các dự án khác như dự án xúc tiến sử dụng bơm chạy điện mặt trời ở các nông trại thay cho các máy bơm chạy diesel, hoặc dự án mua tài chính cho các nước thành viên, hoặc dự án xúc tiến sử dụng các lưới điện mini. Tại hội nghị hôm chủ nhật, ISA khởi động một dự án phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Cũng còn có một dự án phát triển bộ lưu trữ điện mặt trời di động, Tripathy cho hay.
Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết hàng trăm triệu đô la cho các dự án điện mặt trời tại các nước đang phát triển. Hồi tháng 12, Macron đã cảnh báo sự dịch chuyển toàn cầu đến một tương lai năng lượng xanh quá chậm. Ông cho biết sẽ mở rộng các khoản vay và viện trợ thêm vào khoảng 700 triệu euro (861,5 triệu USD).
Pháp đã cam kết 300 triệu euro cho sáng kiến khi họ cùng Ấn Độ sáng lạo liên minh toàn cầu này vào năm 2015, để tài trợ các khoản tiền đầu tư các dự án năng lượng mặt trời cho những nước năng nhiều, nhưng nghèo. “Chúng ta cần phải tháo dỡ mọi chướng ngại và mở rộng hoạt động”, Macron phát biểu hôm ra mắt ISA tại New Delhi.
Thủ tướng Ấn Độ Modi cho rằng, điều quan trọng các nước không bị loại ra khỏi thị trường. “Chúng ta phải bảo đảm cho một công nghệ năng lượng mặt trời tốt hơn và tiết kiệm chi phí sẵn sàng cho tất cả các nước”, ông nói.
Ông Macron và ông Modi sẽ mở một nhà máy năng lượng mặt trời 100MW tại thành phố linh thiêng Varanasi, do công ty Pháp Engie xây dựng.
Ấn Độ và Pháp cũng ký kết một thoả thuận kỹ thuật việc Pháp giúp Ấn Độ làm một dự án năng lượng hạt nhân tại Jaitapur.
Sau lúc đầu để cho Trung Quốc dẫn đầu, Ấn Độ dường như đã sửa đổi bằng cách nắm lấy ISA và nhiệm vụ phát triển điện mặt trời. Điều còn lại là đợi xem Ấn Độ hành động kết quả như thế nào, hay chỉ là chém gió.
Trần Bích (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Môi trường là của mình
Lo ngại về dự án nhiệt điện than 5 tỷ USD ngay sát TP.HCM
Ước mơ bảo tồn của người thầy thành sự thật
Nhật Bản phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới để tăng cường an ninh năng lượng
Mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp gần đạt mức tối đa
Tags:Ấn Độnăng lượng sạch
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này