13:02 - 24/02/2016
Mất lòng tin, còn gì để nói nữa?
Thế giới thể thao tuần nào cũng tràn ngập những chuyện ra đi ở lại. Nhiều khi chẳng do chuyên môn kết quả, mà do lòng tin với nhau không còn nữa.
Manchester United chẳng hạn, họ vừa trải qua ba trận không thắng và tin đồn ông Jose Mourinho thay ông Louis Van Gaal đã rộ lên, lần này chắc chắn hơn khi trước.
Vào giai đoạn cuối năm 2015, đội bóng này không thắng liền một mạch tám trận, kết quả quá tệ hại mà gần 30 năm mới lặp lại, tưởng như ban lãnh đạo Manchester United sẽ thay Van Gaal bằng Mourinho, nhưng họ vẫn giữ Van Gaal, vì khi đó các cầu thủ chủ chốt trong đội bóng vẫn còn bày tỏ sự tin tưởng với Van Gaal.
Giờ đây, ban lãnh đạo đội này có vẻ quyết tâm thay Van Gaal, vì theo nguồn tin từ trong đội bóng nói ra, các cầu thủ bày tỏ không còn tin tưởng với Van Gaal nữa.
Họ hoài nghi chiến thuật thi đấu và cơ chế tập luyện ông áp dụng cho đội bóng, dẫn đến kết quả bết bát và chấn thương rất nhiều, ai cũng biết tập quá nặng hoặc không đúng phương pháp rất dễ dẫn đến chấn thương.
Mà trong hợp đồng của các cầu thủ, số tiền lĩnh được phụ thuộc vào số lần họ ra sân và thành tích chung của đội bóng. Chấn thương đã không được ra sân rồi, kết quả của đội lại tồi nữa thì làm sao thu đủ tiền, đụng đến miếng cơm mãi là họ không thể tin Van Gaal trong dự án chung nữa.
Cách đây vài ngày, hãng Nike đã cắt hợp đồng quảng cáo với tay đấm bốc hàng đầu thế giới Manny Pacquiao sau khi anh ta có những phát biểu miệt thị dân đồng tính.
Pacquiao đang vận động tranh cử ghế nghị sĩ ở quê nhà Philippines, khẳng định rằng quan hệ cùng giới “còn tệ hơn cả động vật” trên một kênh truyền hình.
Sau đó, Pacquiao có xin lỗi, nhưng lời nói phát đi rồi, thu sao được nữa. Nike buộc phải cắt Pacquiao vì họ không còn lòng tin với anh nữa. Nếu Nike không cắt Pacquiao thì dân đồng tính nói riêng và dân tiêu dùng thể thao nói chung sẽ mất lòng tin vào Nike.
Trường hợp của Pacquiao không mới, vì trước đây Nike đã cắt hợp đồng với các nhà thể thao bê bối như Lance Armstrong, Ray Rice, Andria Peterson, Oscar Pistorius…
Mới đây nhất, CEO của liên đoàn Bóng đá Anh (FA) Martin Glenn cảnh báo nếu liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) dính thêm một bê bối nữa, nhiều khả năng World Cup sẽ được vận hành bởi một tổ chức khác. World Cup tổ chức bốn năm một lần là nguồn kinh tài chủ yếu của FIFA, mất giải này họ sẽ sụp đổ.
Nhiều người sẽ nói World Cup là của FIFA, làm sao tuột khỏi tay tổ chức này được? Sai lầm. FIFA cũng là từ các liên đoàn quốc gia thành viên dựng lên, đến lúc FIFA bê bối quá, các liên đoàn thành viên sẽ nói: thế là đủ, chúng tôi không tin các ông nữa, chúng tôi rút ra ngoài thành lập tổ chức riêng của chúng tôi. Việc này đã xảy ra ở cờ vua và một số môn thể thao khác.
Dù World Cup là của cơ quan nào tổ chức thì vấn đề tài chính cũng đặt lên hàng đầu, các nhà tài trợ cho FIFA như MasterCard, Adidas, Coca-Cola… đã doạ rút lui khỏi danh sách nhà tài trợ World Cup rồi.
Một World Cup, nếu của FIFA mà không có các nhà tài trợ, không có các đội tuyển hàng đầu như Anh, Đức, Brazil tham dự liệu có còn là World Cup nữa không. Do vậy, cảnh báo của ông Glenn là chính xác.
Ngày 26/2 này, tại trụ sở FIFA ở Zurich (Thuỵ Sĩ) sẽ diễn ra cuộc bầu cử chủ tịch mới cho FIFA. Lá phiếu của 209 liên đoàn thành viên sẽ quyết định ai trong số ứng cử viên Gianni Infantino, Salman bin Ebrahim al-Khalifa, Jérôme Champagne, Ali bin al-Hussein, Tokyo Sexwale sẽ là chủ tịch.
Nhưng ai là chủ tịch không quan trọng bằng một cuộc vận động nữa mà chính các liên đoàn thành viên phải đẩy mạnh: thay đổi luật lệ FIFA, rút ngắn nhiệm kỳ chủ tịch xuống còn bốn năm, quy định mỗi ứng cử viên chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ dù ông ta có giỏi đến cỡ nào.
Từ năm 1974 đến nay, 42 năm trôi qua, FIFA chỉ có hai chủ tịch là ông Joao Havelange và Sepp Blatter. Chính sự ở lâu trên quyền lực như vậy sinh ra sự tha hoá, không dân chủ, bê bối và cuối cùng là mất lòng tin hiện nay của FIFA.
Thái Hà
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này