15:58 - 18/01/2016
Lênh đênh trong những cánh rừng Borneo
Không phải lặn lội hay leo trèo mà lênh đênh trong những cánh rừng Borneo. Vì tôi lang thang vô khu rừng nhiệt đới rậm rịt nhất nhì thế giới bằng con thuyền lừ đừ ngược dòng Mahakam hùng vĩ.
Bỏ qua đường bộ là để thưởng thức cái thú thương hồ, vẫn còn đặc sệt trên con sông dài nhất cái tỉnh rừng rú Đông Kalimantan, Indonesia.
Cuộc rượt đuổi theo nàng Makassar
“Nàng” là giới tính gán cho các tàu thuyền chứ chẳng phải cô em Nam Dương nào. Sau chuyến xe đêm mệt nhoài từ Banjarmasin đến Samarinda, phải lên đò ngang sông vào phố, rồi lạc lối trong thành phố cảng biển, cửa sông, to lớn náo nhiệt, tôi đến bến Sungai Kunjang quá trễ.Con thuyền (đúng hơn là phà) ngược dòng Mahakam rời đi đã lâu. Các tài công thấy vẻ tiu nghỉu tội nghiệp bèn an ủi, kêu tôi về nghỉ ngơi mai ra đi sớm.
Lật sách tìm đường, kiếm nhà nghỉ, chợt thấy cách bến phà đang đứng không xa là bến xe, chợt loé lên một ý nghĩ. Xông vô bến, huơ chân múa tay, cầm chiếc vé xe đi Tenggarong mà lòng dạ bồn chồn. Nếu xe đúng giờ đúng giấc, có thể bắt kịp chiếc thuyền ở phố nhỏ ven sông đó.
Chiếc xe cọc cạch chạy trong hồi hộp; đường đông, xấu, xe lại dừng trả đón khách hoài… Cuối cùng cũng đến được con phố cũ kỹ miền sông nước. Lại hỏi han, chạy như bay bất chấp cái balô nặng trịch ra bến. May sao, thuyền vẫn chưa qua.
Đang nuốt vội những miếng cuối cho cái bao tử lép kẹp từ khuya qua, tiếng còi hú vang. Nàng Makassar xanh điệu đàng từ từ hiện ra ở khúc quanh dòng sông. Nhưng bất chấp đám người trên bến kêu la réo gọi, nàng đủng đỉnh giữa sông rồi đi luôn (!).
Đang xìu như bánh bao chiều, chợt thấy chiếc ces (vỏ lải) chở khách vừa cập bến, tôi liền kéo tay mấy bạn trẻ, chỉ vào chiếc vỏ, rồi chỉ ra con thuyền. Các bạn hiểu ý, xông ra mặc cả, rồi mấy hành khách ít hành lý nhảy xuống chiếc vỏ, bỏ lại mấy cô dì tay xách nách mang mặt mày héo quẹo.
Chiếc vỏ tung sóng, chỉ vài phút là bắt kịp con thuyền đang dừng hẳn lại giữa sông đón đám khách liều mạng lục tục leo lên. La lối, thanh minh thanh nga qua lại, các bạn trẻ “nói” lại với tôi là hôm nay có hai chuyến, chiếc sau sẽ dừng ở Tenggarong, còn chiếc này đi luôn. Đã an vị sung sướng trên con thuyền ám ảnh mấy tuần nay vì những lời vinh danh nghe, đọc được, tôi chẳng quan tâm. Lại thấy thú vì ngay buổi gặp mặt, Mahakam đã thử thách và tặng cho các trải nghiệm từ xe đò, vỏ lải… cùng cảm giác phiêu lưu thú vị mà nếu lên thuyền ngay từ đầu làm sao có.
Miền Venice Đông Nam ÁCó nhiều điều hay miền Borneo quanh dòng Mahakam. Như cuộc sống nhiều nét ban sơ các dân tộc thiểu số, nhà dài vài chục gia đình sống chung, nhà mồ, loài hắc lan bí hiểm… Nhưng không thể không nói đến rừng, nhất là rừng trên sông, dù điểm lạ này không đẹp!
Rừng không trôi nếu không động đất, băng hà… Nhưng lang thang trên Mahakam dễ thấy nhiều cánh rừng đã ngã xuống thành những bè gỗ miên man trôi. Ngày ở Tanjung Puting, được các bạn trẻ trong một tổ chức NGO đưa vào rừng sâu, tận mắt chứng kiến những hoang mạc thênh thang bỏng nắng giữa rừng Borneo, vì những cánh rừng đã ngã, đã cháy… lòng quặn thắt – nhất là nhớ những cánh rừng quê nhà. Giờ, gặp miết trên sông, càng đau.
May sao, những cánh rừng lâu lâu trôi ngang qua mấy miền sông nước, Venice nho nhỏ tự xưng giữa rừng già, làm dịu bớt cái xấu. Phố thị, bản làng dọc theo Mahakam có thể đếm trên đầu ngón tay dù sông dài hơn 980km. Cuộc sống ven bờ cũng không khác lắm miền Tây sông nước mình, cả những nhà chồ lộ thiên ven bờ (!).Tuy nhiên, người bản địa khéo tay, thể hiện qua vật dụng đời thường cũng như nhà tượng, nhà mồ, tranh tượng totem của làng… đã tô vẽ nên những căn nhà nhiều màu soi bóng xuống dòng sông xám phù sa, đẹp lạ. Điểm cộng cho hành trình là khi được ghé mấy bến sông nhiều sắc, tò mò ngó nghiêng cuộc sống miền rừng núi sông nước giao hoà. Mà nếu thích có thể cõng balô lên bờ chơi luôn, để ngày mai, ngày kia lại lóc cóc ra bến đợi thuyền lênh đênh tiếp – và tôi cũng đã làm vậy.
Tôi chỉ có vài ngày, không khám phá hết Mahakam. Nhưng khó có thể quên mấy đêm lạnh trăng mờ, bình minh sương buốt bồng bềnh trên sông – dù biết ngày trở lại xa tít mù khơi.
bài, ảnh Thái Hoãn
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này