
09:46 - 10/03/2020
Làn sóng di dời nhà xưởng khỏi Trung Quốc và…
Các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị đứt quãng hay đình trệ khiến các công ty nghĩ đến chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điểm đến được ưa chuộng nhất lần này vẫn là Việt Nam.
Nhiều nhà phân tích nói Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, đồng nghĩa là tạo nên căng thẳng mới với Hoa Kỳ…
Hoạt động kinh doanh đã bắt đầu hồi phục ở phần lớn các thành phố tại Trung Quốc từ ngày 10/2 sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài. Nhưng, ngay cả bây giờ, nhiều công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Theo hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, chỉ khoảng 30% trong số 183 nhà máy lắp ráp ô tô của quốc gia này đã sẵn sàng trở lại.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi tập trung khoảng 80% các trường hợp bị nhiễm corona tại Trung Quốc đại lục, các công ty cũng chưa chắc chắn có thể mở cửa lại như dự kiến hay không. Tỉnh này là trung tâm của các ngành công nghiệp bao gồm xe hơi, thép và chất bán dẫn, việc ngừng hoạt động kéo dài ở đây có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành xe hơi tê liệt
Theo Bloomberg, hãng Fiat Chrysler sẽ phải dừng hoạt động một nhà máy lắp ráp tại Serbia, do sự thiếu hụt nguồn cung về hệ thống âm thanh và các bộ phận điện tử khác từ Trung Quốc. Đây là trường hợp đầu tiên của một nhà sản xuất ô tô châu Âu bị ảnh hưởng trực tiếp.
Với “độ phủ toàn cầu và độ sâu của chuỗi cung ứng ô tô”, việc duy trì sản xuất của các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp lớn “có thể trở thành mối lo ngại khi virus tác động sâu hơn đến các công ty trong chuỗi cung ứng”, chủ tịch Julie Fream của hiệp hội Các nhà cung cấp thiết bị gốc, một tổ chức của Bắc Mỹ, cảnh báo trong một tuyên bố gần đây.
Nissan Motor đã dừng một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy lắp ráp ô tô của Nissan Motor Kyushu, lần thứ ba liên tiếp trong tháng này.
“Nguồn dự trữ cho hàng chục loại linh kiện do Trung Quốc sản xuất đang cạn kiệt dần”, bao gồm cả lò xo và các bộ phận bằng nhựa, một giám đốc điều hành tại công ty sản xuất phụ tùng ô tô này, cho biết.
Sự thiếu hụt các bộ phận có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đã khiến General Motors GM tạm ngừng sản xuất tại nhà máy Bupyeong gần Seoul vào tuần rồi. Sản phẩm của cơ sở bao gồm các xe thuộc thương hiệu Chevrolet.

Các xí nghiệp may ở Việt Nam và Đông Nam á là nguồn cung quan trọng cho các thương hiệu quốc tế như Uniqlo, GAP và Nike. Ảnh: Nikkei.
May mặc “tan nát”
Các container hàng cung cấp cho Uniqlo từ các công ty gia công Việt Nam đã trễ hơn hai tuần nay và có nguy cơ chuyển sang tháng 3. Hãng thời trang Nhật Bản thông báo lùi ngày giới thiệu các đợt hàng mới.
Các hãng may ở Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia và Myanmar, đã ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu thời trang toàn cầu. Theo thông báo của Fast Retailing – công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo, gần 20% các xí nghiệp may lớn của họ ở Việt Nam, trong khi đó số ở Trung Quốc chiếm 50%.
Dù vậy, các hãng gia công Đông Nam Á vẫn còn phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất của châu Á về nguyên liệu – chẳng hạn, 60% nguyên vật liệu cho các sản phẩm may của Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Khó khăn vận chuyển và đứt quãng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đang gây khó cho ngành may các nước trong khu vực.
Hãng May 10, cung ứng cho các nhãn lớn như GAP hay Tommy Hilfiger, nhập 50% nguyên liệu từ Trung Quốc và đang gặp khó về nguyên liệu từ tháng 3 và 4/2020. Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 – với các nhãn cho Uniqlo và Nike – chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến hết tháng 3.
Sản xuất trong ngành may mặc đòi hỏi nhiều vốn hơn là gia công, và Trung Quốc vẫn duy trì vị trí áp đảo trong sản xuất nguyên liệu, thậm chí ngay khi các nhãn hàng cố gắng đa dạng các cơ xưởng may của họ.
Trong khi Việt Nam có ngành công nghiệp dệt và có thể tự cung ứng nguyên liệu, ảnh hưởng ở các nước khác có thể lớn hơn, như Campuchia tuỳ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Có thể, các nhà gia công Campuchia có nhiều lo ngại hơn.
Tổng thư ký hiệp hội May mặc Campuchia Ken Loo nói rằng, 60% nguyên liệu của ngành này là từ Trung Quốc.
Ông Loo cho rằng, nguy cơ đình hoãn hay đóng cửa nhà máy ở Campuchia hầu như đã “hiện ra trước mắt”. Ngay cả khi một nửa các xí nghiệp nguyên liệu của Trung Quốc hoạt động trở lại, nhưng cần mất nhiều thời gian để đạt công suất 100%. Ông Loo cho rằng, việc hạn chế đi lại, di chuyển cũng làm cho hàng ách tắc nguồn cung hàng. “Việc tìm nhà cung ứng thay thế là giải pháp không thực tế”, Loo phát biểu.
Bộ Lao động Campuchia cũng ra thông báo rằng 90.000 công nhân thuộc hơn 200 hãng may ở trong nước có thể phải nghỉ việc, nếu nguyên vật liệu không kịp cung ứng trong tháng 3.
Đợt sóng dời hãng xưởng mới
Với việc chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị cắt đứt bởi sự bùng phát của dịch corona, các công ty đa quốc gia đang chuyển sản xuất ra nước ngoài hoặc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Giới phân tích cho biết, một số công ty Nhật Bản không thể chờ cho đến khi khủng hoảng Covid-19 được khống chế. Mặc dù đây chỉ là sự thay thế tạm thời để giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty cũng vẫn sẽ đánh giá xem các điểm đến mới này có cạnh tranh hơn Trung Quốc hay không, nơi mà tiền lương vẫn đang trong đà tăng.
Một số chuyên gia đánh giá nền sản xuất của châu Á sẽ có một bước ngoặt lớn, nếu các công ty lựa chọn không quay lại Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của câu lạc bộ Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Thượng Hải, cho thấy dịch bệnh lần này đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của 54% các công ty. Nhưng chỉ 23% cho biết họ có kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế, trong trường hợp Trung Quốc ngừng hoạt động kéo dài.
Ngày 3/2, ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm thêm 17.000 tỷ nhân dân tệ, khoảng 242 tỷ USD cho các gói kích thích nền kinh tế. Các mức lãi suất đều được hạ 1%, trong khi đó gói lãi suất cho vay đặc biệt với lãi suất gần bằng 0 dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giữa tháng 2, Singapore cũng đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 6,4 tỷ SGD. Trong đó 800 triệu dành cho chăm sóc sức khoẻ, 4 tỷ dành cho doanh nghiệp và hỗ trợ công nhân, và 1,6 tỷ dành cho người dân, để cùng vượt qua khó khăn và đình trệ sản xuất.
Cuối tháng 2, Hàn Quốc cũng công bố gói hỗ trợ kinh tế đến 10 tỷ USD, tức 2% của tổng ngân sách 500 tỷ USD của nước này. Campuchia cũng thực hiện các bước hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19, và EU rút cơ chế ưu đãi thuế quan với nước này.
Việt Nam – đích đến được ưa chuộng!
Meiko Electronics, nhà sản xuất bảng mạch ô tô, có trung tâm sản xuất lớn nhất tại Vũ Hán. Trước tình hình các hoạt động tạm dừng đến ngày 20/2, công ty Nhật Bản này đang cân nhắc chuyển dịch dây chuyền sản xuất các linh kiện sang các địa điểm khác, chẳng hạn như Quảng Châu, Nhật Bản hoặc Việt Nam. Đối với các sản phẩm chỉ có thể được sản xuất tại nhà máy Vũ Hán, họ đã yêu cầu khách hàng tìm nhà cung cấp khác, vì bản thân công ty cũng không biết trong bao lâu mới có thể ổn định sản xuất trở lại.
Nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu, chuyên cung cấp linh kiện từ các nhà máy của chính họ và các đối tác bên ngoài Trung Quốc, đang chuyển dây chuyền sản xuất các bộ phận kim loại được sử dụng trong thân xe cũng như dây an toàn sang Nhật Bản và Việt Nam. Công ty có trụ sở tại Tokyo này cố gắng ngăn chặn sự chậm trễ của việc giao các lô hàng từ Trung Quốc sang các thị trường khác.
Công ty Daikin Industries của Nhật Bản đang xem xét việc chuyển dây chuyền lắp ráp máy điều hoà không khí từ Vũ Hán đến Malaysia hoặc nơi khác. Công ty đã mở lại một phần các nhà máy ở Tô Châu và Thượng Hải, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài theo yêu cầu của chính quyền.
Nhưng nếu Vũ Hán tiếp tục bị cách ly, “chúng tôi sẽ phải giảm thiểu tác động đến hoạt động của chúng tôi”, một giám đốc điều hành cho biết. Các sản phẩm chính như máy nén khí có thể được sản xuất tại Nhật Bản hoặc Thái Lan.
Công ty sản xuất đồ thể thao Asics thì mong muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam và Indonesia, để thay thế cho các cơ sở gia công ở Vũ Hán. Trong khi các động thái của các công ty đa quốc gia chỉ mang tính tạm thời, các chuyên gia nói rằng, họ có thể đánh giá sâu hơn về chuỗi cung ứng châu Á.
“Đây sẽ là một bước ngoặt”, Edward Alden, chuyên gia cao cấp thuộc uỷ ban Đối ngoại về thương mại của Hoa Kỳ, cho biết. “Các công ty đang phải chịu áp lực rất lớn đối với việc đa dạng hoá địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc, do tiền lương và chi phí sản xuất tại Trung Quốc vẫn đang tăng lên”, ông nói.
Ông Alden nói rằng, vì thoả thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không thể loại bỏ đa phần các mức thuế, nên các công ty đã buộc phải thừa nhận rằng ”chi phí tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho các sản phẩm có liên quan đến Hoa Kỳ giờ đây dường như cao hơn rất nhiều và khó thay đổi .“
Và với sự giám sát ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, cộng với cuộc khủng hoảng virus corona, “Tôi hoàn toàn tin rằng chuỗi cung ứng sẽ được đa dạng hoá hơn ngoài Trung Quốc”, ông nói.
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Trong khi đó, Dan Alpert, quản lý tại ngân hàng đầu tư Westwood Capital có trụ sở tại New York, dự đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ phá giá đồng tiền của mình trong quý 2 để hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
“Trung Quốc có rất nhiều việc phải làm. Họ cần các nhà máy của mình đạt công suất cao nhất để bù đắp lợi nhuận bị mất từ việc đóng cửa do virus gây ra vào tháng 1 và tháng 2”, ông nhận định.
Alpert dự đoán điều này có thể là một động lực cho các công ty đa quốc gia đã tạm thời chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, để quay trở lại. “Cuối cùng, điều duy nhất quan trọng đối với các công ty đa quốc gia là chi phí nhập khẩu trong nước”, ông nói và nhắc đến chi phí vận chuyển, tiền tệ và các chi phí đầu vào khác.
Nhưng việc phá giá đồng tiền như vậy sẽ “tạo ra một vấn đề lớn với chính quyền Trump và sẽ vi phạm trắng trợn thoả thuận giai đoạn 1”, Edward Alden, chuyên gia cao cấp thuộc uỷ ban Đối ngoại về thương mại của Hoa Kỳ, phát biểu. Chính quyền và Quốc hội có thể sẽ một lần nữa gán cho Trung Quốc mác thao túng tiền tệ.
Nguyên Thảo – Ngân Giang (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này