08:05 - 27/12/2015
Dưa cây chuối hột và nước mắm đồng
Vì mang tên chuối trùng âm với “chúi” nên người Việt thường an trí chúng phía sau vườn, sát bên đời sống hàng ngày của những nông dân. Toàn thân cây đều hữu dụng. Nhất là cây chuối hột.
Ngày xưa, lúc còn ở quê nhà, chúng tôi thường dùng cây chuối bóp gỏi trộn với thịt vịt. Những khi vườn không có thân cây sẵn, chúng tôi chỉ phải vác mặt đi đến hàng xóm xin. Chuối cây không mua bao giờ. Người và heo đôi khi còn phải tị nạnh nhau món chuối cây. Hồi đó chưa thịnh thực phẩm công nghiệp nuôi heo và thuốc tăng trọng.
Tròn mắt về món dưa cây chuối hột
Hôm giới thiệu tôi về hòn tiểu đảo đang làm du lịch sinh thái do dân địa phương cung ứng dịch vụ nằm giữa sông Hậu, ông bạn thổ địa dặn đi dặn lại là ra cồn Sơn phải đòi ăn cho được món cây chuối hột nhận dưa và nước mắm đồng.
Ăn chuối hột bóp gỏi, hoặc trộn rau sống đã mòn răng nhưng quả là chưa bao giờ tôi nghĩ đến món cây chuối hột nhận dưa của dân miền Tây. Đúng là phải cấp cho họ – người nghĩ ra – cái bằng sáng chế. Qua cú điện thoại với người hướng dẫn du lịch hôm đó, yêu cầu dưa cây chuối hột của chúng tôi được OK.
Khi món dưa được dọn lên bàn, hỏi ra mới biết chuối hột làm dưa chua là món ăn liền chớ không để lâu như cải chua. Người ta chọn cây chuối non, lột vỏ, rồi cắt khúc vừa gắp, chẻ chuối ngâm nước muối khử mủ. Món ăn này nghe đâu xưa lắm rồi, thường dọn trong các bữa giỗ, bữa tiệc của chủ điền.
Ở phố đã lâu, hình ảnh cây chuối còn lụi tàn trong ký ức. Huống gì những món ngon từ cây chuối sau hè. Có điều, món cây chuối hột nhận dưa hôm ấy lại theo gu miền Tây, ngọt lừ. Làm như nguyên cả nhà máy đường nằm trong dĩa dưa.
Tôi phải xin miếng mắm trộn dưa lại mới ăn được. Chuối xắt ra được xử lý trắng phau trông như ngó sen. Nếu không nói có khi mới nhìn tưởng ngó sen. Nhưng ăn vào nhận ngay ra độ dòn, xốp và chát của chuối, với vị chua chua, mặn (nhờ mắm vừa gia vào), ngọt. Dưa chua này được cho biết là bóp với giấm làm từ nước mưa mới ngon.
Đúng là thứ dưa ngon mà không mất công làm lâu ăn. Sài Gòn mà ghiền món này, có khi các bà má quê không còn chuối để nuôi thêm con heo đợi tết chia thịt. Ta dễ thấy, thứ gì mà bị Sài Gòn ham, thường trong một thời gian ngắn là trở nên khan hiếm liền. Chẳng hạn như con sò lông một thời từ Phan Thiết kìn kìn đổ vào.
Bây giờ con sò lông đã được thứ sò có người gọi là sò lá. Mặc dầu trong thực đơn, người ta vẫn giữ nguyên tên sò lông. Ốc nhảy hồi mới vào Sài Gòn rẻ như cho. Bây giờ bắt đầu cạn kiệt.
Dưa chuối hột chấm với nước cá kho, tạo thành một combo còn ngon lành hơn cả cành đào. Cái ngon từ sự mộc mạc, hồn hậu, rất nhà quê. Và những cơn gió sông lộng lên bàn ăn. Ngoài vườn những cây chuối gió đưa xào xạc. Có phải khung cảnh quê cũng là một yếu tố làm cho món dưa cây chuối hột chấm nước cá kho ngon hơn chăng?
Đã vậy, nghe đâu nhiều người còn ca ngợi món quả chuối chát non đem làm dưa còn ngon hơn nữa. Nhiều nhà chỉ đợi đến tết mới làm món này để chống ngán thịt thà.
Mắm đồng từ cá cơm sôngCó một hộ gia đình ở cồn Sơn chuyên làm nước mắm đồng. Có lẽ họ cung cấp mắm cho dân cả cồn. Cuối năm họ đón mua cá cơm sông của những người chuyên đánh cá cơm nước ngọt trên sông Hậu vào tầm tháng 11 âm lịch.
Chủ nhà gọi loại cá họ mua là cá cơm 2 để phân biệt với cá cơm 1. Anh cho biết cá cơm 1 con lớn hơn, mỡ nhiều, làm mắm không ngon. Một lứa mắm như thế anh ủ mất sáu tháng. Bán cho du khách với giá 30.000 đồng/lít.
Nước mắm đồng màu sắc vàng tươi trông đẹp. Có vị ngọt thanh. Hơi đắng một chút ở cái hậu. Thơm không gắt.
Hai món ăn quê cho một chuyến đi, coi như lời về cái biết đã là nhiều.
Ngữ Yên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này