08:08 - 05/02/2016
Cúng xóm Sài Gòn vừa lạ, vừa quen
Đem cả quê hương vào Sài Gòn
“Xóm, ngày nay được hiểu không hẳn là xúm xít mấy trăm nóc nhà ở nông thôn mà còn là một cụm gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường.
Cuối năm, ai có bận bịu chi cũng phải lo về cúng xóm tất niên, bởi có mặt trong những lúc như thế mới thực là chan hoà tình làng nghĩa xóm”, ông Trần Thanh Trúc, ngụ đường số 5, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TPHCM chia sẻ.
Theo ông Trúc, dân Quảng Nam vào Sài Gòn hơn 20 năm nay, những năm trước, năm nào ông cũng về quê tham gia cúng xóm. Thế nhưng, từ hai năm nay, ông quyết ở lại Sài Gòn ăn tết và tổ chức cúng xóm cho đỡ nhớ quê.
Để chuyện cúng xóm luôn vui nhất thiết cả xóm phải họp lại để bàn bạc, phân công nhiệm vụ. Thường thì các chị, các bà sẽ lo việc đi chợ, bếp núc. Cánh đàn ông lập bàn cúng, bưng dọn và phụ trách sắp xếp bàn ghế ăn tiệc. Sau đó, cả xóm sẽ chọn ngày tốt để tiến hành cúng xóm.
Địa điểm đặt bàn cúng ở ngoài trời và là trục đường chính của xóm đi qua hay đầu cổng đi vào trong xóm. Chủ lễ cúng xóm trước đây thường là các cụ ông có uy tín trong xóm, mặc áo gấm, khăn đóng đứng làm lễ, nay chủ lễ có khi là ông tổ trưởng tổ dân phố hay bà chi hội trưởng hội phụ nữ khu phố là được.
Sau khi chủ lễ cúng xong, các gia đình trong xóm từ già trẻ, lớn bé đều thắp hương, quỳ lạy cầu khẩn.
Cúng xóm trong này chỉ khác ngoài Quảng Nam một điểm việc cúng xóm cho cả một xóm lớn nhưng vào Sài Gòn việc cúng xóm có thể thực hiện theo từng tổ khu phố. Và cái khác nữa chính là không ít người “chỉ vì ham vui chứ không thành tâm cho việc cúng” như ngoài quê.
Còn theo ông Nhàn, ngụ đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình, nơi đây được đa phần người miền Trung nhớ đến với cái tên chợ Bà Hoa chuyên đồ Quảng nổi tiếng ở TPHCM, ngày nay, mọi người quay cuồng trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nhiều khi láng giềng chẳng biết mặt nhau, tình làng, nghĩa xóm dần vơi cạn thì tục lệ cúng xóm quả là đáng quý.
Rằng vui thì thật là vui…
Ông Trúc chia sẻ theo lẽ số tiền dành để cúng xóm hoàn toàn tuỳ tâm, không bắt buộc, gia đình nào khá giả thì có thể đóng nhiều, nếu điều kiện không cho phép thì cũng không ai ép phải đóng.
Có xóm còn lập ra hẳn một quỹ chung để lo việc cúng giao thừa xóm, cúng đầu năm, trao học bổng cho con em học giỏi và hỗ trợ cho những gia đình có việc đột xuất, cần đến tiền…
Tuy vậy, bên cạnh những cộng đồng dân cư tổ chức cúng xóm đầm ấm ý nghĩa, nhiều nơi việc tổ chức liên hoan tốn kém nên thu tiền quá cao, làm một số gia đình lao động nghèo khó khăn càng thêm bận tâm. Không tham gia thì sợ làng xóm dị nghị nhưng tham gia thì phải chạy tiền đóng góp.
Nhiều khu dân cư còn ra sức tranh đua, để xem ai tổ chức to hơn ai. Ngoài ra, có nơi tổ chức cúng xóm ngay trên đường phố nên dẫn đến lộn xộn, mất trật tự, thậm chí nhiều nơi còn ngăn cả đường phố gây mất an toàn giao thông. Đồng thời, tụ tập ăn uống, hát hò suốt ngày đêm ảnh hưởng đến trật tự thôn xóm, thậm chí đám thanh thiếu niên còn bày ra các trò không lành mạnh như đánh bài, cá độ… làm người già phải phiền lòng.
Cũng vì chuyện giành nhau tổ chức xem ai là chủ xị, nên ít nhất hai năm nay cư dân ở các con đường thuộc khu dân cư khu công nghiệp Tân Bình mở rộng rất oải chuyện phải tham gia cúng xóm.
“Họ làm không vì vui mà vì tiền thì còn gì ý nghĩa”, một cư dân nơi đây bình luận.
Giang Anh – Thanh Nhẫn
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này