09:44 - 21/11/2024
Việt Nam được gì, mất gì với chính sách mới của Mỹ?
“Những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỷ USD FDI sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ, trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới” – ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, nhận định.
Mối đe dọa về thuế bị phóng đại
Sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào chính quyền mới của ông Donald Trump. Nhiều quốc gia tỏ ra lo ngại về tác động của sự kiện này với nền kinh tế của họ.
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đã ghi nhận rất nhiều tuyên bố thái quá và thông tin cường điệu từ truyền thông. Trước bầu cử, cả hai ứng cử viên Tổng thống đều cam kết sẽ đưa các công việc sản xuất trở lại Mỹ nếu họ chiến thắng.
Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và áp thuế 10-20% đối với các quốc gia khác để thực hiện mục tiêu này. Mục tiêu của ông Trump muốn các nhà sản xuất Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Mỹ và thuê công nhân Mỹ, giống như những gì Nhật Bản đã làm trong thập niên 1980 và 1990.
Thực ra ông Trump đã hứa áp thuế cao trong chiến dịch tranh cử vì hai lý do. Thứ nhất mối đe dọa về thuế, đặc biệt là đối với Trung Quốc và Mexico, là một khẩu hiệu mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, nhằm thu hút sự ủng hộ từ một trong những nhóm cử tri chủ chốt của ông Trump là tầng lớp công nhân lao động. Thứ hai, con số 60% có thể chỉ là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Ông Trump là một nhà phát triển bất động sản, một ngành nghề thường có các chiến lược đàm phán “mở đầu” cực đoan. Thực tế, ông Trump đã tập hợp một đội ngũ cố vấn kinh tế rất am hiểu và tài năng, những người có khả năng ảnh hưởng lớn hơn đối với ông so với các cố vấn trong nhiệm kỳ đầu, và họ hoàn toàn hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Những hậu quả tiêu cực này bao gồm việc cản trở quá trình đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, vì thuế cao sẽ đẩy giá trị đồng USD lên.
Hơn nữa, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế, khi chỉ ra rằng vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đã dẫn đến việc đồng USD bị định giá quá cao. Điều này khiến việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ không khả thi về mặt kinh tế. Việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Một mối lo ngại gần hơn là nền kinh tế Mỹ đang hướng tới tình trạng “lạm phát đình trệ” (lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp), sẽ rất tồi tệ kể từ những năm 1970, trong đó có việc nợ công Mỹ gia tăng nhanh chóng.
Do vậy khi ông Trump áp thuế nặng lên Trung Quốc, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát mạnh mà nền kinh tế Mỹ thấp rất có thể sẽ gặp phải vào năm tới.
Cách tiếp cận mới của ông Trump
Ai cũng dễ dàng nhận thấy Trung Quốc mới là mục tiêu, không phải Việt Nam. Ông Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và ông Biden đã tiếp tục, thể hiện rõ rằng cả hai đảng chính trị của Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Hơn nữa, ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân túy, và Việt Nam được cử tri Mỹ đánh giá cao. Do vậy, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự phản đối đáng kể nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ.
Do đó, không có lý do gì để ông Trump nhắm vào Việt Nam từ góc độ dân túy. Trên thực tế, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Bởi mức lương cao và sự khan hiếm công nhân nhà máy có tay nghề, sẽ hạn chế nỗ lực của Mỹ trong việc đưa các công việc sản xuất trở về, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tóm lại, Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ, và ông Trump sẽ thích nếu họ không mua hàng từ Trung Quốc.
Cách đây 8 năm, ông Trump thực sự không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Kết quả là ông đã bước vào Nhà Trắng mà không chuẩn bị đầy đủ cho những thử thách phía trước (theo lời ông tự thuật và các cuộc phỏng vấn).
Lần này, ông Trump có sự hiểu biết tốt hơn về cách thức hoạt động của chính quyền và có những doanh nhân thông minh, thành đạt tư vấn. Vì vậy, ông có khả năng sẽ có một cách tiếp cận tập trung hơn đối với các vấn đề thương mại.
Việt Nam được gì, mất gì?
Thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể trở thành vấn đề. Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm 2023, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Vào một thời điểm nào đó, sự mất cân bằng này sẽ trở thành vấn đề đối với chính quyền của ông Trump. May mắn thay, điều này có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách mua các sản phẩm giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ.
Vì vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền ông Trump. Chính sách ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới, đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi.
Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hơn nữa, nếu Mỹ áp thuế toàn diện, thí dụ như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI.
Theo Michael Kokalari*/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 21/11/2024
————-
(*) Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này