22:31 - 17/09/2021
TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo về sự kiệt quệ của doanh nghiệp
Tại buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến chuyên gia của lãnh đạo TP.HCM sáng 17/9, TS Vũ Thành Tự Anh đã lên tiếng cảnh báo về sự kiệt quệ của doanh nghiệp. Nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nêu ra bối cảnh phòng chống dịch của tháng 9/2021 đã khác với gần 2 năm về trước khi Covid-19 mới xuất hiện và phòng chống dịch lúc đó theo mục tiêu “Zero-Covid”. Giờ đây, có hai bối cảnh quan trọng là đã có vắc xin và biến chủng Delta cũng như các biến chủng trong tương lai đang diễn biến rất khác.
Vì vậy, những cách thức chống dịch được thiết kế năm 2020 – trong bối cảnh chưa có vắc xin và chấp nhận mục tiêu “Zero-Covid”, những cách cũ, những khuôn khổ pháp lý là không phù hợp, thậm chí trở thành vướng mắc, bất cập trong bối cảnh hiện nay.
TS Vũ Thành Tự Anh lưu ý, nếu không “gỡ” được ở điểm này thì tất cả các “điều kiện cần” về sau, đều vướng. Vì thế, cần có sự đánh giá một cách cơ bản các khuôn khổ pháp lý, các quy định y tế trong phòng chống dịch để ứng phó phù hợp, thích nghi với điều kiện mới.
Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là có mở hay không? TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, không thể nói mở hay không mở, mà cần nói rằng không thể không mở. Tại sao lại như vậy? Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế, thì bài toán quan trọng nhất là về phân tích lợi ích và chi phí, bài toán về phân bổ nguồn lực. Riêng phân tích lợi ích và chi phí, đơn cử việc xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người dân TP.HCM có chi phí là cực kỳ lớn và lợi ích rất thấp. “Cần đánh giá việc này một cách tường minh để đưa ra chiến lược phù hợp”, TS Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn.
Bên cạnh đó, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Đối với doanh nghiệp, TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo về sự kiệt quệ của doanh nghiệp mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỷ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn.
Đặc biệt, ngân sách Trung ương cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra là các chi phí không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý… Theo chuyên gia, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội, cả tinh thần và tâm lý… thì chi phí cho giãn cách xã hội là quá lớn và không thể không mở cửa. “Chúng ta không thể không mở cửa”, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Vậy mở thế nào? TS Vũ Thành Tự Anh nêu ra bài học lớn nhất nhìn từ lịch sử loài người là bài học về thích nghi và tiến hóa. Trong bối cảnh hiện nay, cần thích nghi một cách an toàn với Covid-19 và cần có phương án dự phòng, quản lý rủi ro. Trong đó, phải bảo vệ những người có rủi ro nhiều nhất là người trên 65 tuổi, 50 tuổi trở lên, trẻ em…
Theo chuyên gia, điều kiện đầu tiên để mở cửa hiển nhiên là vắc xin. TP.HCM cần đề nghị Trung ương tăng cường vắc xin và với năng lực của TP.HCM, trong vòng nửa tháng có thể tiêm chủng hoàn toàn cho người dân. Đây là điều quan trọng và Trung ương có thể giúp TP.HCM một cách hiệu quả bằng việc tăng cường vắc xin cho thành phố.
Đối với hoạt động kinh tế và kinh doanh, chuyên gia gợi mở, tất cả đơn vị được phép mở ra, tiến độ mở ra phải có phương án dự phòng, phải có phương án quản lý rủi ro, phải có phương án thay đổi và thích nghi với điều kiện mới. Đơn cử siêu thị, cần có đường vào, đường ra riêng biệt. Những chuyện như vậy cần có quy chuẩn, quy trình, có hướng dẫn cụ thể để thích nghi, phòng ngừa trong bối cảnh mới.
TS Vũ Thành Tự Anh một lần nữa nhấn mạnh việc cần thay đổi quy định của Bộ Y tế về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, vì nếu không làm được điều này thì không mở cửa được. Bởi, khi mở cửa thì sẽ tăng F0. Mà khi tăng F0 sẽ không đáp ứng quy định hiện nay về tiêu chí kiểm soát dịch, thì lại phải đóng trở lại.
“Đóng trở lại là cách dễ nhất để giết doanh nghiệp. Doanh nghiệp, cứ mở ra đóng lại là họ chết”, TS Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo và cho rằng thay đổi quan điểm, nguyên tắc chống dịch chính là “điều kiện cần” cho mở cửa.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận các góp ý, gợi mở tâm huyết của các chuyên gia ở lĩnh vực y tế, kinh tế. Dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chúng ta không thể loại hẳn Covid-19 ra khỏi cộng đồng, ít nhất trong thời điểm này và một thời gian nữa.
Các chuyên gia cả y tế và kinh tế đều đánh giá, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn và nền kinh tế bị tổn thương nhiều, cần được sớm phục hồi. Với nhìn nhận như vậy, các chuyên gia đề nghị TP.HCM từng bước phải mở dần, trên cơ sở đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chủ quan. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần chuẩn bị chiến lược để TP.HCM chuyển sang giai đoạn bình thường mới – sống trong môi trường có Covid-19.
Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng khi phát hiện F0 ở cộng đồng thì ứng phó thế nào. Nếu như trước đây, khi phát hiện F0 thì đóng cửa; giờ đây, trong điều kiện bình thường mới, nếu phát hiện ca mắc Covid-19 thì phải “sống chung” như thế nào? Về điều này, TP.HCM đang tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này