09:15 - 24/09/2024
Thêm Kỳ lân gục ngã, ‘miếng bánh’ xe công nghệ về tay ai?
Việc Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm hoạt động, đang làm dấy lên câu hỏi thị trường gọi xe công nghệ sẽ về tay ai. Liệu các tên tuổi của Việt Nam có vươn lên giành miếng bánh lớn trong thị trường.
Pha rút lui được báo trước
Ngày 16/9 vừa qua, Gojek đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm hoạt động. Trước đó, những ngày đầu tháng 9 trên cả các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đều đăng tải thông tin này.
Đại diện Gojek lúc đó cho biết, quyết định chiến lược này nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động mang tính bền vững, phù hợp với cam kết của công ty mẹ GoTo (một kỳ lân công nghệ của Indonesia), để tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.
Thực ra các dự báo trong năm 2023, khi 2 kỳ lân là ứng dụng giao đồ ăn Beamin của Hàn Quốc và ứng dụng cho thuê xe tự lái Zoomcar của Ấn Độ rút khỏi thị trường, cũng đã bắt đầu xuất hiện những câu hỏi “kỳ lân nào tiếp theo” sẽ rút khỏi Việt Nam. Trong số những cái tên được bàn thảo, Gojek cũng có mặt, bởi sau 6 năm hoạt động ứng dụng này dường như đi lùi trong việc chiếm thị phần.
Bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8/2018 với cái tên GoViet, kỳ lân đến từ Indonesia này được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc quyền của Grab, sau khi Uber chính thức chia tay thị trường. Cũng như tiền lệ từ các “đàn anh” đi trước, ngay khi vào thị trường, GoViet đã tung rất nhiều chương trình khuyến mại khủng để thu hút người tiêu dùng tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đáng chú ý nhất là chương trình chỉ 1.000 đồng cho các cuốc xe dưới 6km ở Hà Nội. Sau 6 tuần hoạt động chính thức tại Việt Nam, đại diện Gojek lúc đó tự tin tuyên bố nắm trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM, 1,5 triệu lượt tải ứng dụng, cùng 35.000 đối tác ở cả TP.HCM và Hà Nội.
Song càng có mặt lâu thì các vấn đề của kỳ lân này lần lượt xuất hiện. Đầu tiên phải kể đến việc triển khai dịch vụ mới. Trong 3 năm đầu tiên ở Việt Nam, Gojek chỉ có 3 dịch vụ liên quan đến xe 2 bánh là GoRide (vận chuyển), GoFood (giao đồ ăn) và GoSend (giao hàng).
Phải đến 2021, hãng này mới phát triển thêm dịch vụ xe 4 bánh. Việc mở rộng phạm vi kinh doanh cũng khá chậm chạp. Trong năm đầu tiên, ứng dụng vẫn chỉ dừng chân ở 2 TP lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Đến cuối năm 2023, hãng mới phủ sóng thêm 2 địa phương mới là Bình Dương và Đồng Nai.
Và có lẽ cái được nhiều người quan tâm nhất, cũng là điểm nhấn chính trong các dự báo liên quan đến việc kỳ lân này có thể chia tay thị trường Việt Nam, chính là những con số về doanh thu, lợi nhuận và thị phần.
Năm 2022, khi thị trường được bao phủ bởi 3 cái tên là Grab, Gojek và Be, thì Q&Me đã đưa ra khảo sát cho thấy Gojek chiếm tới 30% thị phần người dùng trung thành tại Việt Nam, chỉ đứng sau Grab.
Song sau gần 2 năm, những con số cập nhật mới nhất từ công ty nghiên cứu này cho thấy, lượng người dùng trung thành của Gojek đã bị thu hẹp đáng kể xuống còn 7%, đứng vị trí thứ 4 sau 2 cái tên quen thuộc là Grab, Be và tân binh Xanh SM. Một báo cáo khác cũng cho thấy, doanh thu năm 2023 của Gojek chỉ khoảng 200 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước đó. Doanh thu giảm, các khoản lỗ cũng lớn dần lên. Được biết, Gojek liên tiếp thua lỗ và đến cuối năm 2023 đã lỗ lũy kế gần 5.700 tỷ đồng.
Chia sẻ với ĐTTC về việc Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự chuyển mình của các hãng taxi truyền thống và sự phát triển nhanh của các hãng gọi xe công nghệ trong nước, khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Thêm nữa chi phí của các doanh nghiệp ngoại thông thường sẽ cao hơn các doanh nghiệp nội, nên việc rút lui khỏi thị trường khi không hiệu quả cũng là phù hợp. Thực tế trước Việt Nam, công ty mẹ của Gojek cũng đã rút khỏi thị trường Thái Lan.
Doanh nghiệp nội bứt tốc
Quay trở lại với khảo sát của Q&Me về thị phần xe công nghệ Việt Nam quý I-2024, Garb chiếm 42%, Be 32%, Xanh SM 19% và Gojek 7%. Sự trượt dốc của Gojek một phần nguyên nhân có lẽ đến từ sự vào cuộc quá mạnh của Xanh SM.
Gia nhập thị trường vào tháng 4/2023. Chỉ 7 tháng sau, đến cuối năm 2023, Xanh SM đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ô tô và 15.000 xe máy điện với gần 40.000 nhân sự. Đến cuối tháng 6-2024, Xanh SM sở hữu hơn 30.000 taxi điện, có mặt tại 45 tỉnh, thành phố, hợp tác với hơn 35 doanh nghiệp đối tác và thu hút hàng ngàn tài xế, phục vụ hàng chục triệu khách hàng.
Gojek rút lui, chắc chắn cả 3 cái tên còn lại sẽ tăng tốc để chiếm lĩnh thị phần. Hiện Be và Xanh SM đang chiếm quá nửa thị trường. Nhưng nếu tách rời từng thương hiệu thì cuộc đua cũng sẽ khá khốc liệt. Đặc biệt không ít người chờ đợi sự bứt tốc của Xanh SM trong thời gian tới, khi hãng này đã có được những bước khởi đầu ấn tượng trên thị trường.
Grab với tiềm lực tài chính mạnh, lại đang dẫn đầu thị trường nên vẫn được xem là đối thủ nặng ký. Nhưng cả hai cái tên nội còn lại cũng không yếu thế khi bàn đến câu chuyện tài chính. Xanh SM được hậu thuẫn bởi tập đoàn Vingroup.
Còn Be thì liên tục có những cái bắt tay khủng với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo đó, vào đầu năm 2024, Be đã công bố gọi vốn thành công 739,5 tỷ đồng tài trợ mới từ Công ty Chứng khoán VPBank để mở rộng các dịch vụ gọi xe, giao hàng và tài chính, hướng tới mục tiêu phục vụ 20 triệu người dùng.
Thương vụ này tiếp nối khoản vay 100 triệu USD từ đối tác ngoại là Deutsche Bank vào năm 2022. Được biết, Be hiện có mạng lưới 300.000 tài xế ô tô và xe máy trên nền tảng, phục vụ 9 triệu người dùng trên 40 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo thông tin công bố, Be ghi nhận tăng trưởng gấp 5 lần về tổng giá trị hàng hóa được xử lý trên nền tảng từ năm 2021 đến năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố chính là tài chính, khi nói đến cuộc đua giữa các hãng xe công nghệ người tiêu dùng bàn nhiều không kém sau các chương trình khuyến mại, giảm giá, chính là tính chính xác của dữ liệu bản đồ để xác định vị trí khách hàng, điểm đến. Điều này theo nhiều đánh giá Grab đang làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của mình.
Trước đây, Grab hay Gojek đều sử dụng Google Maps, nhưng năm 2022 Grab đã tung ra công nghệ bản đồ riêng là GrabMaps. Thời điểm đó, đại diện Grab cho biết họ đầu tư phát triển công nghệ này thành một ưu thế cạnh tranh để mang đến cho người dùng và đối tác của Grab trải nghiệm tốt hơn, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện đang đặt nhiều kỳ vọng vào những cải tiến tốt hơn trong công nghệ bản đồ của các doanh nghiệp trong nước.
Người tiêu dùng có thiệt thòi?
Gojek rút lui, thị trường bớt đi một thương hiệu, các doanh nghiệp bớt đi đối thủ cạnh tranh, nhưng liệu người tiêu dùng có thiệt thòi hơn khi số doanh nghiệp tham gia ít đi. Dễ thấy, các yếu tố để người tiêu dùng quyết định lựa chọn một hãng xe công nghệ thông thường sẽ bao gồm: đặt xe dễ dàng, giá cả cạnh tranh, khuyến mại nhiều, trải nghiệm tốt…
Và đương nhiên khi các hãng đi vào cuộc đua khuyến mại, cải tiến chất lượng dịch vụ, thì người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên. Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng vẫn là xu hướng chính trong khoảng 2 năm gần đây. Nhất là giới trẻ hiện đang theo xu hướng “tiết kiệm ồn ào”.
“Gojek rút, nhưng thị trường vẫn đang chứng kiến cuộc đua của 3 cái tên lớn, chưa hết các hãng taxi truyền thống cũng đang từng bước chuyển mình cải thiện nên người tiêu dùng vẫn không hề thiệt thòi” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, nên khó có thể đoán được liệu có thêm cái tên mới nào tham gia thị trường hay không. Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 đạt quy mô 727,73 triệu USD; năm 2024 ước tính đạt 880 triệu USD, và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.
Tất nhiên, cũng phải nhìn hai mặt của một vấn đề, khuyến mại nhiều, khủng, thì khách hàng thích nhưng các doanh nghiệp sẽ không thể mãi “đốt tiền”. Khuyến mại giúp thu hút khách hàng, nhưng lại khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực tài chính lớn. Lâu dần cái doanh nghiệp cần mang đến sẽ phải là chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng… những yếu tố tạo nên sự khác biệt hóa của thương hiệu. Chỉ như vậy mới có thể vững bước trong một cuộc đua cần sự bền bỉ.
Và dễ thấy lính mới như Xanh SM, ngay từ khi “chào sân” đã để lại ấn tượng tốt cho nhiều khách hàng nhờ những trải nghiệm tốt mà đội ngũ tài xế của hãng này mang lại cho khách. Chưa hết việc sử dụng 100% xe điện cũng giải quyết bài toán không phát thải, không mùi xăng…
Theo Đức Mạnh/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 24/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này