09:49 - 05/03/2020
Thay đổi ngay tư duy làm ăn
“Năm nay là một năm khó khăn chồng chất với nền kinh tế khi ba đối tác lớn của chúng ta là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang gặp vấn đề lớn về dịch bệnh”, TS Lê Đăng Doanh mở đầu cuộc trò chuyện với Thế Giới Hội Nhập.
Ông nói thương chiến Mỹ – Trung chưa hồi kết và đợt bùng phát Covid-19 toàn cầu mang lại cho nền kinh tế Việt Nam các thách thức mới. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 khi hiệp định thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) được thông qua…
Khó khăn dắt dây
TS Lê Đăng Doanh nói cuộc thương chiến Mỹ – Trung khởi đầu cho những chuỗi khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu do mối gắn kết ngày càng sâu với kinh tế toàn cầu. Dịch Covid-19 khiến thị trường Trung Quốc bị đóng băng, doanh nghiệp Việt Nam tìm cánh cửa xuất khẩu mới thì hàng rào đã được dựng lên. Rồi đến lượt Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng khi Covid-19 bùng phát.
Điều này khiến các ngành xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không… đang đối diện nguy cơ lớn. Chuỗi giá trị cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Một số ngành phụ thuộc đến 60 – 80% nguồn nguyên liệu đầu vào, chưa tính đến thiệt hại sản phẩm đầu ra. Rồi tình hình khô hạn ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long khiến dân cư và doanh nghiệp thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
“Nguy có cơ, họa có phúc”
EVFTA được thông qua vào đầu tháng 2/2020 mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông Doanh nhận định: “Đây là giai đoạn hội nhập mới của nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sang EU có thể tăng thêm 1,5 – 5,8 tỷ USD vào năm 2023. Các mặt hàng nông thủy sản, dệt may, da giày được hưởng lợi nhiều nhất”.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Họ đưa ra điều kiện là hàm lượng nội địa và nguồn gốc xuất xứ nguyên, phụ liệu phải bảo đảm…
“Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Lợi ích này có ý nghĩa đặc biệt khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay”, chuyên gia kinh tế nhận xét.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh tình trạng “bỏ hết trứng vào một rọ”, tránh phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. “Việc phụ thuộc 60 – 80% nguyên liệu vào nhà cung cấp Trung Quốc của ngành dệt may và điện tử là một câu chuyện đau đầu. Nhiều công ty Việt hết nguyên liệu và phải dừng sản xuất vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 là chắc chắn nếu tình hình Trung Quốc không sớm có tiến triển”, ông Doanh nói.
Tầm nhìn 10 năm
Doanh nghiệp Việt cần có tầm nhìn dài hơn, không chỉ mua đứt bán đoạn và chỉ muốn xuất thô sang Trung Quốc để kiếm “tiền tươi”. Ông Doanh nói nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ vươn lên vị trí số một thế giới vào năm 2030 với quy mô 64.200 tỷ USD, sau đó là Ấn Độ với 46.300 tỷ và Mỹ 31.000 tỷ. “Trung Quốc vẫn cần được quan tâm nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy làm ăn và xuất khẩu hiện nay. Bên cạnh đó, Ấn Độ nổi lên là thị trường lớn thứ hai trên thế giới và vượt qua Mỹ”, ông chia sẻ.
Các thị trường mới được dự báo trở thành các nền kinh tế lớn thuộc hàng Top 10 toàn cầu vào năm 2030 cần được quan tâm và doanh nghiệp cần có kế hoạch bài bản để thâm nhập. Các nền kinh tế này gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai cập, Nga, Nhật Bản và Đức – theo thứ tự từ hạng 4 đến hạng 10.
Thách thức đau đớn
“Khó khăn là vậy, nhưng doanh nghiệp không nên xem đó là kết thúc cuộc chơi mà nên nhìn đó là cú vấp ngã, có đau nhưng phải đứng lên đi tiếp. Công nhân vẫn chưa bỏ đi, nhà xưởng vẫn còn đó, ông chủ vẫn có thể ở lại nếu muốn trụ lại. Trong trường hợp xấu nhất là không thể một mình cáng đáng, các ông chủ hiện tại có thể liên kết hoặc mời thêm ông chủ mới, chuyên gia mới tham gia vào công cuộc tái thiết”, người từng làm trong tổ chuyên gia tư vấn kinh tế thời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nhận xét.
Ông nói các doanh nghiệp Việt cần liên kết chặt chẽ với nhau, theo chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thế giới, đặc biệt khi muốn vào các thị trường lớn như EU, Mỹ hay Trung Quốc trong bối cảnh mới. “Tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm đối tác mới, tìm nguồn cung nguyên phụ liệu mới là bài toán đầu tiên. Kế đến là vận dụng công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử và vận dụng chính phủ điện tử”.
Nhưng cải cách thể chế, cắt giảm chi tiêu công đòi hỏi sự quyết tâm của nhà nước và bộ máy chính quyền. Chi thường xuyên chiếm đến 70% tổng chi ngân sách, 24,5% ngân sách dùng để trả nợ và phần còn lại cho đầu tư mới là không ổn. “Giảm bớt chi tiêu của bộ máy cồng kềnh và dư dôi một cách vô duyên là vấn đề đau đầu”, ông Doanh nhận xét.
Ông nhắc lại chuyện xe công và chuyên cơ dành cho các nhà lãnh đạo. Ông kể Quốc vương Thụy Điển thăm Việt Nam thì đi máy bay thương mại sang Bangkok, rồi từ đó bay sang Hà Nội và thăm TP.HCM đều dùng máy bay thương mại của Vietnam Airlines. Thụy Điển từng là một quốc gia tài trợ hào phóng các chương trình viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Chính phủ đang tìm phương án để tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chuyện hoãn hay giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp. Rồi các kế hoạch đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hoãn thời hạn trả nợ. “Tuy nhiên, một kế hoạch giải cứu sẽ trở nên vô nghĩa nếu trên nóng dưới lạnh. Sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng”, ông Doanh kết thúc câu chuyện.
Hồ Nguyên Thảo ghi (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này