
17:12 - 12/03/2020
‘Sứ mệnh kép’ của Chỉ thị 11
Chỉ thị 11/2020 có thể hoàn thành sứ mệnh “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội và giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI kỳ vọng.
– Ông nhìn nhận như thế nào về các yêu cầu tại Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan, Bộ, ngành?
– Với tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Chỉ thị 11 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể. Theo đó Chỉ thị đã đưa ra 7 giải pháp lớn và đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước thực hiện. Nhiều giải pháp yêu cần phải thực hiện và báo cáo kết quả ngay trong tháng 3 như:
Giải pháp đầu tiên về vốn, tài chính, thuế và thúc đẩy thanh toán điện tử, Chỉ thị đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,…”.
Hay tại nội dung thứ 2 về “cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Chỉ thị 11 cũng yêu cầu: “Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo đảm không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách”…
Nhưng cũng có nhiều giải pháp dài hạn như thúc đẩy thanh toán trực tuyến và cắt giảm thủ tục hành chính… Những vấn đề này nếu như trước đây chúng ta còn chần trừ thì đây chính là thời điểm buộc chúng ta phải thực hiện nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
– Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, ông thấy điều doanh nghiệp cần nhất bây giờ là gì?
– Với doanh nghiệp cũng như ngành hàng, điều họ cần nhất bây giờ là dòng tiền thanh toán.
Tôi lấy ví dụ như trước đây, doanh nghiệp vẫn phải nộp các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, phí công đoàn… Ở phía nhà nước, những khoản thuế này, nếu có thể hoãn cho doanh nghiệp được thì cũng sẽ phần nào giảm đi gánh nặng cho doanh nghiệp. Đây nên là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giúp đỡ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
– Tuy nhiên, việc phải chứng minh được những yêu cầu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp là điều rất mất thời gian bởi thủ tục rườm rà dẫn đến việc doanh nghiệp “nản”. Ông nghĩ sao về điều này?
– Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng để kinh doanh nên chi phí vốn trong chi phí kinh doanh đang chiếm rất cao. Do đó, chương trình hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng trong Chỉ thị 11 cho doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Tôi được biết nhiều ngân hàng đang chủ động vào cuộc để giúp đỡ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bản chất ngân hàng cũng là tổ chức tín dụng nên họ cũng cần tính toán chứ không thể hỗ trợ xuông. Do đó, hơn ai hết bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm giải pháp phù hợp nhất để chia sẻ với ngân hàng chứ không thể đòi hỏi ở ngân hàng quá nhiều.
– Thực ra, điều quan trọng lúc này là việc triển khai thực hiện thế nào để Chị thị với các giải pháp cấp bách phải được triển khai nhanh theo đúng yêu cầu tại chỉ thị là “cấp bách”, thưa ông?
– Thực ra, trên thực tế nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân có định kiến về các chương trình hỗ trợ như thế này. Có thể các chủ trương chính sách của Chính phủ là đúng nhưng khi triển khai thì rất khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng thời gian và chi phí đi lại để nhận được những gói ưu đãi này có thể còn tốn nhiều hơn so với chi phí được nhận nên họ không có động lực.
Hi vọng rằng, ưu đãi lần này của Chỉ thị 11 sẽ giúp xóa đi được những định kiến trên của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chung tay cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
– Xin cảm ơn ông!
Trang Nguyên/DĐDN
https://enternews.vn/su-menh-kep-cua-chi-thi-11-168419.html
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này