10:50 - 12/07/2022
Kinh tế Anh hậu Boris Johnson: đừng trông đợi một phép màu ‘Harry Potter’
Trong vòng 24 giờ sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức, tôi nhận được rất nhiều yêu cầu bình luận ngắn, viết báo cáo, đưa ra quan điểm về khả năng thay đổi của kinh tế Anh sau khi ông Johnson từ nhiệm. Câu trả lời ngay lập tức của tôi: Hãy nhìn thị trường ngoại tệ.
Đó là sự yên bình đến kỳ lạ của đồng bảng Anh so với USD trong tuần lễ đầy sóng gió của chính trường Anh, đã phản ánh điều mà theo tôi là chính xác những gì người ta có thể kỳ vọng hay lo sợ về một nền kinh tế Anh hậu Boris Johnson. Và hầu như sẽ không có biến động nào thật sự sốc sẽ diễn ra.
Vì sao vậy?
Vì những thách thức của nước Anh hiện nay đối mặt là kết quả một chuỗi sai lầm của các chính phủ nhiều đời trước đó để lại, và không có một ứng viên thủ tướng nào của đảng cầm quyền hiện nay (Đảng Bảo thủ) lẫn đảng đối lập chính (Đảng Lao động) có thể đảo ngược được trong thời gian vài năm cả. Huống chi là thời gian tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới chỉ còn 2 năm.
Hãy điểm qua vài thách thức mà nước Anh đang đối mặt. Hai điều đầu tiên khá dễ nhận ra, vì nó là vấn đề của các nền kinh tế lớn: lạm phát cao và rủi ro suy thoái. Và Anh đặc biệt nguy cấp hơn những nước trong nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới, vì lạm phát của Anh đã hơn 9% và được dự báo có thể lên tới 11% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng GDP 2023 và 2024 thuộc loại yếu nhất trong nhóm các nền kinh tế chủ chốt của thế giới. Lạm phát cao nhất trong khi triển vọng kinh tế thấp nhất nhóm G7 là một tóm tắt ngắn gọn và chuẩn xác về kinh tế Anh lúc này.
Vấn đề dài hạn và nguy hiểm hơn với kinh tế Anh là nằm ở gánh nặng thuế và nợ công. Gánh nặng thuế của Anh tăng nhanh sau dịch Covid lên đến trên 35% GDP. Đây là mức cao nhất từ những năm 1960. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách 2022 dự kiến ở mức trên 5,8%. Muốn bù thâm hụt ngân sách thì phải tăng thuế, hoặc là phải tăng vay nợ. Trong ngắn hạn, để giành lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nhiều nghị sĩ của Đảng Bảo thủ Anh hy vọng thủ tướng kế nhiệm sẽ xem xét giảm thuế, và có thể là tăng vay nợ.
Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với cảnh báo nước Anh cần một chính sách tài khóa thận trọng của Cục Trách nhiệm Ngân sách (Office for Budget Responsibility – OBR). Cơ quan này cho biết nợ công của Anh có thể đạt 320% GDP vào 2070, tăng hơn gấp 3 so với mức 96% hiện nay.
Vì vậy, cựu Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak vẫn kiên trì muốn tăng thuế và thực thi một chính sách tài khóa thận trọng hơn. Điều đó lại đi ngược với điều mà nhiều thành viên quan trọng của Đảng Bảo thủ mong muốn vì họ muốn giảm thuế trong khi vẫn tăng chi tiêu cho phúc lợi và đầu tư hạ tầng) nhằm thu hút phiếu bầu để chiến thắng kỳ bầu cử tiếp theo.
Ở một khía cạnh nào đó, nhiều thành viên Đảng Bảo thủ đang muốn đạt được một bộ 3 gần như bất khả thi: giảm thuế, tăng chi tiêu và ngân sách vẫn cân bằng, đảm bảo nợ công không tăng mạnh. Điều này về lý thuyết vẫn có thể đạt được, nếu nguồn thu ngân sách vẫn tăng dù giảm nhiều loại thuế. Điều đó có thể xảy ra nếu hoạt động đầu tư và thương mại tạo ra nguồn thu tăng trưởng mạnh, và nếu năng suất của nền kinh tế Anh tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Song cả 2 điều này đều đang không diễn ra, vì Brexit và những động thái gần như là đơn phương vi phạm thỏa thuận Brexit của chính quyền Boris Johnson.
Người thay thế Boris Johnson vì vậy nếu là người thân thiện với EU thì có thể làm tốt lại mối quan hệ, tránh bị trừng phạt thương mại, nối lại các cơ hội giao thương, cung cấp dịch vụ tài chính và luật của Anh cho khu vực EU, đồng thời nối lại cơ hội cho các định chế nghiên cứu của Anh tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu nhiều chục tỷ EUR qua chương trình Horizon. Đã có nhiều thành viên cao cấp trong chính phủ Anh lo ngại rằng, nước Anh sẽ chảy máu tài năng nếu không có chương trình chi tiêu thay thế.
Điều kiện tiên quyết cho những điều tốt đẹp với EU có thể diễn ra, là Anh phải đoạn tuyệt với những quá khứ không mấy vui vẻ trong quan hệ với EU thời Boris Johnson, và “xóa bài làm lại” (reset) như cách nói của giáo sư Đại học Oxford Tim Garton Ash. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi người kế nhiệm ông Boris Johnson phải là một người không thuộc phái thiếu thiện cảm với châu Âu (Eurosceptics). Một phần không nhỏ trong số những người đang được truyền thông Anh đánh giá là có khả năng trở thành tân thủ tướng Anh lại thuộc nhóm thiếu thiện cảm với EU.
Ngay cả nếu người có thiện cảm với EU lên nắm quyền, những giới hạn về ủng hộ trong đảng và quốc hội cũng sẽ trói buộc những người này trong mức độ mà họ có thể “thân thiết” và nhượng bộ EU trong những thảo luận về vấn đề Bắc Ireland, cũng như làm hòa sau những trục trặc mà ông Boris Johnson để lại. Và trên hết, họ cần làm EU tin họ. Điều này là không hề dễ dàng.
Về mặt lý tưởng, một thủ tướng mà nước Anh cần lúc này phải có thể thương thảo với EU để đạt được một mối quan hệ chung dễ chịu, từ đó mà những vấn đề thương mại, đàm phán thỏa thuận dịch vụ, vấn đề Bắc Ireland trở nên mềm dịu hơn. Song song đó, người đó phải xúc tiến sự tham gia của Anh vào các khối thương mại và đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại song phương trọng yếu (như với Mỹ). Và cuối cùng, tân thủ tướng phải tạo ra niềm tin cho giới đầu tư và kinh doanh, những thành phần sẽ quyết định nước Anh có thể lật ngược tình huống khó khăn hiện nay hay không.
Xem ra những phản ứng ban đầu của thị trường tài chính vào lúc này cho thấy nhà đầu tư không có quá nhiều hy vọng, nhưng cũng không quá lo sợ cái gì tệ hơn sẽ đến. Có lẽ họ cảm thấy những tổn hại mà ông Boris Johnson gây ra đã đủ lớn rồi, và người kế nhiệm chắc sẽ không làm tệ hơn như vậy.
Tóm lại, thị trường tài chính và người dân Anh nói chung có vẻ đang không kỳ vọng phép màu kiểu như trong truyện Harry Potter để đảo ngược tình thế cho một nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn như Anh.
Theo TS Hồ Quốc Tuấn*/SGGP-ĐTTC
———
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này