16:15 - 03/03/2021
Không có kết nối, metro sẽ thất bại
Theo tính toán, tuyến số 1 hoàn thành mới chỉ giải quyết được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân từ phía đông (khu vực quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 (cũ)) về phía trung tâm TP.
Mạng lưới 8 tuyến metro hoàn thiện kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao… có thể đáp ứng 30 – 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.
Mạng lưới đường sắt đô thị được coi là xương sống, nắm vai trò chiến lược trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông, định hình sự phát triển đô thị của các TP lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, thế giới đã có rất nhiều bài học về những tuyến metro không thành công trong giai đoạn đầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tại Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia)…
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho biết việc hệ thống metro khai thác không hiệu quả giai đoạn đầu là vấn đề chung của các TP trên thế giới, đặc biệt là những nơi chỉ nghĩ đến dự án đầu tư, không quan tâm các giải pháp tổng thể tăng khả năng tiếp cận. Để tránh đi theo vết xe đổ này, ngay từ bây giờ, TP.HCM phải lên phương án từ tổng thể đến chi tiết tăng cường sự kết nối, khả năng tiếp cận của người dân tới các nhà ga dọc tuyến metro số 1.
Cụ thể, phải cải thiện điều kiện đi bộ trên tất cả các tuyến đường khu vực xung quanh nhà ga, đặc biệt là vỉa hè, ưu tiên tín hiệu giao thông cho người đi bộ tại các nút giao thông có đèn tín hiệu. Bố trí xe buýt gom khách từ các khu vực không đi bộ được tới nhà ga. Ngay khi tuyến metro đi vào hoạt động là lập tức phải có xe buýt gom vận hành, không để khoảng lơi làm giảm sức hút của tuyến. Hệ thống xe buýt này phải được kết nối, liên thông thời gian biểu với tàu điện để giảm thời gian chờ đợi của hành khách. Cần có chương trình thông tin cụ thể để người dân hiểu cách sử dụng tàu điện và dễ dàng sắp xếp lịch trình phù hợp. Đồng thời, có sự đồng bộ, liên thông về hình thức thanh toán giá vé và đặc biệt là giảm giá (có thể giảm 50% giá vé) cho hành khách sử dụng xe buýt gom tới đi metro.
“Các nhà ga tàu điện phải là trung tâm của sự phát triển. Khu vực xung quanh nhà ga phải sử dụng đất hỗn hợp, đa chức năng, làm sao để người dân ra khỏi tàu chỉ cần đi bộ tối đa 10 phút là có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cơ bản. Làm được tất cả những điều trên thì mới có thể khai thác hiệu quả tối đa tuyến metro. TP lên kế hoạch, thực hiện càng sớm thì càng đem lại hiệu quả cao”, TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Đại diện Sở GTVT cho biết vấn đề tổ chức giao thông dọc metro số 1 đang được đơn vị này rà soát hiện trạng, xây dựng kế hoạch nối kết đồng bộ. Cụ thể, về hạ tầng, một số dự án cải tạo và xây dựng mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt đã cơ bản hoàn thành. Trong năm 2020, 383 trụ dừng xe buýt đã được lắp đặt bổ sung; 74 nhà chờ xe buýt được lắp đặt mới, thay thế cùng với hệ thống 120 bảng thông tin điện tử và 115 camera. Tại vị trí từng nhà ga sẽ được nghiên cứu xác định khi một xe buýt kết nối với nhà ga sẽ kết nối kiểu gì, tiếp cận với nhà ga ở góc nào, người đi bộ sẽ tiếp cận xe buýt, taxi đưa đón hay lên metro như thế nào…, làm sao tạo thuận lợi nhất cho hành khách trong việc kết nối với metro.
Trong năm 2021, Sở GTVT sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án cải tạo và xây dựng mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt khu vực quận 2, 9, Thủ Đức; hoàn thành dự án Xây dựng bãi trung chuyển xe buýt tại số 152 Điện Biên Phủ, góp phần chuẩn bị kết nối các tuyến xe buýt vào khu vực Văn Thánh.
Về mạng lưới tuyến xe buýt, hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội sẽ được thay đổi theo hướng từ “điểm nối điểm” sang “tuyến trục – tuyến nhánh”. 20 tuyến xe buýt nhỏ kết nối tuyến MRT 1 sẽ được mở mới trong năm nay. Đồng thời, đầu tư xây dựng trạm dừng, dịch vụ tại các nhà ga metro dọc tuyến… đảm bảo kết nối tốt khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.
Theo H.Mai/Thanh Niên (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này