10:43 - 20/08/2024
GS-TS Võ Tòng Xuân – Nhà nông học kiệt xuất
Vài ngày trước khi GS-TS Võ Tòng Xuân qua đời, gia đình có nói ông thường nhắc đi nhắc lại sự kiện nhóm cựu sinh viên của Trường ĐH Cần Thơ cùng với ông diệt rầy nâu để cứu đói cho vùng ĐBSCL cách đây khá lâu. Có lẽ đây là câu chuyện ấn tượng nên ghi lại trong tâm thức giáo sư trước khi mất.
Sáng kiến trong đại dịch rầy nâu
Vào năm 1978, rầy nâu tấn công lúa mùa làm nông dân ĐBSCL điêu đứng. Các giống lúa cao sản phổ biến như TN73-2 và IR26 bị rầy nâu tàn phá hàng loạt. Tình hình trở nên bi đát đến mức nhiều hộ buộc phải bán cả vật dụng gia đình để cứu đồng ruộng. Cảnh tượng hoang tàn, mùa màng thất bát diễn ra khắp nơi. Nông dân rơi vào cảnh túng quẫn, lo lắng về sinh kế và tương lai. Họ khao khát một giải pháp để vượt qua dịch rầy nâu, bảo vệ nguồn sống chính của mình.
Đối mặt với khủng hoảng này, GS-TS Võ Tòng Xuân khi đó đang là Trưởng Bộ môn Lúa, Khoa Trồng trọt – Trường ĐH Cần Thơ, đã lập tức liên hệ với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) để tìm kiếm giải pháp. IRRI đáp ứng bằng cách gửi cho ông 5 gram hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. Nhận thức được tính cấp bách, GS-TS Võ Tòng Xuân quyết tâm tìm ra phương pháp nhân giống nhanh nhất có thể để cứu vãn tình hình.
Sau một thời gian ngắn miệt mài, GS-TS Võ Tòng Xuân đã sáng tạo ra phương pháp cấy “1 tép/bụi”. Kỹ thuật này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng lượng giống hạn chế, mà còn đẩy nhanh quá trình nhân giống, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nông dân trong vùng. Sáng kiến này thể hiện sự nhạy bén, tinh thần sáng tạo và tâm huyết của ông đối với ngành nông nghiệp và đời sống nông dân.
Ông đã thuyết phục ban lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đưa ra quyết định táo bạo: tạm đóng cửa toàn trường, huy động sinh viên tham gia chiến dịch nhân giống lúa IR36. Đây là bước đi mạnh mẽ, thể hiện sự ưu tiên cao độ đối với cuộc chiến chống “giặc” rầy nâu. Tôi cũng tham gia trong nhóm sinh viên này.
Bà con nông dân ban đầu có chút e ngại do phương pháp này khác biệt đáng kể so với tập quán canh tác truyền thống của họ. Nhưng nhờ uy tín và danh tiếng của mình, GS-TS Võ Tòng Xuân đã thuyết phục bà con tin tưởng và sẵn sàng áp dụng kỹ thuật mới. Kết quả đạt được thật đáng kinh ngạc: chỉ trong vòng 3 tháng, từ 5 gram hạt giống ban đầu, họ đã thu hoạch được hơn 2 tấn giống. Thành công này không chỉ thể hiện hiệu quả của phương pháp mới mà còn chứng minh sức mạnh của sự hợp tác giữa giới học thuật và nông dân.
Luôn nghĩ lợi ích cho nông dân
Thời gian sau, GS-TS Võ Tòng Xuân tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, đưa giống lúa IR36 phủ kín khắp các vùng lúa cao sản. Nông dân ĐBSCL không chỉ đẩy lùi được dịch rầy nâu mà còn trúng mùa. Cũng từ bước ngoặt này mà sản lượng lúa của BĐSCL ngày càng dồi dào, Việt Nam từ nước thiếu ăn thành quốc gia xuất khẩu gạo.
IR36, IR64 hiện là những giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu.
Thời gian sau này, ông còn lên tiếng về các chính sách liên quan đến nông nghiệp, thay đổi lại cách tư duy trồng lúa. “Trồng lúa để nông dân giàu lên phải đa dạng hóa trên đất lúa chứ không phải độc canh cây lúa”, đây chính là suy nghĩ khác biệt của GS-TS Võ Tòng Xuân.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng nếu nông dân trồng lúa chỉ để bảo đảm an ninh lương thực thì không khả thi mà phải làm giàu từ trồng lúa. Nhưng để làm được phải đa dạng hóa nông nghiệp, phải nghiên cứu hệ thống canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên một mảnh đất, có nhiều cách canh tác khác nhau, có thể làm lúa – tôm hoặc trồng lúa cao sản…
Ông cũng rất chịu khó đi thực tế để tổng hợp lại thành lý luận khoa học, tạo ra tầm nhìn mới. Song song đó, GS-TS Võ Tòng Xuân còn đi nhiều nước, đặc biệt là các nước ở châu Phi, giúp sản xuất lúa ở những nước này. Thực tế, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo ở châu Phi, ông còn đưa nhiều giống lúa, nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ một số nước như: Sierra Leone, Liberia, Nigeria, Mozambique, Angolia, Cameroon… hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực.
Dù tuổi cao nhưng hồi tháng 6 vừa qua, ông vẫn lên truyền hình nói về vấn đề nông nghiệp ở ĐBSCL, cho thấy ông có một tấm lòng rất lớn đối với vùng và nền nông nghiệp nước nhà.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh*/Người Lao Động
Ngày đăng: 20/8/2024
————-
(*) Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Trường ĐH Cần Thơ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này