11:06 - 04/11/2024
Dự án ‘1 luật sửa 7 luật’ giúp gỡ điểm nghẽn tài chính?
Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 luật sửa 7 luật).
Đây là dự án luật quan trọng, nếu được thông qua, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vấn đề lớn mang tính cấp bách, điểm nghẽn của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có những chia sẻ về tầm quan trọng xung quanh dự án luật này.
– Thứ trưởng đánh giá như thế nào về dự án “1 luật sửa 7 luật” trong lĩnh vực tài chính dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này?
– Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn trong thể chế, tức là chúng ta giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Với quyết sách của Trung ương cũng như Bộ Chính trị về việc xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua, tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng và kịp thời.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo trình tự, thủ tục rút gọn, tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu. Việc dự án luật được soạn thảo theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng luật thông thường, và Luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.
Với những nội dung báo cáo Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp này, tôi khẳng định sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là tại thời điểm này, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng.
– Vậy dự kiến những mục tiêu lớn mang tính cấp bách nào cần phải sửa ngay để đáp ứng việc quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thưa Thứ trưởng?
– Dự án luật này tập trung giải quyết những vướng mắc có thể kể đến như tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Chúng tôi cũng tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư, là phân cấp mạnh để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quan điểm này thể hiện trong sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.
Cùng với đó, chúng tôi đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Nội dung này được thể hiện trong sửa Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững…
Những nội dung này thể hiện trong nội dung sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán. Đồng thời, đề xuất chính sách khi sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia, nhằm tăng tính chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước anh em.
– Thưa Thứ trưởng, trong số 7 luật sửa đổi lần này, dư luận đặc biệt quan tâm nhiều đến 3 luật là Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, Luật Quản lý thuế sửa đổi, và Luật Chứng khoán sửa đổi, vì có phạm vi tác động lớn đến nhiều nhóm đối tượng. Vậy khi 3 luật này được thông qua, các chính sách này có tháo gỡ được các “điểm nghẽn” thực tế không?
– Đối với Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, có thể thấy thời gian qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm, cho phép một số địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và trên địa bàn. Nội dung này cũng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô.
Một số công trình hạ tầng trọng điểm đã được thực hiện, và thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Có thể kể đến nhiều dự án thực hiện theo cơ chế này, như các tuyến đường vành đai của Hà Nội, TPHCM, dự án sân bay Điện Biên, dự án cầu Bạch Đằng (nối TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), dự án cầu Như Nguyệt…
Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách nhà nước, để làm sao chúng ta huy động được nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là liên quốc tế.
Chúng tôi đánh giá, nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả Trung ương và địa phương, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.
Đối với Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ có cục trưởng cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế. Trong khi cả cục thuế và các chi cục thuế đều thực hiện việc thu thuế.
Do vậy khi Luật Quản lý thuế được sửa đổi, việc phân cấp cho chi cục trưởng chi cục Thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chi cục thuế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế.
Đối với Luật Chứng khoán sửa đổi, trước đó luật này đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực thi từ năm 2019. Thời gian qua trong quá trình phát triển thị trường đã nảy sinh một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và TPDN riêng lẻ.
Bộ Tài chính nhận thấy cần phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội có những điều chỉnh nhằm đảm bảo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra là phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách an toàn, bền vững, minh bạch.
Do vậy đối với nhà đầu tư cá nhân, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân. Do đó, Bộ Tài chính không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả các loại TPDN riêng lẻ.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, khắc phục những hạn chế của thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật Chứng khoán sẽ nâng chất lượng của TPDN.
Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy trình phát hành TPDN ra công chúng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.
Bộ Tài chính cũng tính đến việc các chính sách mới đưa ra cần phải có thời gian để thị trường có sự thích ứng. Do đó, những quy định này dự kiến trình Quốc hội cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Tôi tin tưởng rằng, với những đề xuất của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN phát triển bền vững, minh bạch, nâng cao chất lượng TPDN phát hành riêng lẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin, góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.
Theo SGGP/ĐTTC
Ngày đăng: 4/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này