16:06 - 12/02/2020
Dịch corona có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm 2%
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định, dịch viêm phổi corona ((2019-nCoV) là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc khó khăn chồng chất
Nhìn lại đại dịch Sars năm 2003 đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ghi nhận mức giảm tới 2%, từ tăng trưởng 11% GDP giảm còn 9% mà phải mất hai Quý sau đó mới phục hồi trở lại, ông Sơn đánh giá dịch viêm phổi chủng corona mới (2019-nCoV) còn nghiêm trọng hơn.
“Giả định mức thiệt hại tương đương đại dịch Sars, tức giảm 2% GDP, thì mức dự báo tăng trưởng 6% của nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm còn 4%. Tương đương, năm 2020, toàn nền kinh tế Trung Quốc chỉ gia tăng thêm được 520 tỷ USD thay vì 780 tỷ USD như dự tính. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất hơn 200 tỷ USD do nCoV”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003. So sánh có thể thấy, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn, ảnh hưởng tới phần còn lại cung lớn hơn, rõ ràng dẫn đến tỉ lệ tác động cũng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, trên thực tế, không có dịch bệnh do virus, kinh tế Trung Quốc đã giảm rồi. Cộng thêm yếu tố dịch bệnh rất giống như đối với một cá nhân, kinh tế Trung Quốc đã đến tuổi trung niên rồi, đã bắt đầu yếu, nay lại mắc thêm dịch bệnh lại tiếp tục yếu thêm.
Điều đáng nói, dịch nCoV có nhiều dấu hiệu thực tế cho thấy sẽ kéo dài nhiều tháng và thiệt nặng nề hơn, do đó mà tác động kinh tế sẽ lớn hơn đại dịch Sars.
Cụ thể, đại dịch Sars trước đây chỉ chủ yếu tập trung ở Hồng Kông trong khi nCoV lại xuất hiện và bùng phát ở giữa vùng trung tâm kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt đúng giai đoạn tăng thu của nền kinh tế – Tết. Tính toán sơ bộ, riêng 5 ngày Tết vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã mất đi khoảng 140 tỷ USD về thương mại dịch vụ và vài tỷ USD của ngành giao thông.
“Để ước đoán thì rất khó nhưng có thể hình dung chắc chắn kinh tế Trung Quốc trong quý I này là tê liệt. Ví dụ như vùng Hồ Bắc là trái tim của lục địa, trung tâm công nghiệp nặng đã phải đóng cửa từ trước đến sau Tết. Hoặc như Hàng Châu, Tô Châu cũng như vậy” , TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, Viện trưởng VEPR cho rằng, Trung Quốc kiểm soát thông tin rất kỹ, không biết chính xác tình hình dịnh bệnh diễn biến như thế nào? Khi thông tin hiện tại và quá khứ chưa chắc chắn thì tương lai rất khó đoán. Do đó, những dự đoán bất trắc ở tương lai cũng sẽ cao hơn, doanh nghiệp chủ động dừng hoạt động.
Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch nCoV tới kinh tế thế giới của nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm từ 1-1,5 điểm % năm 2020.
Trong khi đó, một số tổ chức khác như Citibank, Mizuho, Moody’s dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khoảng 5-5,5%. Trong đó, các lĩnh vực chịu tác động mạnh là dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch – lữ hành – khách sạn, dịch vụ giao thông – vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), thương mại, đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), chuỗi sản xuất – cung ứng và dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,3%
Mặc dù còn khá sớm để đánh giá đầy đủ về tác động của dịch nCoV đối với kinh tế thế giới, nhưng căn cứ từ những dấu hiệu từ kinh tế Trung Quốc, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn đánh giá, nếu chỉ tính mức thiệt hại tương đương 2% của dịch Sars với kinh tế Trung Quốc, thì kinh tế thế giới sẽ tổn thất mức 0,3%.
Cùng mức dự báo, một số nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS… cũng cho thấy dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020, tùy thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng là một trong những trung tâm của các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Do đó, những nước lệ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với đó, sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ gây ra tác động tới những nền kinh tế xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như Braxin, Argentina, Úc, Hàn Quốc, Indonesia, cả Việt Nam… Cùng với đó là những nước lệ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng sẽ “vạ lây” như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Anh Duy/DĐDN
https://enternews.vn/dich-corona-se-nuot-chung-0-3-phan-tram-gdp-toan-cau-nam-2020-166489.html
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này