09:50 - 08/10/2024
Đầu tư gì khi VN Index ‘bất lực’ trước mốc 1.300 điểm?
Việc VN Index tái lập 1.300 điểm nhưng nhanh chóng điều chỉnh, khiến cho mốc này trở thành chướng ngại của thị trường. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS.
– Có nhiều ý kiến cho rằng, VN Index muốn vững vàng trên mốc 1.300 điểm, TTCK cần có làn sóng nhà đầu tư (NĐT) F0 mới với lượng tiền lớn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
– Tôi cho rằng tính sôi động của TTCK rất quan trọng. Năm 2021, giai đoạn TTCK tăng mạnh nhất về mặt chỉ số nhờ 3 nhóm ngành là ngân hàng, chứng khoán, thép. Thời điểm đó, NĐT có vốn chỉ nắm giữ 1 trong 3 ngành, hoặc dàn trải ra nhiều ngành nên cơ hội sẽ không nhiều.
Còn khoảng thời gian VN Index dao động từ 1.100-1.300 điểm kéo dài rất lâu, tạo nhiều cơ hội cho NĐT có thể kiếm lợi nhuận, và chiến thắng được chỉ số. Từ đó, cho thấy tính sôi động của thị trường sẽ khiến NĐT hạnh phúc hơn là việc bứt phá một mạch về mặt chỉ số. Tuy nhiên, nếu thị trường vượt 1.300 điểm sẽ là “pháo hiệu” để NĐT tham gia thị trường ở góc nhìn tích cực hơn.
Dù vậy, nếu thị trường “lình xình” 1.300 điểm cũng là yếu tố tích cực, bởi nó đang tạo rất nhiều cơ hội cho NĐT. Thống kê cho thấy, VN Index chỉ tăng khoảng 14% từ đầu năm đến nay, nhưng số mã “đánh bại” VN Index là 145 mã trên tổng số 391 mã trên HoSE.
Đây là con số cho thấy thị trường lình xình nhưng số mã có mức tăng vượt trội hơn VN Index lớn, với tỷ trọng đến 40%. Như vậy cơ hội cho NĐT tham gia thị trường trong giai đoạn này là có. Tôi cho rằng thị trường sẽ tích cực hơn và cơ hội đã xuất hiện.
– Nhưng ngoài yếu tố nội, việc khối ngoại bán ròng cũng là yếu tố khiến VN Index “chập chờn” quanh mốc 1.300 điểm. Ông có thể đưa ra dự báo về xu hướng của khối ngoại trong thời gian tới?
– Câu hỏi “khối ngoại bao giờ trở lại” luôn được NĐT trong nước quan tâm. Chúng ta chứng kiến khối ngoại đã bán ròng rã thời gian qua, nhưng nếu xem mối liên quan giữa chênh lệch lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ và Việt Nam với việc khối ngoại bán ròng, sẽ thấy có sự tương quan.
Chẳng hạn NĐT ngoại bán ròng mạnh nhất ở giai đoạn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên đỉnh 5%, còn đến hiện tại, khi chênh lệch thu hẹp về 1% đà bán ròng giảm đáng kể. Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 bên giảm đi, thì sức hút của TTCK Việt Nam đang dần tăng lên trong mắt của NĐT nước ngoài.
Hiện chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu ra bình quân và trái phiếu Chính phủ 10 năm giảm từ 7%/năm về 6%/năm, và đang trong xu hướng tiếp tục giảm. Điều này thể hiện sự cải thiện rất mạnh trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, cũng như niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là chỉ báo để đánh giá mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam với nước ngoài.
– Nếu nói vậy, theo ông TTCK đang ở thời điểm mua tốt?
– Không thể khẳng định thị trường đang tốt và hãy nên mua. Tuy nhiên, thị trường luôn có rất nhiều cơ hội cho NĐT. Nếu VN Index vượt 1.300 điểm mà chưa mua kịp, thì sau đó vẫn có thể có cơ hội có khi tốt hơn. Tôi cho rằng NĐT nên cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và có hành động phù hợp. Mọi hành động tại mỗi thời điểm chỉ cần đúng luôn có thành quả tốt.
Dựa trên bức tranh chung về kinh tế vĩ mô khả quan, dư địa chính sách tiền tệ, nền lãi suất rẻ và sức hút TTCK với NĐT ngoại được cải thiện, thì những rủi ro về ngắn hạn đang tạm thời hạn chế. Mặt khác, so sánh E/P của VN Index hiện đang ở mức khoảng trên dưới 7%, so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng hấp dẫn để đầu tư.
– Quay lại với nhóm cổ phiếu ngành, ông đánh giá triển vọng ngành ngân hàng (NH), nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất TTCK như thế nào?
– Ngành NH luôn là lựa chọn hàng đầu của NĐT. Về mặt vốn hóa, ngành NH chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường. Về mặt giao dịch, ngành NH thường dẫn sóng, rất khó để có được biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để đi vào xu hướng tăng mạnh nếu ngành NH không tăng.
Về thanh khoản, ngành NH chiếm từ 28-42% tổng khớp lệnh thị trường. Đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản lớn. Cuối cùng, kết quả kinh doanh, ngành NH chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Do vậy ngành NH là “hàn thử biểu” quan trọng của TTCK.
– Một nhóm ngành không kém phần quan trọng, thậm chí được cho có tác động nhiều nhất đến TTCK là bất động sản (BĐS). Theo ông, NĐT có nên đợi thị trường BĐS khởi sắc trước khi rót tiền vào TTCK?
– Dữ liệu cho thấy thị trường BĐS và CK khá đồng pha, do liên quan đến kinh tế vĩ mô. Nhìn lượng giao dịch của thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 cũng không thực sự sôi động, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM tại phân khúc căn hộ chung cư. Với dòng tiền vào BĐS, bên cạnh tiết kiệm của người dân thì phải xem đến dòng tiền tín dụng.
Tính đến tháng 5 và 6, tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tổng dư nợ, trong đó tín dụng tiêu dùng gấp 1,8 lần so với hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023 ghi dấu sự giảm của tín dụng tiêu dùng BĐS.
Do vậy, tôi kỳ vọng tín dụng BĐS năm 2024 sẽ tăng lên nhờ 2 động lực gồm: nhu cầu và nền lãi suất thấp. Ở góc nhìn của tôi, thị trường BĐS phục hồi nhưng không phải yếu tố hút dòng tiền đi, bởi 2 thị trường này có biến động tích cực song song, liên quan đến thị trường tiền tệ.
– Vậy theo ông chiến lược giao dịch trong cuối năm là gì? NĐT nên chọn danh mục tốt nắm giữ lâu dài hay lướt sóng?
– Trong mọi trường hợp, NĐT nên chia thành nhiều “rổ” khác nhau. Bởi việc lựa chọn danh mục tăng trưởng tốt cũng phải đối mặt rủi ro đà phục hồi có tích cực hay không. Bù lại, nhóm tăng trưởng ổn định tỷ suất lợi nhuận không tệ, nhưng khi so với mức độ rủi ro thì cũng tương đối ở mức độ hợp lý.
Tôi cho rằng xây dựng danh mục phù hợp “khẩu vị” rủi ro ở hiện tại và có thể điều chỉnh cho “khẩu vị” thay đổi trong tương lai, là phương án tốt nhất đối với NĐT. Do vậy NĐT nên chia “rổ” danh mục phù hợp với năng lực tài chính phù hợp, và có thể điều chỉnh cho phù hợp với năng lực tài chính tương lai.
Theo Hải Hồ/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 8/10/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này