10:37 - 24/10/2024
Chứng khoán ‘nhiễu động’ trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Trái ngược với sự sôi động của vàng, TTCK giao dịch ảm đạm, tạo cảm giác nhàm chán cho NĐT. Câu hỏi đặt ra là TTCK có còn là kênh đầu tư sinh lời trong những tháng cuối năm, đặc biệt là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ.
Để trả lời câu hỏi này, ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS.
– Một trong những nguyên nhân khiến TTCK ảm đạm là dòng tiền yếu. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến dòng tiền vẫn đứng ngoài TTCK?
– Thực ra thanh khoản của thị trường có những phiên tăng mạnh, nhưng theo tôi đó là do áp lực chốt lời. Đây là nguyên nhân tạo nên hiện tượng VN Index có lúc tăng 10 điểm, nhưng sau đó bị kéo về tham chiếu. Khi mà áp lực chốt lời sẽ có 2 vấn đề: thanh khoản tăng cao và mức độ tăng chỉ số thu hẹp.
Nếu thanh khoản tăng cao đi kèm với nhiều nhóm cổ phiếu (CP) vận động tăng giá thì mới tích cực. Do vậy, về ngắn hạn vùng 1.300 điểm vẫn là thử thách mang tính chất tâm lý của NĐT, cũng là “nút thắt” của dòng tiền.
– Trong bối cảnh thị trường “lình xình” và khó đầu tư như hiện nay, việc sở hữu nhiều CP trong danh mục có tốt không, thưa ông?
– Theo tôi, NĐT nên tham khảo các quỹ đầu tư hay Warren Buffett. Huyền thoại đầu tư này chỉ nắm giữ lượng lớn một số CP trong danh mục, phần còn lại giải ngân ở một số cơ hội riêng lẻ. Tương tự, danh mục đầu tư của một số quỹ lớn tại Việt Nam như Dragon Capital, cũng chỉ tập trung vào khoảng 10 CP lớn trên sàn.
Với những NĐT cá nhân, tôi cho rằng số lượng CP trong danh mục không nên quá 5 mã, trong trường hợp đầu tư một cách tập trung để đón sóng mạnh thì dồn vào 3 CP tốt nhất. Chúng ta không nên đầu tư một cách dàn trải, bởi thành công chỉ đến từ một vài ý tưởng lớn, trong khi có quá nhiều ý tưởng có thể lại giống trường hợp “vô tình lướt sóng lại thành cổ đông”.
– Trong khi TTCK đang “khó nhằn”, thì có nhiều kênh đầu tư đang hấp dẫn hơn chẳng hạn như vàng. Ông có lời khuyên gì dành cho những NĐT đang phân vân giữa vàng, tiền gởi hay CK?
– Theo đồ thị chúng tôi theo dõi, trong năm 2024, vàng có sóng tăng mạnh mẽ và là một trong những tài sản ưa thích đầu tư của người dân. Với mức tăng khoảng 28% từ đầu năm, vàng là kênh cạnh tranh lớn với đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm bình quân đang ở mức 5% cho kỳ hạn 12 tháng. So sánh thấy hiệu suất của VN Index (tăng 12%) đang cao hơn lãi suất tiết kiệm và thấp hơn kênh vàng. Đây là yếu tố khiến dòng tiền trong năm 2024 hơi lệch.
Từ thực tế này, câu hỏi là khi nào dòng tiền quay trở lại chứng khoán? Tính từ đầu năm đến nay, VN Index có mức tăng khoảng 12%, nhưng có một vài nhịp điều chỉnh như tháng 4, tháng 8 khiến hiệu suất 11-12% đã có lúc về chỉ còn 5%.
Vì vậy, yếu tố mang tính biến động là một trong rào cản khiến NĐT chưa mạnh dạn giải ngân. Như tôi đã nói ở trên, việc VN Index nhiều lần không vượt ngưỡng 1.300 điểm phần nào làm thu hẹp dòng tiền.
Tôi cho rằng sẽ có một số câu chuyện thúc đẩy dòng tiền vào TTCK thời gian tới. Đầu tiên câu chuyện tăng trưởng, mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm rất cao, dự báo cả năm 2024 có thể đạt mức 7%. Khi kinh tế phục hồi thì lợi nhuận doanh nghiệp chắc chắn phục hồi. Theo dự báo gần đây nhất của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ ở mức khoảng 16% so với 2023, sang năm 2025 đạt 26%. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền quay trở lại TTCK để tìm đến cơ hội đầu tư tốt.
– Một vấn đề nóng trên TTCK hiện nay là động thái bán ròng của khối ngoại đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý NĐT trong nước, ông nhận định gì về dòng vốn ngoại?
– Tác động của dòng vốn ngoại với TTCK trong thời điểm 9 tháng qua đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất là trong khoảng 3 tháng đầu năm, Thái Lan ra thông tin đánh thuế các khoản đầu tư ra nước ngoài, khiến dòng vốn có nguồn gốc Thái Lan vào Việt Nam bị rút mạnh.
Điều này tạo ra làn sóng bán ròng trong thời điểm từ tháng 1 đến tháng 4. Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại là chênh lệch lãi suất VNĐ so với USD. Thời điểm căng thẳng là từ tháng 6 cho đến tháng 8, có những giai đoạn thống kê chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD lên đến 500 điểm cơ bản.
Đến thời điểm hiện tại, NĐT nước ngoài đã có những phiên mua ròng xen kẽ trên TTCK, qua đó thu hẹp mức bán ròng. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên. Tín hiệu tích cực tiếp theo trong tuần vừa qua, theo báo cáo của Bank of America, dòng vốn vào thị trường mới nổi lên mức cao kỷ lục kể từ 2007. Điều này cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn khi Fed và NHTW châu Âu (ECB) hạ lãi suất.
Vấn đề là khi nào dòng vốn đó phân bổ vào Việt Nam. Và câu chuyện nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong 2025 và 2026. Lạc quan hơn, trong ngắn hạn, quỹ Diamond ETF hút được khoảng 19 triệu USD. Đây là thông tin tích cực bởi con số này rất lớn trong nhiều tháng trở lại đây, việc giải ngân sẽ diễn ra trong thời gian tới.
– Theo ông cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới ảnh hưởng thế nào đến TTCK Việt Nam?
– Theo giới phân tích kinh tế, nếu ông Trump chiến thắng, khả năng giải quyết xung đột tại Trung Đông hay Ukraine diễn ra mượt mà hơn so với bà Harris cùng đảng Dân chủ. Song sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn giữa 2 người lại có bức tranh ngược lại. Tỷ lệ tiền quyên góp bầu cử cho bà Harris cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với 642 triệu USD của ông Trump. Các doanh nghiệp lớn về công nghệ đang bầu cho bà Harris.
Lý do thứ nhất có thể đến từ các chính sách diễn ra dưới thời ông Trump, dẫn đến lo ngại rằng chính sách khiến các đối thủ, hay thậm chí đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng nhiều, nhất là các công ty đa quốc gia như Google, Apple… Yếu tố thứ 2 là ông Trump có khả năng sẽ tăng thuế với Trung Quốc từ 60% lên tới 100%, qua đó doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng doanh thu lớn.
Nhìn lại lịch sử, khi bước vào kỳ bầu cử kinh tế Mỹ thường có diễn biến tốt, và sau những nhiễu động của bầu cử thì TTCK cũng thường tăng. NĐT lưu ý rằng biến động này sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 11.
Theo Hải Hồ/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 24/10/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này