09:00 - 24/06/2020
Chữ tín và môi trường kinh doanh
Chữ tín là cơ sở để tạo lập niềm tin của DN vào chính quyền. Nếu chính quyền ngang nhiên vứt bỏ chữ tín thì khó mà DN còn đủ niềm tin và sự an toàn để toàn tâm đầu tư, kinh doanh!
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và trong nước, tiến nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Bình Dương xếp thứ 13, thuộc nhóm “tốt”, cải thiện đáng kể so với xếp hạng thứ 27 năm 2014.
Vậy mà, tin tức trên các báo mấy ngày qua cho biết một nông trại hữu cơ lớn có hợp đồng và nộp đủ tiền thuê đất 40 năm; tạo việc làm cho 200 lao động; sản xuất rau, củ quả tươi và sấy khô…; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với tỉnh này lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục vì “có một cử tri” muốn thu hồi hơn 152 ha đất của nông trại đó để “làm khu dân cư…, tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội”!
Lần này, mặc dù sổ sách của doanh nghiệp (DN) trong nhiều năm bị lục tung nhưng cho đến nay các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện sự vi phạm pháp luật nào. Song, DN vẫn bị đe dọa thu hồi đất.
Hôm 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật DN (sửa đổi), trong đó quy định rất tường minh tại điều 5 – Bảo đảm của nhà nước đối với DN và chủ sở hữu DN: (1) Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình DN được quy định tại luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh. (2) Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của DN và chủ sở hữu DN. (3) Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của DN và chủ sở hữu DN không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
“Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia; tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của DN; trường hợp trưng mua thì DN được thanh toán, trường hợp trưng dụng thì DN được bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của DN và không phân biệt đối xử giữa các loại hình DN”.
Lẽ nào các cơ quan công quyền tỉnh Bình Dương không biết và tự cho mình cái quyền không tuân thủ Luật DN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hay sao?
Đấy là chưa viện dẫn đến Luật Quy hoạch, Luật Đất đai không cho phép việc áp dụng quyết định hành chính dẫn tới vi phạm những quy định của hai luật này.
Trong pháp luật có nguyên tắc “Sự bất công đối với một người là sự đe dọa đối với tất cả mọi người”. Có thể hiểu rằng cách hành xử của quan chức Bình Dương đối với một DN như trường hợp thanh – kiểm tra thiếu nguyên cớ đối với nông trại kể trên chính là sự đe dọa trực tiếp đối với tất cả DN khác đang hoạt động trong tỉnh, vì nếu cần quy hoạch thì chính quyền có thể sẵn sàng đuổi DN này đi để cấp phép cho DN khác mà không cần có bất cứ lý do gì. Làm như vậy, liệu môi trường kinh doanh năm 2020 của Bình Dương có được cải thiện và các nhà đầu tư có tiếp tục đua nhau về đây làm ăn hay không?
Chữ tín là cơ sở để tạo lập niềm tin của DN vào chính quyền. Nếu chính quyền ngang nhiên vứt bỏ chữ tín thì khó mà DN còn đủ niềm tin và sự an toàn để toàn tâm đầu tư, kinh doanh!
TS Lê Đăng Doanh/Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này