10:21 - 12/08/2024
Các NHTW đang trở thành ‘con tin’ sau ‘ngày thứ 2 đen tối’?
Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một “Ngày thứ 2 đen tối”, khi thị trường chứng khoán Nhật giảm 12%, mức giảm mạnh nhất kể từ sau vụ đổ vỡ vào “ngày thứ 2 đen tối” năm 1987.
Hành vi mất trật tự của “carry trade”
Giới truyền thông đã nhanh chóng chỉ ra vấn đề. Bắt đầu là từ sự đóng lại mất trật tự của các hoạt động “carry trade” thị trường ngoại hối Nhật Bản; gây hoảng loạn và biến động mạnh đối với đồng yen Nhật vào sáng sớm, khi các thị trường Âu – Mỹ còn “say ngủ”.
“Carry trade” là kinh doanh chênh lệch lãi suất giữa đồng yen và nhiều đồng tiền khác. Các giao dịch “carry trade” được hiểu nôm na là người ta vay đồng yen lãi suất thấp và đi đầu tư vào đồng tiền khác lãi suất cao, thí dụ peso của Mexico.
Vì NHTW Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất lên 0,25% – mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2008 – trong khi đó Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất; cộng thêm sự suy yếu của kinh tế Mỹ khiến cho tình hình những nước mà người vay đồng yen đầu tư như Brazil, Mexico xấu đi; nhiều vị thế “carry trade” đồng yen bị đóng lại một cách “mất trật tự”.
Theo các nhà phân tích, chính sự tranh nhau đóng vị thế đó đã tạo nên một cú sốc, đẩy đồng yen tăng sốc ngay trong 1 ngày.
Sự hoảng loạn ở thị trường ngoại hối lan nhanh sang chứng khoán. Các quỹ nước ngoài giảm rủi ro bằng cách bán cổ phiếu Nhật, nhưng áp lực bán quá lớn đã biến giao dịch “giảm rủi ro” thành “hoảng loạn tháo chạy”. Khi giá cổ phiếu lao dốc, các nhà đầu tư đang thua lỗ bị ép phải tăng ký quỹ (margin call) để giữ danh mục hoặc phải bán tháo vị thế.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu các thị trường ở châu Á sụt giảm mạnh, một số thị trường phải liên tục dừng giao dịch vì biến động lớn. Đến khi thị trường Âu, Mỹ “thức giấc”, làn sóng bán tháo cũng ập tới và kéo theo những biến động mạnh, dù không mạnh như ở châu Á.
Chuyên gia Mohamed El-Erian, Chủ tịch Trường Queens College của ĐH Cambridge, nhận định rằng BOJ chỉ định dừng, nhưng lại “lỡ tay bấm đổi chiều”. Phát biểu với một chương trình phỏng vấn của Bloomberg, ông nhận định: “Tôi nghĩ mục đích của họ là nhấn nút tạm dừng thay vì nhấn nút quay lại. Thay vì tạo cơ hội cho thị trường thoát khỏi giao dịch “carry trade” một cách có trật tự, họ đã đưa ra tín hiệu giao dịch gấp rút hơn”.
Không ít chuyên gia của các ngân hàng đầu tư lớn và nhà phân tích đều ít nhiều hàm ý cho rằng BOJ đã không khống chế tốt kỳ vọng của thị trường, khiến nhiều người hoảng hốt khi nghĩ rằng Nhật sẽ tăng lãi suất nhanh hơn. Và trong ngày đầu tiên, lúc thị trường yêu cầu lên tiếng, BOJ chọn im lặng, từ chối đưa quan điểm khi thị trường đang hỗn loạn.
Quan chức của BOJ sau đó đã công khai quan điểm của họ trên truyền thông: “Chúng tôi sẽ không tăng lãi suất khi thị trường tài chính và thị trường vốn còn bất ổn”. Mặc dù không ai định nghĩa “bất ổn” là như thế nào, nó lại tạo ra một sự yên tâm hơn cho nhà đầu tư. Thông điệp này của BOJ đã ít nhiều giúp thị trường “thở phào”.
Lỗi có phải chỉ ở BOJ?
Rõ ràng, sự tham lam của giới đầu cơ là không nhỏ. Không kể các hoạt động đóng “carry trade”, rất nhiều giao dịch hoảng loạn là do các vị thế “đánh lên” cổ phiếu ở thị trường Nhật, Mỹ, lẫn thị trường phái sinh đang ở trạng thái gần như cá cược khi sử dụng đòn bẩy khá lớn.
Chỉ số hợp đồng mua quyền chọn so với bán của Mỹ ở mức cao cho thấy nhà đầu tư đang cược lên bằng tiền vay khá nhiều. Nhiều tờ báo Nhật cũng thừa nhận vị thế gấp rút đóng lại trên thị trường là của nhà đầu tư nhỏ lẻ sử dụng đòn bẩy lớn. Trong khi báo Mỹ điểm tên hàng loạt quỹ đầu tư lớn tên tuổi của Âu, Mỹ thua lỗ nặng khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Nói cách khác, việc giới đầu tư đang vay nợ qua tài khoản ký quỹ để cược thị trường lên cũng đóng vai trò quan trọng. Khi thị trường giảm đột ngột, nhiều cú sốc đã diễn ra trên các phân khúc khác nhau, bao gồm cả thị trường tiền mã hóa (crypto) và vàng. Nó giống như một cú “quay xe” đột ngột với vận tốc cao khi gặp “ổ gà”.
Những cú sốc và tai nạn là không thể tránh khỏi. BOJ có thể đã bấm nhầm nút ngay tại thời điểm gặp “ổ gà”, nhưng tốc độ của xe quá nhanh là do nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy quá nhiều.
Sẽ còn những “tai nạn” tương tự?
Rõ ràng, ngay sau diễn biến hỗn loạn của “ngày thứ 2 đen tối”, một số nhà đầu tư đã đẩy lý do kinh tế Mỹ suy thoái, kêu gọi Fed ngay lập tức cắt lãi suất. Cuối tuần, khi số liệu thị trường lao động công bố thì sức ép này được hóa giải. Nhưng rõ ràng, thị trường đang tạo ra những sức ép và đổ thừa mọi thứ lên các NHTW. Chính ứng cử viên tổng thống Donald Trump cũng cho biết nếu lên làm tổng thống, ông sẽ muốn can thiệp vào quyết định của Fed.
Với những sức ép như vậy, khó mà không lo ngại sẽ không có những đợt ra quyết định sai của các NHTW trong thời gian tới. Người ta vẫn đang tranh cãi về chuyện Mỹ có lâm vào suy thoái không, về tình hình căng thẳng chính trị ở Trung Đông, về lạm phát… Sau đó, tất cả lại chỉ tay về phía các NHTW rằng: “các người phải làm thế này, thế kia”.
Bloomberg nhận định, thông điệp không cắt lãi suất khi thị trường tài chính còn hỗn loạn của BOJ cho thấy thị trường đang bắt các NHTW làm “con tin”. Họ không thể độc lập ra quyết định hướng về cân bằng dài hạn như lạm phát, việc làm, mà còn phải nhìn vào sự hỗn loạn của thị trường, vốn tạo ra bởi những “con bạc” dùng tiền vay lớn và có tầm nhìn ngắn hạn.
Khi phải nhìn cả vào những điều đó, NHTW có thể mất tập trung vào thứ mà họ phải cân đối là việc làm và lạm phát trong dài hạn. Sai lầm trong các quyết định trọng yếu đó, có thể sẽ tạo ra những cú “quay xe”, và có thể lại sẽ có tai nạn.
Theo Hồ Quốc Tuấn*/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 12/8/2024
————-
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này