09:12 - 13/01/2020
Xu hướng công nghệ 2020: Góc nhìn từ thung lũng Silicon
Khoa Phạm hiện đang là giám đốc chiến lược cho VMware (top 10 công ty phần mềm Hoa Kỳ, doanh thu hơn 10 tỷ USD) tại Palo Alto, Hoa Kỳ.
Trong vai trò này, anh phụ trách theo dõi thị trường và nghiên cứu khách hàng, đề xuất các giải pháp chiến lược và kiểm soát quá trình thực thi nhằm mục tiêu đưa các sản phẩm phần mềm điện toán đám mây của VMware tăng trưởng cao hơn mức chung của thị trường. Mỗi năm, Khoa Phạm đều về Việt Nam. TGHN có cuộc trao đổi về vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.
– Vào dịp cuối năm, người ta nói nhiều về các xu hướng công nghệ năm sau. Vậy anh cảm nhận gì về những xu hướng công nghệ sẽ ảnh hưởng đến người dùng nhiều nhất vào năm 2020?
– Tôi cho rằng cảm nhận của người dùng vào năm 2020 sẽ là nhiều, nhanh, tiện lợi, và thông minh.
Về yếu tố nhiều: Các thiết bị có thể kết nối (IoT), giao tiếp với nhau và tương tác với người dùng ngày càng nhiều và càng rẻ. Gartner dự đoán sẽ có khoảng 75 tỷ thiết bị như vậy vào năm 2025, tức là mỗi người trên trái đất sở hữu chừng mười thiết bị. Năm 2020 sẽ là năm mà các thiết bị IoT được nhiều người sử dụng hơn.
Về yếu tố nhanh: Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi về chuẩn công nghệ, 2020 là năm mà 5G được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Một vài thành phố ở Mỹ bắt đầu đưa 5G vào sử dụng và rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ ở châu Âu, châu Á cũng đã triển khai 5G. Cũng phải nói thêm là nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Trung Quốc, đã chuẩn bị rất tốt cơ sở hạ tầng nhằm đón đầu làn sóng 5G này.
Về tiện lợi: Với 5G và IoT, khi thời gian chờ thấp và tốc độ đường truyền nhanh, đáng tin cậy hơn hẳn đường truyền 4G hiện tại, người dùng sẽ cảm nhận được các trải nghiệm khác biệt khi các nhà phát triển sẽ chạy đua để đưa các ứng dụng mới đến tay người dùng. Khi các ứng dụng và thiết bị có thể chia sẻ thông tin, người dùng sẽ tận hưởng được sự tiện lợi mà công nghệ mang lại. Viễn cảnh “nhà thông minh”, “công sở thông minh”, cho đến “thành phố thông minh” sẽ càng gần thực tế hơn.
Và cuối cùng, nhắc đến “thông minh” thì phải nhắc đến sự phổ biến gần đây của trí tuệ nhân tạo và máy học (AI/ML). Sau làn sóng công nghệ (technology) thường sẽ là làn sóng ứng dụng (application). Chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo ngày càng được nhúng vào các thiết bị và ứng dụng hiện tại (bạn có thể thấy Siri hay Alexa thông minh hơn đến mức nào chỉ sau vài năm, và tôi chắc rằng có lúc bạn phải ngạc nhiên tại sao Spotify hay Netflix này lại có thể đoán được gu âm nhạc và phim ảnh của bạn hay đến như vậy), hoặc những ứng dụng tương lai, như xe tự lái và các thiết bị thực tế ảo (VR/AR), v.v.
Với các xu hướng công nghệ này, chúng ta đang bước vào giai đoạn thứ hai của công nghệ số, hay có thể gọi nôm na là Digital transformation 2.0. Nếu như giai đoạn đầu tập trung vào dữ liệu lớn (big data), di động (mobility) và các ứng dụng sinh ra từ đám mây (cloud naitive applications); thì Digital transformation 2.0 sẽ đưa nhiều công nghệ tiên tiến hơn, như: trí tuệ nhân tạo và máy học (AI/ML), robot, các thiết bị tự động (autonomous devices), các thiết bị đeo (wearables) vào hệ sinh thái của các công ty và người dùng.
Dĩ nhiên, đi kèm với những tiện lợi này là những rủi ro cần phải được nghiên cứu và đề phòng, tiêu biểu như: việc bảo mật thông tin cá nhân (privacy) và an ninh mạng (cybersecurity), còn trí tuệ nhân tạo sẽ tự động hoá và thay thế công việc của con người, tạo ra thất nghiệp và bất ổn xã hội, và về lâu dài sẽ thay đổi hành vi, ứng xử, khiến con người phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ.
– Những xu hướng công nghệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các công ty nói chung, và các công ty Việt Nam nói riêng?
– Tôi thấy nhiều công ty Việt Nam vẫn chưa có những CIO thực sự – những người làm chiến lược công nghệ, mà hầu hết là IT Manager phụ trách về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất (IT infrastructure) nhiều hơn. Do đó, tôi xin đưa ra vài nhận định về cácthách thức của các CIO ở Mỹ và châu Âu, rồi cũng sẽ đến với các công ty Việt Nam thời gian tới.
Có thách thức lớn nhất cho CIO:
Lựa chọn giải pháp là bài toán đau đầu về khả năng thực thi (performance), giá, và tương thích trong tương lai. Trước kia, công việc của CIO cho phép có độ trễ nhất định để chờ chuẩn công nghệ nào được người dùng chấp nhận trước khi ra quyết định cuối cùng. Nhưng bây giờ, với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ và kỳ vọng của người dùng (it just works), CIO phải đối mặt với việc lựa chọn đúng công nghệ, từ cơ sở hạ tầng IT (IT infrastructure) đến phần mềm trung gian (middleware) đến ứng dụng (truyền thống và điện toán đám mây), đến vô vàn các thiết bị cuối. Chọn lựa đúng giải pháp có thể giúp công ty tiếp tục sáng tạo và phát triển, đồng thời có thể thích ứng với các chuẩn công nghệ trong tương lai, mà không phải đau đầu về chuyện thay chuẩn (replatform) cực kỳ phức tạp và tốn kém.
Bảo mật là vấn đề quản trị rủi ro, và tôi chắc chắn bất kỳ CIO nào cũng ngày đêm nghĩ đến từ “bảo mật”. Khách hàng ngày càng lo lắng thông tin của mình bị rò rỉ, và ngày càng đòi hỏi các công ty phải nâng cao chất lượng bảo mật. Khi càng nhiều thiết bị IoT có thể kết nối (và do đó, có thể bị tấn công), nhiều ứng dụng và trung tâm xử lý dữ liệu, việc bảo mật phải được tính toán rất kỹ lưỡng, từ thiết kế hệ thống cho đến bảo đảm an toàn tại các điểm kết nối (end-point security). Nhiều công ty đã áp dụng AI để nhanh chóng phát hiện và dập tắt các vụ tấn công, và tích hợp các biện pháp phòng ngừa từ ngay tầng ứng dụng.
Với tốc độ công nghệ phát triển cực nhanh, nhu cầu về nhân lực có thể đáp ứng các yêu cầu công nghệ đó ngày càng trở nên cạnh tranh. Những nhân viên không kịp thích ứng và học các công nghệ mới, sẽ bị đào thải; những nhân lực có trình độ và hiểu biết về công nghệ mới và điện toán đám mây sẽ rất khan hiếm, không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường. Do đó, các công ty cần nâng cấp đội ngũ, đào tạo nhân lực nội bộ kết hợp với tự động hoá các tác vụ quản trị đơn giản.
Các công ty Việt Nam cần nhận ra vai trò chiến lược của CIO và nâng cấp vai trò này trong chiến lược chuyển hoá số, để tạo ưu thế cạnh tranh và các giá trị mới cho khách hàng. Tôi thấy ở Việt Nam có vài công ty, như PNJ chẳng hạn, đã nhận ra vai trò và tận dụng tốt việc chuyển hoá số để tạo ra các trải nghiệm hay và khác biệt cho khách hàng.
– Sống ở thung lũng Silicon, nơi khai sinh của các công ty khởi nghiệp triệu đô, anh thấy các xu hướng công nghệ này ảnh hưởng gì đến môi trường khởi nghiệp ở đó?
– Như đã đề cập ở trên, sau làn sóng công nghệ sẽ là làn sóng ứng dụng. Do đó, tôi nghĩ là trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều công ty khởi nghiệp cho ra đời các ứng dụng AI/ML, không chỉ cho người dùng (consumers), mà còn dành cho các công ty (enterprise).
Thông thường mọi người biết nhiều đến các startup cho người dùng, nhưng các startup cung cấp giải pháp cho các công ty, dù im hơi lặng tiếng hơn, cũng thu hút được khá nhiều đầu tư. Sẽ xuất hiện nhiều các công ty và startup tận dụng AI/ML và 3G để phục vụ cho doanh nghiệp; không chỉ về mặt công nghệ, mà còn để nâng cao hiệu quả công việc.
Ví dụ, các công ty ở Mỹ bây giờ đã sử dụng “bots” (một dạng chương trình tự động hoá) sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản trị các tác vụ như quản lý cập nhật phần mềm, thương thảo hợp đồng, xuất bill thanh toán, mà không cần sự can thiệp của con người. Thêm một điều hay khác là ở thung lũng Silicon có những người Việt đã và đang đóng góp vào sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới này. Có thể kể ra vài cái tên quen thuộc: như Hồng Vũ sáng lập ra ELSA sử dụng Machine Learning để rèn giọng cho người học ngoại ngữ, Lê Viết Quốc là một chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu ở Google, hay Dương Ngọc Thái về an ninh mạng ở Google. Mà họ chắc chắn chỉ mới là phần nổi của một cộng đồng khá đông những người Việt ở thung lũng Silicon, và nhiều nơi khác trên thế giới.
– Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam, họ cần chuẩn bị gì để đón đầu các xu hướng công nghệ mới này?
– Thật ra xu hướng công nghệ đến rồi đi, nên việc hoạch định tương lai, học gì để “đón đầu” công nghệ về lâu dài là một chuyện tương đối khó. Trong khoảng năm năm tới, các bạn có khả năng làm việc với tốt với data (đặc biệt là big data), AI/ML, và những công nghệ xung quanh như blockchain, 5G, sẽ dễ dàng tìm được việc làm tốt trong lĩnh vực công nghệ. Sau năm năm thì mình khó có thể dự đoán được. Tuy nhiên, có những thứ mà mình nghĩ sẽ luôn có ích cho công việc và sự nghiệp là các kỹ năng: tư duy phản biện (critical thinking), các kỹ năng mềm (people skills) như giao tiếp, trình bày, làm việc nhóm, lãnh đạo; khả năng sáng tạo (creativity), và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, nhất là các vấn đề xuyên ngành (interdisciplinary).
Bên cạnh đó, khi chuyện công nghệ thay đổi là tất yếu (“The only constant in life is change”- Heraclitus), ngoài kỹ năng, mình nghĩ còn cần thái độ làm việc cầu thị, khiêm tốn và không ngừng học hỏi, và rèn luyện khả năng làm việc tập trung (deep thinking), khi có quá nhiều mạng xã hội và sự phân tâm (distraction) xung quanh.
Thanh Dung (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này