08:57 - 10/01/2020
Xe điện Ấn Độ được kích hoạt bởi ô nhiễm
Thị trường xe máy khổng lồ ở Ấn Độ đang thay đổi lớn, với dòng vốn mạnh đổ vào sản xuất xe điện thay thế hàng triệu xe máy đang xả khí thải đen kịt.
Người tiêu dùng nước này lại muốn chạy xe điện vì tiết kiệm, vì ưu đãi của chính phủ nhưng quan trọng hơn để giảm bớt ô nhiễm không khí!
Jeetender Sharma quyết định đánh cược. Tháng 5/2019, người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng xe Okinawa Autotech ở bang Gurugram, quyết định đầu tư 2 tỷ rupee (khoảng 28 triệu USD) cho nhà máy xe điện mới có khả năng xuất xưởng trên một triệu chiếc mỗi năm – tức hơn tám lần số xe điện bán ra trong năm 2018 trên toàn Ấn Độ.
Nhà máy sẽ hoạt động vào mùa xuân 2020, nâng công suất hàng năm thêm khoảng 180.000 xe. Kế hoạch của startup gia đình bốn tuổi này được đánh giá là tham vọng, nhưng cũng đầy rủi ro bởi nó ra đời sau khi Chính phủ Ấn Độ cắt bỏ trợ cấp phần lớn với các hãng sản xuất xe điện.
Mặt trận mới
Nhưng Sharma lại đang nhắm đến một mặt trận mới, có nhiều quy định ngặt nghèo hơn. Chính phủ Ấn Độ đang muốn ngành xe điện cùng góp phần trong việc giảm bớt nạn ô nhiễm trầm trọng ở nước này và họ cũng đang muốn cấm hầu hết các loại xe chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Doanh số các loại xe máy truyền thống ở Ấn Độ – thị trường xe máy lớn thứ hai thế giới – đang trượt dốc.
Sharma không phải là doanh nhân duy nhất nhìn ra thị trường sẽ bùng nổ trong tương lai. Rất nhiều đối thủ của ông đã tăng gấp đôi dây chuyền sản xuất. Theo hiệp hội Sản xuất xe điện Ấn Độ, lượng xe bán ra dự kiến đạt khoảng 126.000 xe/năm tính đến hết tháng 3 năm nay, tăng hơn hai lần so với con số 54.800 chiếc của năm trước đó.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bới khoản tài trợ của chính phủ có tên FAME (chương trình sản xuất các dòng xe lai và xe điện) khởi sự từ năm 2015. Trong chương trình này, chính phủ chi 7.500 – 22.000 rupee, tức từ 2,5 triệu đến hơn 7 triệu đồng, cho người mua xe hai bánh chạy điện bất kể dòng xe nào. Tuy vậy, đến ngày 1/4/2019, chính phủ bất ngờ dừng tài trợ và chuyển sang chương trình FAME2.
Chương trình mới có tiêu chuẩn cao hơn: phải chạy ít nhất 80 cây số mỗi lần sạc điện, tốc độ đạt 40km/g hoặc cao hơn và bình điện phải có công suất 2kWh. Bình điện phải là loại lithiumion và có hệ thống thắng có thể tái tạo năng lượng và tỷ lệ nội địa hoá phải đạt ít nhất 50%.
Các quy định mới nhằm mục tiêu phổ biến loại xe hiện đại, thân thiện với môi trường. Nhưng đó lại là cú sốc với ngành công nghiệp xe điện mới hình thành, bởi rất ít sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí. Các nhà sản xuất nội địa cho đó là một khủng hoảng lớn.
Sharma của hãng Okinawa Autotech nói ông quyết định xây nhà máy bởi hai lý do. Đầu tiên là thị trường xe điện và thị trường xe nói chung là hai mảng riêng biệt. “Xe điện mới đi chập chững vài bước và chúng tôi không cảm thấy ảnh hưởng suy giảm của toàn ngành sản xuất xe”, Sharma nói với tờ Nikkei Asian Review.
Kế đến, ông xem FAME2 là “tích cực” cho sự phát triển của Okinawa. Một số sản phẩm của hãng đáp ứng tiêu chí của chương trình mới ngay tức thì, trong khi các hãng khác phải mất nhiều tháng mới sản xuất được mẫu xe đáp ứng yêu cầu. Tính đến tháng 3 vừa rồi, Sharma nói Okinawa bán được 45.000 xe và dự kiến sẽ đạt 100.000 xe vào tháng 3 sắp tới. “Chúng tôi dự kiến sẽ chạy 100% công suất nhà máy mới trong ba đến bốn năm tới”, Sharma nói.
Tăng tốc
Trong khi đó, các đối thủ của Okniwawa cũng tăng tốc. Startup sản xuất xe điện Ather Energy đã gọi được 51 triệu USD trong vòng gọi Series C vào cuối tháng 5 vừa rồi. Bansal, đồng sáng lập trang thương mại điện tử Flipkart, và Hero MotoCorp, một liên doanh có vốn của hãng Honda của Nhật vốn đứng đầu về sản xuất xe chạy xăng ở Ấn Độ, cũng đầu tư vào nhà máy của Ather ở tiểu bang Bengaluru. Ather hiện sản xuất khoảng 30.000 xe điện mỗi năm, nhưng như Okinawa, hãng này đặt mục tiêu 1 triệu xe trong năm năm tới. Ather cũng dự định lắp ráp 6.500 trạm sạc điện tại các thành phố Ấn Độ vào năm 2023.
Tập đoàn Hero Group cũng dẫn đầu về doanh số xe điện tại Ấn Độ với thương hiệu Hero Electric Vehicles. Tháng 7 năm ngoái Hero Electric công bố kế hoạch tăng năng lực sản xuất lên nửa triệu xe trong 3 – 4 năm tới, từ mức 100.000 xe hiện tại với nguồn vốn đầu tư khoảng 7 tỷ rupee, khoảng gần 100 triệu USD.
Trong khi đó, hãng xe Kymco từ Đài Loan cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chơi bằng nhà máy mới 22Kymco là liên doanh với startup Twenty Two Motors của Ấn Độ. Tập đoàn Đài Loan đã đầu tư 15 triệu USD vào Twenty Two và sẽ bỏ thêm 50 triệu USD nữa để mở rộng nhà máy và đầu tư cho các trạm sạc trong những năm tới.
Các hãng xe điện đưa ra các tính toán rất hấp dẫn người dùng: xe điện chạy chỉ tốn 0,1 – 0,2 rupee một cây số, trong khi xe chạy xăng tốn 1,4 – 2,5 rupee tuỳ loại động cơ và mật độ giao thông. Tức là chạy xe xăng sẽ tốn tiền gấp 7 – 25 lần xe điện. Và với người tiêu dùng, các tính toán cho thấy số tiền rất cụ thể: nếu đi làm bằng xe máy 300 ngày một năm thì họ tiết kiệm được 16.200 rupee, khoảng 5,3 triệu đồng. Tính trong năm năm, họ sẽ tiết kiệm được 81.000 rupee, tức 26,5 triệu đồng. Hơn hẳn giá trị của chiếc xe điện bán ở mức 50.000 rupee mỗi xe, tức 16 triệu đồng/xe.
“Trung tâm xe điện toàn cầu”
Số xe điện bán ở Ấn Độ hiện giờ ở mức khoảng 400.000 – 500.000 chiếc – rất thấp so với con số ba triệu chiếc ở Trung Quốc. Nhưng giờ đây, yếu tố môi trường ngày càng đóng vai trò quan trọng. Thay thế hàng triệu chiếc xe xả khói thải đen kịt bằng những chiếc xe điện có thể đẩy lùi nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố Ấn Độ. Đó là lý do các quan chức cao cấp ở thủ đô New Delhi mù sương đang muốn biến Ấn Độ thành một “trung tâm xe điện toàn cầu”.
Tháng 3/2018, nội các Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu các cuộc thảo luận công khai về mục tiêu 30% xe điện chạy trên đường phố Ấn Độ vào năm 2030. Tháng 6 năm ngoái, cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ NITI Aayog tiết lộ kế hoạch sẽ cấm xe chạy xăng dưới 150cc vào ngày 31/3/2025. Đây là kế hoạch đầy tham vọng, bởi có tới 86% xe máy bán ở Ấn Độ trong năm rồi có dung tích dưới 150cc.
Dù kế hoạch trên chưa chính thức, nhưng điều Chính phủ Ấn Độ đã làm được là cắt giảm thuế hàng hoá dịch vụ (GST) với xe điện từ 12% xuống còn 5%. Trong khi đó, xe chạy xăng vẫn chịu thuế cao 28%. Các biện pháp khuyến khích của chính phủ sẽ khiến doanh thu xe điện tăng, nhưng nhà tư vấn Som Kapoor của hãng kế toán Ernst & Young tin rằng, “lợi ích kinh tế sẽ quyết định sự chuyển đổi sang xe điện” hơn là chính sách của chính phủ. Các dịch vụ giao đồ ăn, hãng xe công nghệ nhận thấy rằng xe điện rẻ hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn.
Nhưng người tiêu dùng mua xe với một lý do khác vì “thật sự lo ngại về không khí ô nhiễm”. Một đốc công xây dựng đã mua một chiếc xe của Okinawa không đáp ứng chuẩn FAME2 nói rằng: “Tôi đã không quan tâm về trợ cấp bao nhiêu”, ông nói về quyết định mua xe.
Ông dự định dùng xe điện khi di chuyển 30 cây số mỗi ngày, rất thích hợp với khả năng chạy 60 cây số mỗi lần sạc. “Nếu xe chạy tốt và thích hợp để đi làm, tôi sẽ mua thêm”, vị đốc công nói.
Nguyên Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này