
07:52 - 25/03/2025
‘Mình cứ xem lại các cơ chế, nước nào ‘mở nhất’ thì mình xây dựng cơ chế cạnh tranh với họ’
Đánh giá cao Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tiến sĩ Lương Việt Quốc – CEO Công ty Real-time Robotics (RtR), cho rằng đây là chiến lược đúng đắn nếu không muốn nói là duy nhất để giúp Việt Nam vươn lên đẳng cấp thế giới về công nghệ.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc người đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu máy bay không người lái qua Mỹ. Ảnh: BSA Media.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để làm được điều này, Việt Nam cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, về độ mở của chính sách, để làm sao cạnh tranh sòng phẳng về “cơ chế” với các quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
– Với tư cách một người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất và và kinh doanh sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao, ông nhìn nhận thế nào về Nghị Quyết 57?
– Đây là chiến lược đúng đắn, nếu không muốn nói là duy nhất để giúp Việt Nam vươn lên đẳng cấp thế giới về công nghệ. Bởi vì nếu chúng ta nhìn các tấm gương thành công như Trung Quốc chẳng hạn. Cách đây 20 năm nếu nói đến hàng Trung Quốc thì mọi người đều nghĩ đến hàng rởm hàng giả. Nhưng bây giờ chúng ta nói đến Trung Quốc thì họ đã có những sản phẩm công nghệ đứng đầu thế giới ví dụ Huawei với mạng 5G, BYD – xe điện với các phát minh về pin, DeepSeek… tất cả những công ty Trung Quốc chỉ có một mẫu số chung, một công thức thôi, đó là: “Phát minh”. Huawei có những phát minh về 5G vượt lên Mỹ và châu Âu. BYD có những phát minh về xe điện vượt Tesla. DeepSeek cũng vậy. Do đó, con đường phát minh, sáng tạo là con đường để một quốc gia từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất. Hàn Quốc cũng vậy. Cách đây 15 năm người Việt có tiền sẽ xài đồ điện tử của Nhật Bản. Tivi Nhật là số một. Tủ lạnh Nhật là số 1. Ai ít tiền mới xài đồ Hàn Quốc. Nhưng lý do gì mà tivi Samsung đánh bại tivi Nhật, đánh bại Sharp, Toshiba… Bởi vì những phát minh về màn hình tinh thể lỏng là Samsung vượt trước.
– Họ đã làm những gì để có khả năng phát minh như vậy?
– Con đường duy nhất là phải đầu tư vào R&D (Nghiên cứu & Phát triển). Nếu không đầu tư vào đó thì chỉ đi copy (sao chép) của người ta. Nếu chỉ đi sao chép, bắt chước thì không thể nào vượt lên được. Phải nghiên cứu và phát triển thì mới có thể nghĩ ra cái gì đó mới, khác biệt, từ đó mới vượt lên được. Đó cũng chính là kinh nghiệm từ công ty chúng tôi. Chúng tôi đầu tư vào R&D, riêng về ngành máy bay không người lái (drone), chúng tôi đã được cấp 5 bằng sáng chế và có 5 cái nữa chuẩn bị được cấp. Bằng sáng chế của chúng tôi là một thiết kế drone hoàn toàn mới so với thế giới. Con drone của chúng tôi vượt lên, xuất khẩu qua Mỹ và bán giá cao hơn các con drone của Mỹ. Đó chính là con đường sáng tạo, phát minh.
– Trong hoạt động R&D thì ngoài vai trò tự thân của các doanh nghiệp thì Nhà nước liệu có thể đóng góp gì để thúc đẩy hoạt động R&D này?
– Theo tôi Nhà nước có thể làm ít nhất hai việc, gồm hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp. Hỗ trợ gián tiếp ở chỗ Nhà nước có thể đầu tư vào các trường đại học trọng điểm. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở các trường đại học. Đầu tư vào giáo dục. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhân tài bằng các học bổng cấp qua các trường đại học để gián tiếp tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao để các doanh nghiệp có thể sử dụng. Như chúng tôi cũng rất cần các kỹ sư giỏi. Muốn phát minh thì phải có kỹ sư giỏi làm việc cùng mình, và sau đó cũng cần kỹ sư giỏi để biến phát minh thành sản phẩm. Do đó, sự hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước là đầu tư vào giáo dục, vào phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu ở đại học. Việc này cũng học theo công thức của Trung Quốc. Rất nhiều phát minh về xe điện của Trung Quốc xuất phát từ các nghiên cứu của các đại học như Đại học Thanh Hoa.
Thứ hai, theo tôi Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nào chọn con đường R&D và bước ra thế giới thành công. Ví dụ nếu doanh nghiệp đã có những bằng sáng chế đăng ký thành công ở Úc, Mỹ, hoặc những doanh nghiệp đã có sản phẩm thương mại hóa vượt lên trên thế giới thì Nhà nước nên có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho lực lượng lao động trong lĩnh vực đó, và ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp đi theo con đường đó. Đây cũng là cách Trung Quốc đã làm. Hoặc là ưu đãi về mặt bằng, để doanh nghiệp có thể xây dựng, phát triển nhà máy nhanh hơn. Tạo điều kiện cấp các bằng sáng chế nhanh hơn.
– Là người trực tiếp tuyển dụng và làm việc với những sinh viên Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về năng lực của người Việt, nguồn nhân lực Việt trong khả năng biến kỹ thuật công nghệ thành trụ cột để phát triển đất nước trong thời kỳ mới?
– Thứ nhất nói về tiềm năng của người Việt. Tôi hoàn toàn tin rằng trí tuệ của người Việt Nam đủ sức phát minh ra những sản phẩm công nghệ cao đứng đầu thế giới. Chẳng hạn như cái drone của chúng tôi từ phát minh cho đến chế tạo hoàn toàn là do các kỹ sư người Việt, 100%. Chúng tôi chưa bao giờ phải thuê chuyên gia nước ngoài, trong khi sản phẩm drone của chúng tôi vượt lên trên cả Mỹ, xuất khẩu với giá cao qua Mỹ.
Đó là nói về tiềm năng trí tuệ của người Việt. Nhưng nếu nói rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đã khai thác tiềm năng trí tuệ của người Việt hết chưa? Thì câu trả lời là chưa. Chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều. Chỉ khi nào các trường đại học của chúng ta mà có những kết quả nghiên cứu sánh ngang với các đại học của Singapore hay Trung Quốc thì khi đó chúng ta mới có thể nói là tốt được. Tiềm năng của chúng ta có, nhưng khai thác hết chưa thì phải nói là chưa.
– Một con đường khác mà nhiều chuyên gia đã gợi ý để có thể phát triển nhanh chóng năng lực kỹ thuật công nghệ đó là mời gọi các chuyên gia hàng đầu nước ngoài về Việt Nam. Nhưng với các chuyên gia này, đãi ngộ tốt chỉ là một khía cạnh thôi đúng không?
– Đối với những chuyên gia hàng đầu, thu nhập chỉ là một phần. Phần lớn hơn là họ phải có tự do học thuật, tự do nghiên cứu. Đây là điều quan trọng. Chúng ta phải có cơ chế chấp nhận rủi ro, phải trao cho họ quyền tự do học thuật. Nó sẽ có một hiệu ứng tạm gọi là “hiệu ứng tập thể”. Bởi vì những người nghiên cứu giỏi họ cũng cần đồng đội giỏi, ví dụ lý do giáo sư Ngô Bảo Châu về Đại học Chicago là vì ở đó có những người nghiên cứu toán rất giỏi. Thành ra lúc đầu chúng ta phải thu hút được một số những chuyên gia giỏi, đóng vai trò như những con sếu đầu đàn, từ đó họ thành điểm hút, để lôi kéo các chuyên gia giỏi khác về với mình.
– Với kinh nghiệm đã làm cả ở Mỹ và Việt Nam thì ông thấy đâu là “điểm nghẽn” lớn nhất của Việt Nam để đạt được tham vọng vươn lên trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ?
– Chúng ta có thể nhìn “điểm nghẽn” ở hai góc độ: thể chế chính sách và kinh tế tư nhân. Về thể chế chính sách điểm chính là chúng ta phải so sánh độ mở về chính sách cơ chế, không phải với chính chúng ta mà phải so sánh với tất cả các nước xung quanh trong ngành đó xem họ mở bao nhiêu. Nếu mình mở 50% mà họ mở tới 90% thì mình thua rồi. Tôi lấy ví dụ như trong ngành máy bay không người lái, bên Mỹ họ cân bằng giữa việc đảm bảo an toàn hàng không với việc có đủ không gian ứng dụng để ngành này phát triển thì họ quy định, chẳng hạn, nếu bay drone ở khu vực không phải là dân cư và cách sân 8 km trở lên và bay dưới 125m thì không phải xin phép. Nông dân bay drone ở một cánh đồng, không phải khu dân cư, không gần sân bay thì họ có thể bay thoải mái mà không phải xin phép. Như vậy, drone sẽ được ứng dụng nhanh hơn vào nông nghiệp. Tức là độ mở về thể chế chính sách của chúng ta phải bằng hoặc hơn các nước khác. Các nước khác họ đã đi trước mình rồi, nên mình cũng không phải “phát minh lại cái bánh xe”, mình cứ xem lại các cơ chế, các nước nào mở nhất thì mình xây dựng cơ chế để cạnh tranh với họ.
Một ví dụ khác, ở Israel, trong ngành drone hoặc những công nghệ lưỡng dụng (tức là vừa ứng dụng cho quân sự vừa ứng dụng cho dân sự), thì câu hỏi họ đặt ra là: làm thế nào để phục vụ quân sự một cách nhanh nhất? Chẳng hạn, về drone, giờ bên quân đội cần thiết bị chống phá sóng, họ sẽ đưa ra yêu cầu đó, các công ty dân sự chỉ cần có giải pháp, ý tưởng họ đã có thể phối hợp bên quân sự thử nghiệm các ý tưởng mới. Trong quá trình thử nghiệm bên dân sự được lợi là có thể hiểu được nhu cầu của người dùng (là bên quân sự) và bên quân sự dùng phản hồi giúp cho bên công ty dân sự hoàn thiện sản phẩm rất nhanh. Một khi sản phẩm đã phục vụ được cho bên quân sự thì gần như có thể thương mại hóa sản phẩm để xuất khẩu khắp thế giới ngay, vì quân đội Israel chọn lọc rất kỹ càng. Một cơ chế phối hợp như vậy rõ ràng vừa giúp bên quân sự của Isreal có giải pháp nhanh, trong khi bên dân sự cũng phát triển sản phẩm nhanh, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe. Giờ ở Việt Nam, nếu chúng ta có một phương tiện không người lái có thể phục vụ quốc phòng để xin được phép để vào thử cho bên quốc phòng có khi mất 1-2 năm, trong khi bên kia thì chưa có sản phẩm hoàn chỉnh họ đã mời vào. Đó là một ví dụ khác về độ mở của cơ chế. Tức là khi nói về độ mở của cơ chế mình phải so sánh với các quốc gia tốt nhất, và chúng ta phải đặt mục tiêu cạnh tranh được (về cơ chế) với các quốc gia tốt nhất chứ không phải so với chính mình hôm qua.
Về kinh tế tư nhân, hiện người Việt mình vẫn đầu tư vào những thứ mình quen thuộc. Đa số các doanh nghiệp trưởng thành từ kinh doanh hữu hình như đầu tư vào bất động sản hay đầu tư xây dựng nhà máy dệt v.v. Còn nếu bây giờ nói đầu tư vào công nghệ vào bằng phát minh, sáng chế thì họ thấy rất rủi ro. Bây giờ nếu bảo một doanh nghiệp đã quen đầu tư hữu hình đầu tư 50 triệu đôla vào nghiên cứu & phát triển, với xác suất 10% ra được sản phẩm còn có thể mất hết thì sẽ rất khó để họ có thể mạo hiểm. Rất hiếm các doanh nghiệp Việt hiện nay lựa chọn con đường đầu tư này. Điều này khác hoàn toàn với Mỹ. Ở Silicon Valley người ta sẵn sàng cho đầu tư mạo hiểm, chẳng hạn như Elon Musk trước khi đưa được vệ tinh vào vũ trụ thì đã thất bại rất nhiều lần, nhưng khi đã thành công rồi thì Elon Musk lại sẵn sàng trở thành nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các dự án mạo hiểm tương tự. Ở Việt Nam hiện không có xu hướng đầu tư mạo hiểm. Công ty chúng tôi có thể coi là một ngoại lệ khi đã đầu tư vào R&D 10 năm, chấp nhận rủi ro cho tới ngày có được những phát minh, sáng chế của riêng mình. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng sẽ càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn con đường R&D. Vấn đề là để thúc đẩy khu vực tư nhân chấp nhận rủi ro đầu tư vào R&D thì Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi kịp thời. Chẳng hạn, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí nghiên cứu, nếu anh phát minh thành công. Hiện tại, chúng ta chỉ mới có những chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho khối ngành công nghệ cao, chứ chưa có ưu đãi cho lĩnh vực R&D nói chung.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc, 59 tuổi, là người sáng lập nên Realtime Robotics (RtR). Năm 2002, ông giành học thạc sĩ Fulbright (Mỹ), sau đó ông học tiếp lên tiến sĩ và làm việc tại Mỹ. Năm 2014, nhận ra xu hướng phát triển hiện nay là drone, ông đã quyết định thành lập startup drone tại San Francisco – Mỹ. Đến năm 2017, ông mở thêm công ty RealTime Robotics Inc (RtR) tại Việt Nam, trở thành người Việt Nam đầu tiên được cấp phép sản xuất máy bay không người lái. Hiện tại, Realtime Robotics đang cung cấp hàng cho RMUS – nhà phân phối drone lớn tại Mỹ. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát Mỹ chính là một trong những khách hàng đầu tiên nhận được drone Hera từ lô hàng của RMUS. Không chỉ bán drone cho người Mỹ, với những tính năng vượt trội, drone Hera, một sản phẩm do các kỹ sư người Việt của RtR phát minh, thiết kế và chế tạo, có giá bán cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và châu Âu.
Duy Khiêm thực hiện (theo Kỷ yếu HVNCLC 2025)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này