15:08 - 14/10/2019
‘Thung lũng Silicon’ của Malaysia hồi sinh nhờ thương chiến Mỹ – Trung
Sau nhiều năm chống lại áp lực phải chuyển công ty sang Trung Quốc, Lee Hung Lung nói rằng, cuối cùng ông cũng được đền đáp.
Doanh số của Hotayi Electronic – công ty có trụ sở tại Malaysia của ông đang tăng mạnh, công ty đang thuê thêm nhân công và xem xét việc mở rộng sản xuất.
Lee là người sáng lập kiêm CEO của Hotayi, công ty hiện có hai nhà máy sản xuất, lắp ráp bảng mạch và các sản phẩm điện tử khác. Các nhà máy của Hotayi được đặt tại bang ven biển – Penang, từng được gọi là “Thung lũng Silicon của phương Đông” với ngành công nghiệp điện và điện tử (E&E) 47 năm tuổi, trước khi bị Trung Quốc phủ bóng.
Nhưng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy các công ty, chủ yếu của Mỹ, tìm kiếm các nhà máy khác bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan trừng phạt, và thế là Penang hồi sinh, sau “một thập kỷ ngủ quên”.
Penang là một trong nhiều khu vực trên khắp châu Á đang cạnh tranh để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng và cung cấp địa điểm mới với mức thuế thấp hơn cho các công ty phải tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, hai khu công nghiệp của Penang có lợi thế về hệ sinh thái gồm các nhà cung cấp và khách hàng lâu đời, ở một nơi và lao động rẻ hơn so với đối thủ trong khu vực là Singapore. Mặt khác, hai khu công nghiệp này còn được kết nối bởi một cây cầu dài 24 km (14,9 dặm) qua eo biển Malacca.
Vào tháng 6, Hotayi đã mở nhà máy thứ hai – với 350.000 feet vuông, rộng gấp năm lần nhà máy đầu tiên. Các nhân viên hiện đã thử nghiệm các thiết bị sản xuất các sản phẩm cho các khách hàng bao gồm cả Samsung, LG và Sharp.
“Vào khoảng năm 2007, tôi đã phải đối mặt với áp lực lớn từ quản lý của mình vì chi phí lao động của Trung Quốc rẻ hơn Malaysia tới 30%”, Lee nói. Lee sinh ra ở Đài Loan, ông cởi bỏ bộ đồ nhà máy sọc trắng để sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn tại phòng hội nghị vẫn còn thơm mùi sơn.
“Thay vì quyết định chuyển đi tôi khiến nhà máy thông minh hơn, có nghĩa là đầu tư thêm vào IT, phần mềm. Bây giờ, Hotayi đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn”, ông nói. “Vì cuộc chiến thương mại, các khách hàng đang chuyển dịch các dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh khỏi Trung Quốc.”
Nhà máy ở nước ngoài đầu tiên của Intel
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Penang đã tăng gấp 11 lần lên khoảng 2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay – mức kỷ lục từ trước đến nay. Chính phủ Malaysia kỳ vọng con số nửa sau cũng sẽ lớn như vậy, nhưng từ chối đưa ra bất kỳ ước tính nào.
Trong ngân sách liên bang cho năm tới vừa được trình vào ngày 11/10, Malaysia cho biết họ sẽ cung cấp các ưu đãi về thuế để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động có giá trị gia tăng cao trong ngành điện và điện tử.
Các công ty của Mỹ như nhà sản xuất chip Micron Technology (MU.O) và nhà cung ứng của iPhone Jabil Inc (JBL.N) đang xây dựng các nhà máy ở Penang. Chính quyền đang khẩn trương giải phóng nhiều đất đai hơn, bao gồm cả thông qua khai hoang, để tạo không gian cho các nhà máy mới, Bộ trưởng Penang Chow Kon Yeow cho biết.
Penang bắt đầu được biết đến vào năm 1972 khi Intel (INTC.O) xây dựng nhà máy sản xuất quốc tế đầu tiên của mình ở đây. Sau đó, Intel đã kéo theo nhiều tên tuổi lớn khác của Mỹ như Broadcom (AVGO.O), Dell (DELL.N) và Motorola (MSI.N).
Nhưng các khoản đầu tư phần lớn không thay đổi trong hơn một thập kỷ kể từ năm 2005 khi Trung Quốc trở thành mảnh đất hứa mới. Intel đã mở một nhà máy ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc cùng năm, khiến một số nhà cung cấp của Malaysia cũng phải di chuyển.
“Sau đó, Penang Penang đã trở thành thành phố ngái ngủ”, Geoffrey Ng, giám đốc đầu tư chiến lược tại công ty quản lý tài sản Malaysia Fortress Capital nói.
“Bây giờ giống như sự phục hưng cho Penang vậy. Penang đang bắt đầu chứng kiến làn sóng đầu tư thứ hai sau rất nhiều năm bị phủ bóng bởi Trung Quốc.”
Micron cam kết đầu tư 1,5 tỷ ringgit (tương đương 358 triệu USD) vào Malaysia trong năm năm tới. Hotayi, đã chi 1 tỷ ringgit để xây dựng cơ sở mới, có thể chi thêm 1 tỷ ringgit trong một hoặc hai năm tới để mở rộng sản xuất.
Chuyển dịch nhanh chóng
Các công ty khác ở Penang cũng đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Qdos, công ty sản xuất các mạch in linh hoạt cung cấp cho các hãng bao gồm cả Hotayi cũng đang khấp khởi với những đơn hàng mới.
Globet Electronic Technology (GNIC.KL), đã rời Trung Quốc vào năm 2011 khi chi phí sản xuất tăng và tập trung vào hoạt động ở Malaysia, cho biết họ đã giành được hơn 10% thị phần trong năm nay cho các sản phẩm cảm biến và đang mở rộng năng lực sản xuất.
Duy Khiêm (theo TGHN/Reuters)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này