10:41 - 19/08/2020
Tại sao cấm WeChat lại là đòn hiểm hóc của Mỹ?
WeChat là cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Trung Quốc với các đối tác ở Mỹ. Cấm WeChat, Mỹ sẽ gây khó khăn cho các SME Trung Quốc, tức là đánh vào chỗ hiểm của kinh tế Trung Quốc.
Cuộc thương chiến Mỹ – Trung đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại, ngày càng căng thẳng hơn, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ.
Ngày 7/8/2020, chính phủ Mỹ ban hành hai sắc lệnh hành pháp với mục tiêu là các tập đoàn công nghệ ByteDance và Tencent của Trung Quốc. Nội dung của các sắc lệnh quy định các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chấm dứt mọi giao dịch với ByteDance và Tencent từ ngày 20/9/2020 trở đi. Sắc lệnh cũng kèm thêm điều khoản là hai ứng dụng TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent sẽ bị cấm hoạt động trên đất Mỹ sau 45 ngày, tính từ ngày ký sắc lệnh.
Lý do của lệnh cấm theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là “TikTok và WeChat ngấm ngầm thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng. Đây là những dữ liệu có nguy cơ bị phía Trung Quốc lợi dụng để khai thác những thông tin nhạy cảm về công dân Mỹ”. Từ nhiều năm nay, giới chuyên gia an ninh mạng phương Tây coi TikTok và WeChat là những công cụ giám sát kỹ thuật số trá hình mà chính quyền Trung Quốc – thông qua các tập đoàn công nghệ nước này – đang nỗ lực triển khai trên bình diện toàn cầu.
Những cáo buộc về nguy cơ gián điệp và thu thập dữ liệu cá nhân của các ứng dụng “Made in China” phục vụ cho mục đích chính trị của chính phủ Trung Quốc không phải là vô căn cứ. Bởi, luật An ninh quốc gia Trung Quốc có điều khoản bắt buộc các doanh nghiệp công nghệ nước này phải cung cấp tất cả thông tin và dữ liệu người dùng theo yêu cầu của các cơ quan an ninh và tình báo và quy định các doanh nghiệp không được tiết lộ về việc cung cấp thông tin này.
“Nạn nhân” của sắc lệnh thứ nhất là TikTok. Đây là ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của doanh nghiệp ByteDance. Ứng dụng này được ưa chuộng bởi đông đảo người dùng internet các nước, hiện có 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới (ở Mỹ là 50 triệu người). Sắc lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance phải bán mảng TikTok đang hoạt động ở Mỹ cho Microsoft hoặc một doanh nghiệp nào khác của Mỹ. Việc mua bán này phải được hoàn thành trước ngày 15/9/2020. Nếu thương vụ này hoàn tất, công sức bấy lâu nay ByteDance bỏ ra giờ phải trao tay cho kẻ khác hưởng thành quả.
Nhưng, giới công nghệ quốc tế nhận định sắc lệnh thứ hai về WeChat mới là đòn đánh hiểm hóc mang lại nhiều hệ lụy khó lường trong thời gian tới. Tầm mức ảnh hưởng của TikTok kém xa so với WeChat, người dùng ở Mỹ không được xài TikTok thì sẽ có những ứng dụng khác để thay thế. Nhưng lệnh cấm WeChat thì sẽ mang lại những hậu quả sâu sắc hơn nhiều cho phía Trung Quốc, cũng như phần nào đó là một số doanh nghiệp Mỹ. Lệnh cấm này cũng ảnh hưởng đến giới học giả, nhà đầu tư, báo chí Mỹ vốn thường xuyên sử dụng WeChat để giao dịch với các đồng sự Trung Quốc.
WeChat thuộc nhóm các ứng dụng phổ biến nhất thế giới với 1,2 tỷ người dùng, trong đó 90% là người dùng ở Trung Hoa lục địa, giới du học sinh và cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Về thực chất, ứng dụng này là bản tổng hợp các tính năng sao chép từ Facebook, Twitter, WhatsApp, Amazon và Uber. WeChat còn tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử gọi là ví điện tử WeChat Pay được chấp nhận ở Mỹ và nhiều nước khác. Đây là mảng kinh doanh quan trọng của Tencent, năm 2019, dịch vụ WeChat Pay chiếm đến 25% tổng doanh thu của tập đoàn này. WeChat là một thành phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc. Mỗi ngày hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đại lục dùng WeChat (tên bản địa là Weixin) để nhắn tin, thanh toán mua sắm, chia sẻ hình ảnh, mua vé máy bay, gọi xe taxi, đặt chỗ ở nhà hàng, gọi thức ăn, mua vé xem phim và nhiều dịch vụ khác.
Vì sao việc cấm WeChat lại mang đến những tác động tiêu cực lớn cho việc giao thương với Mỹ? Bởi vì WeChat chính là cái cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa SME (Small and Medium Enterprises) của Trung Quốc với các đối tác ở Mỹ. Do các SME Trung Quốc vốn rất ít khi dùng email trong giao dịch, nên WeChat được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh và gọi vốn đầu tư của các đối tác Mỹ. Mọi khâu từ đặt hàng đến thanh toán đều thông qua WeChat vì tiện dụng và nhanh chóng, Khi WeChat bị cấm dùng ở Mỹ, các SME Trung Quốc phải chuyển sang phương thức thanh toán khác thay cho WeChat Pay (như thanh toán tín dụng thư qua ngân hàng) vốn có thủ tục rườm rà, tốn thời gian và chi phí cao. Theo báo tài chính Fortune, hiện chưa có ứng dụng nào của Mỹ có đầy đủ các tính năng và tiện ích như WeChat.
Nếu gặp nhiều khó khăn trong giao dịch với các bạn hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ nản lòng và quay sang tìm nguồn cung từ các nước khác. Trong thời điểm kinh tế thế giới đình trệ vì đại dịch Covid-19, người bán nhiều hơn người mua thì việc tìm kiếm nguồn cung thay thế – dù có thể không “nhanh, nhiều, rẻ” như Trung Quốc – không là phải là điều quá khó. Cộng thêm việc chính phủ Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp của họ rút dần khỏi Trung Quốc đại lục, Mexico, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã tận dụng thời cơ thu hút được nhiều khách hàng Mỹ, càng làm các SME Trung Quốc “khó thở” hơn.
Gây khó khăn cho các SME Trung Quốc là đánh vào chỗ hiểm của kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định động lực chính để kinh tế Trung Quốc phát triển như ngày nay không phải là các tập đoàn lớn, mà chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo thống kê của Statista, năm 2019 Trung Quốc có 43 triệu SME, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp đến 60% GDP hàng năm và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân (82% lực lượng lao động Trung Quốc làm việc cho các SME). Có đến 68% SME hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đóng góp phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo các nhà phân tích công nghệ, ngoài lý do an ninh và gây khó khăn cho giới doanh nghiệp Trung Quốc, chính phủ Mỹ còn có một mục đích nữa: Ngăn sự bành trướng của các ứng dụng “Made in China” trên đất Mỹ, không cho những kẻ ngoại lai chiếm giữ ưu thế trên sân nhà của họ. Điều này tương tự như việc lâu nay Trung Quốc dùng hệ thống kiểm duyệt internet The Great Firewall để ngăn chặn Google, Facebook, Twitter, WhatsApp, Instagram, Gmail hoạt động ở nước này. Nay đã tới lúc người Mỹ vận dụng câu thành ngữ “pay sonmeone back in their own coin” (ăn miếng trả miếng), dù thời điểm trả đòn có phần khá chậm.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này