14:02 - 14/09/2020
Sony, TSMC và MediaTek thiệt hại lớn khi Mỹ cấm vận Huawei
Ít nhất sự thiệt hại lên đến 26 tỷ USD với Sony, TSMC và MediaTek khi Mỹ cấm vận Huawei.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Huawei sẽ có hiệu lực vào ngày 15/9 tới, điều này đang đe dọa làm tê liệt một số các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Sony, TSMC và MediaTek với doanh số lên đến hàng chục tỷ đô la.
Về cơ bản, lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ chỉ cấm các công ty cung cấp cho Huawei bất kỳ chất bán dẫn nào được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm thiết kế do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà thiết kế chip đều thường xuyên sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử được tạo ra ở Mỹ và thiết bị sản xuất chip kết hợp công nghệ của Mỹ thường được sử dụng trong các cơ sở chế tạo chất bán dẫn tiên tiến. Điều này khiến lệnh cấm của Mỹ với Huawei gần như trở thành “chiếc thòng lọng vô hình”.
Trên thực tế, lệnh cấm này nhằm ngăn chặn Huawei tìm nguồn cung ứng các bộ phận quan trọng cho điện thoại thông minh và trạm phát của họ thông qua các nhà cung cấp bên ngoài. Các chuyên gia phân tích cho rằng, tác động của lệnh cấm chắc chắn sẽ lan rộng ra ngoài công ty Trung Quốc.
Akira Minamikawa, giám đốc công ty nghiên cứu Omdia của Anh, ước tính rằng các công ty Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cùng cung cấp 26,4 tỷ USD linh kiện cho Huawei mỗi năm. Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn “mối làm ăn” đó sẽ bị gián đoạn.
Đã từ rất lâu, các công ty của Nhật Bản đang cung cấp gần 30% linh kiện cho Huawei. Riêng Sony được cho là đã bán bộ cảm biến hình ảnh trên điện thoại thông minh trị giá hàng tỷ USD cho công ty Trung Quốc mỗi năm. Các cảm biến hình ảnh đặc biệt mang lại lợi nhuận cho Sony. Thiệt hại của Sonny là điều mà ai cũng nhận ra.
TSMC – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng là nhà cung cấp lớn cho Huawei với doanh thu hàng năm lên đến 5 tỷ USD. MediaTek, một nhà thiết kế chất bán dẫn Đài Loan khác cũng đang có các hoạt động kinh doanh trị giá gần 500 triệu USD với Huawei mỗi năm.
Cực chẳng đã, Huawei phải quay về thị trường nội địa để mua chip thay thế do Trung Quốc sản xuất. Và công ty được chọn mặt gửi vàng là SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đã như vậy Washington cũng chẳng để yên. Chính quyền trump đang lên kế hoạch cắt đứt tuyến huyết mạch này. Bộ Quốc phòng Mỹ lại tiếp tục xem xét thêm SMIC vào danh sách đen thương mại. SMIC, giống như các nhà sản xuất chip khác, đều dựa trên công nghệ của Mỹ.
Mặc dù vậy, Bộ Thương mại Mỹ cũng không “đuổi cùng giết tận” với Huawei khi cho biết họ sẽ cho phép các doanh nghiệp được phép bán đồ cho Huawei miễn là “có giấy phép” do họ cấp. Sony đang xem xét việc xin giấy phép và SK Hynix của Hàn Quốc cũng đang cân nhắc lựa chọn này. MediaTek chia sẻ với truyền thông rằng họ đã nộp đơn đăng ký.
Nhưng Kana Itabashi, một chuyên gia Nhật Bản về luật thương mại quốc tế, cho biết việc xin phép “có lẽ sẽ rất khó khăn, trừ những trường hợp đặc biệt”. Và một số nhà cung cấp linh kiện đã bắt đầu tìm kiếm người mua thay thế, chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là Huawei bị cắt đứt hoàn toàn.
Japan Display, nhà sản xuất tấm nền màn hình tinh thể lỏng, đang tìm kiếm các bạn hàng mới như là Oppo, Xiaomi và Vivo – những nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc chưa lọt vào tầm ngắm của Mỹ.
Có thể nói, khó khăn của người này lại chính là cơ hội của kẻ khác. Các đối thủ trên thị trường điện thoại di động của Trung Quốc như là Xiaomi, Oppo hay Vivo đang tận dụng tối đa những khó khăn của Huawei để giành lấy thị phần và các nhà cung cấp cho mình.
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này