Vai trò của Trung tâm Dữ liệu quốc gia
Hầu hết các loại tiền kỹ thuật số được xây dựng dựa trên công nghệ Blockchain. Việc phát hành tiền kỹ thuật số cũng tuân theo những quy tắc nhất định, nhằm đảm bảo số lượng tiền được phát hành không quá nhiều, vì sẽ gây ra tình trạng lạm phát giảm giá trị đồng tiền. Trước chỉ đạo của các cấp trung ương, việc xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số trở nên cấp bách.
Theo ThS Mai Hoàng Phước, Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), việc không công nhận tiền kỹ thuật số là tài sản hợp pháp sẽ dẫn đến những hệ lụy như: thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nên họ có thể bị mất trắng nếu gặp sàn lừa đảo; thiếu pháp lý để phân chia tài sản chung và gây khó khăn trong việc thừa kế.
“Việc xác định tiền kỹ thuật số là tài sản và xây dựng khung pháp lý là cần thiết, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam trong tương lai”, ThS Mai Hoàng Phước nhấn mạnh.
“Để quản lý, điều chỉnh tiền kỹ thuật số cần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, khung pháp luật phù hợp với thực trạng hiện nay của Việt Nam. Khi xem tiền kỹ thuật số là một loại tài sản sẽ mở ra những cơ chế, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền sở hữu của các chủ thể sở hữu tiền kỹ thuật số, đồng thời dưới góc độ Nhà nước, sẽ có cơ sở cho việc quản lý, thu thuế liên quan đến các giao dịch tiền kỹ thuật số”, ThS Nguyễn Nhật Thanh, Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ.
Còn theo GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, khi công nhận tiền kỹ thuật số là một loại tài sản rất cần có những quy định về thương mại tài sản, thành lập sàn giao dịch; đồng thời có những ưu đãi, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tạo ra đồng tiền kỹ thuật số “made in Việt Nam” sau khi có khung pháp lý rõ ràng.
Bộ Công an đã thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia vào ngày 1-3, trong đó dữ liệu là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng, an ninh sẽ là động lực quan trọng xây dựng kỷ nguyên mới thịnh vượng… Trung tâm này có vai trò rất lớn trong xây dựng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.
Sàn giao dịch theo mô hình sandbox
ThS Nguyễn Nhật Thanh cho rằng, để quản lý tốt tiền kỹ thuật số cần xây dựng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Do mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và có khả năng tác động sâu rộng đến nền kinh tế, nên bước đầu các sàn giao dịch này cần được đặt dưới sự kiểm soát, điều hành của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để việc điều tiết, điều chỉnh sự tác động đến xã hội được kịp thời.
Việc xây dựng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số ở dạng sandbox đòi hỏi nhiều dữ liệu số từ các đơn vị, vì sandbox này không chỉ là không gian thử nghiệm, mà còn là công cụ để đánh giá rủi ro và đưa ra chính sách quản lý phù hợp. Đơn vị xây dựng sàn cần phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để giám sát giao dịch, ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Nhìn sang Singapore, sandbox của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) do cơ quan nhà nước chủ trì đã giúp thử nghiệm nhiều mô hình sàn giao dịch tài sản số thành công, đảm bảo cả yếu tố đổi mới và tuân thủ pháp lý. Các mô hình sandbox thành công trên thế giới đều giao cho cơ quan quản lý công hoặc tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo khả năng kiểm soát rủi ro tài chính, không để thị trường tài sản số phát triển một cách tự do và không giám sát.
Sandbox là khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới… để khai thông những bế tắc cùng với các ưu đãi dành riêng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng cần đi theo mô hình sandbox và hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang xây dựng mô hình sandbox cho sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.
Để sàn hoạt động hiệu quả còn cần phải có hệ thống blockchain quốc gia có độ bảo mật cao, có thể tích hợp với hệ thống tài chính và quản lý nhà nước, hay hệ thống định danh phi tập trung, giúp xác minh danh tính người tham gia giao dịch, tuân thủ quy định KYC (Know Your Customer) và chống rửa tiền (AML). Cho nên, việc sàn giao dịch tích hợp trực tiếp với hệ thống dữ liệu quốc gia sẽ kiểm soát tốt hơn tính hợp pháp của tài sản số, tiền kỹ thuật số…
Lấy ví dụ của Nhật Bản, cơ quan quản lý sandbox cũng phối hợp cơ sở dữ liệu dân cư để thực hiện KYC và kiểm soát giao dịch. Mô hình này được giới chuyên gia cho rằng phù hợp để Việt Nam áp dụng và cần đơn vị xây dựng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số có mối liên kết chặt chẽ với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, cho phép kết hợp dữ liệu dân cư để triển khai hệ thống KYC mạnh mẽ, hạn chế tình trạng giao dịch ẩn danh bất hợp pháp.
Theo Bá Tân/SGGP
Ngày đăng: 11/3/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này