
10:20 - 28/02/2025
Quản lý tài sản số, tiền số: Bước đi cần thiết!
Quản lý tài sản số, tiền số là bước đi cần thiết, giúp kiểm soát chủ quyền tiền tệ, giảm rủi ro thất thu thuế, ngăn chặn rửa tiền, lừa đảo.
Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương ngày 24/2, liên quan đến quản lý tiền kỹ thuật số, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khác biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại.
Giá trị giao dịch rất lớn
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Song do tính chất phức tạp, đến nay vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với lĩnh vực này.
Dù chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý nhưng thị trường giao dịch tài sản số, đặc biệt là tiền số phổ biến như Bitcoin (BTC), Ethereum… vẫn diễn ra sôi động. Các loại tiền số được mua bán, đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhất là khi đồng tiền số Bitcoin có biến động mạnh về giá. Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới sáng ngày 26/2 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 88,748 USD/BTC. Đáng chú ý, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.750 tỷ USD, chiếm 58,9% tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Tại Việt Nam, các cá nhân có thể thực hiện hoạt động mua bán, đầu tư các đồng tiền số như Bitcoin khá đơn giản thông qua các sàn giao dịch phổ biến như Binance, Remitano… với nhiều phương thức khác nhau. Hay mới đây, sau hơn 6 năm ra đời, dự án tiền ảo Pi đã chính thức chuyển sang Open Network để người chơi có thể giao dịch ra bên ngoài nền tảng.
Hiện tại, các sàn giao dịch tiền số lớn trên thế giới như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… đều đã hỗ trợ giao diện tiếng Việt. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỷ USD mỗi ngày. Riêng sàn Binance cao điểm đạt hơn 100 tỷ USD (tương đương hơn 2,5 triệu tỷ đồng).
Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố giữa năm 2024 cho thấy UAE đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số của người dân, với 34,4%. Việt Nam đứng thứ hai với tỷ lệ 21,2%, cao hơn cả Mỹ – xếp ở vị trí thứ ba với 15,6%. Còn theo báo cáo tổng hợp từ hãng Chainalysis (Mỹ), năm 2023-2024, Việt Nam là quốc gia có nhiều người áp dụng tài sản tiền mã hóa, với hơn 20 triệu nhà đầu tư và số vốn khổng lồ 120 tỷ USD – đứng thứ 4. Các nhà đầu tư chủ yếu là những người trẻ tuổi (18-36), tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM (50%-54%), Hà Nội (25%-30%), Đà Nẵng (3%-5%).
Trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo và X, cộng đồng trao đổi thông tin tiền điện tử diễn ra rất sôi động. Chỉ riêng “Cộng đồng Binance Việt Nam” hiện có trên 1 triệu thành viên. Điều này cho thấy, thị trường tiền kỹ thuật số được rất nhiều người Việt quan tâm để đầu tư.
Nhanh chóng xây dựng khung pháp lý
Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản số, tiền số. Việc sớm quản lý với loại tài sản này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, giúp kiểm soát chủ quyền tiền tệ, giảm rủi ro thất thu thuế cũng như ngăn chặn rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố…
Theo kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, hoàn thành trong tháng 5-2025.
Vấn đề tài sản số, tiền số cũng được đề cập trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và vận hành trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tại dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số), với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Dự kiến, các giao dịch bằng tài sản số, tiền số trong trung tâm tài chính được thực hiện từ ngày 1-7-2026.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng xây dựng chính sách quản lý về tài sản số, tiền số là rất cấp thiết. Trong đó, cần chú trọng vào các vấn đề như công nhận tài sản số, tiền số; xây dựng chính sách thuế với tài sản số, tiền số; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền số, tài sản số; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản số, tiền số.
Theo ông Trung, khi được luật hóa, các giao dịch của tài sản số, tiền số được hợp pháp, minh bạch hơn, tăng cường công tác quản lý của nhà nước. Đặc biệt, khi Luật Công nghiệp công nghệ được ban hành sẽ làm giảm nguy cơ gian lận, rửa tiền và các hoạt động phi pháp liên quan đến tài sản số. Nếu xây dựng được hệ thống quản lý hiệu quả cho các loại tài sản mã hóa sẽ bảo đảm được tính minh bạch và an toàn thông tin.
Theo Minh Chiến – Lê Tỉnh/Người Lao Động
Ngày đăng: 28/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Jack Ma: Tập đoàn Alibaba ngăn chặn 300 triệu lần hack mỗi ngày
Cơ chế nào cho sàn giao dịch tiền số?
Mỹ bắt giữ nữ kỹ sư phần mềm đánh cắp dữ liệu của hơn 100 triệu người
Coca-Cola cũng ‘bắt trend’ AI
Nhóm tin tặc lừng danh Anonymous khuyên mọi người nên xóa TikTok
Tags:tài sản sốtiền số
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này