17:34 - 04/09/2024
Ô tô Trung Quốc tràn vào: cảnh giác với hàng tồn kho, công nghệ lạc hậu
Ô tô giá rẻ thường sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi phế thải.
Hiện Trung Quốc có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô với công suất khoảng 40 triệu xe mỗi năm. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 22 triệu xe mỗi năm. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ra toàn cầu.
Xu hướng ô tô Trung Quốc tràn ra thế giới có thể cảm nhận được ngay ở Việt Nam. Tại Việt Nam, đến nay có nhiều hãng xe Trung Quốc gia nhập thị trường với hàng chục sản phẩm đủ mọi phân khúc. Sắp tới số lượng ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ còn tăng lên.
Ô tô Trung Quốc dư thừa lớn tràn vào Việt Nam, cũng đặt ra những cảnh báo về chất lượng và công nghệ. Liệu Việt Nam có trở thành bãi rác, thành nơi tiêu thụ sản phẩm công nghệ lạc hậu, tồn kho lưu cữu lâu năm, chất lượng kém của Trung Quốc?
Vào tháng 10/2023, Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC) đã ra mắt mẫu xe New MG5 tại thị trường Việt Nam. New MG5 thuộc phân khúc sedan cỡ C, cạnh tranh cùng các đối thủ như Toyota Altis, Kia K3, Hyundai Elantra, Honda Civic… New MG5 có 3 phiên bản và có giá bán siêu rẻ, chỉ từ 399- 499 triệu đồng, tương đương với các mẫu xe thuộc phân khúc hạng A. Ngay khi mới ra mắt, có nhiều thông tin cho rằng chiếc New MG5 này giống hệt mẫu xe Roewe i5 bán trong giai đoạn 2018-2020 tại Trung Quốc. Roewe i5, vốn là mẫu xe có doanh số ế ẩm và giá của nó giảm xuống chỉ còn khoảng 10.000 đô la, (tương đương 240 triệu VND) thị trường Trung Quốc.
Tại Việt Nam, SAIC đã giới thiệu tới người tiêu dùng mẫu Roewe i5 phiên bản cũ đời 2018 được đổi tên thành New MG5, một mẫu xe đã được thiết kế từ 5 năm trước với các công nghệ đơn giản, không nổi bật.
Trong ngành ô tô, việc lấy một mẫu xe đã có sẵn ở một thị trường, rồi đổi tên và bán sang một thị trường khác là việc hết sức phổ biến. Tuy nhiên, thay tên đổi họ một mẫu xe ế ẩm và lạc hậu, rồi bán với giá rẻ tại thị trường khác, ngoài mục đích giải quyết hàng tồn kho, liệu có phải còn muốn chuyển “rác” sang nước khác?
Khi đó nhiều người đã đặt câu hỏi, SAIC đưa New MG5 Việt Nam, phải chăng muốn biến thị trường Việt Nam thành nơi tiêu thụ các sản phẩm tồn kho, lỗi thời của hãng?
Với ô tô điện cũng cần cảnh giác. Hình ảnh những “nghĩa địa ô tô điện” ở Trung Quốc, có tới cả chục ngàn chiếc mới tinh, chưa đăng ký, dầm mưa dãi nắng, do sản xuất ra mà không tiêu thụ được, cũng có thể được tận dụng để xuất khẩu dưới nhiều hình thức.
Đã có hàng chục nghìn ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu gặp vấn đề về chất lượng, khiến chúng không thể thông quan được. Khi những chiếc xe này nằm một chỗ trong thời gian dài chất lượng thường bị ảnh hưởng.
Thông tin hàng chục ngàn ô tô điện Trung Quốc tồn kho tại châu Âu cũng phần nào gây lo ngại, không rõ xe đưa về Việt Nam có nguồn gốc từ đâu, chất lượng như thế nào?
Đối với ô tô, khi sản xuất và lưu thông đều được kiểm định chất lượng an toàn. Đảm bảo tiêu chuẩn mới được bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại, đó là xe sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, lỗi thời…
Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, nếu ô tô tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, có giá bán siêu rẻ thì dễ gây họa. Ô tô giá rẻ thường sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi phế thải. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Theo Hải Linh/DĐDN
Ngày đăng: 4/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này