11:08 - 13/08/2024
Những ‘gã khổng lồ nhỏ’ của Trung Quốc trỗi dậy
Những “gã khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự tự lực của quốc gia này trong các ngành công nghiệp chính.
Năm 2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) định nghĩa “những gã khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc là các công ty có doanh thu hàng năm từ 100-400 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 triệu USD đến 56 triệu USD), tăng trưởng lợi nhuận hàng năm ít nhất 10%, nhân viên R&D hoặc đổi mới chiếm hơn 15% tổng lực lượng lao động và ít nhất có 5 bằng sáng chế đổi mới sản phẩm hoặc 15 bằng sáng chế trong lĩnh vực thiết kế.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-2025) nêu rõ mục tiêu là “thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng các doanh nghiệp “khổng lồ nhỏ”, cũng như doanh nghiệp dẫn đầu về sản phẩm đơn lẻ trong ngành sản xuất”.
Trên thực tế, mục tiêu có 10.000 “gã khổng lồ nhỏ” do Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đặt ra đã đạt được. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông vào cuối tháng 7/2024, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phát triển công nghệ và sản phẩm mới đã dẫn đến việc tạo ra 140.000 SME, trong đó có 12.000 doanh nghiệp “khổng lồ nhỏ.”
Các “gã khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc xuất hiện trong tất cả các ngành công nghiệp theo phân loại của Liên hợp quốc và đang trở thành một phần quan trọng trong các chuỗi cung ứng. 90% trong số các doanh nghiệp “khổng lồ nhỏ” phục vụ nhu cầu của các công ty lớn trong nước và toàn cầu.
Ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn được bảo vệ khỏi những cơn gió ngược toàn cầu và những thay đổi nhỏ trong các ngành thâm dụng lao động, khi các công ty vẫn cần nhập khẩu các linh kiện trung gian từ Trung Quốc.
Thông thường, các linh kiện trung gian này không phải do các nhà doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc sản xuất, mà là do những gã “khổng lồ nhỏ” của nước này sản xuất.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, chiến lược hỗ trợ những “gã khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc dường như đang mang lại kết quả.
Một số doanh nghiệp đã góp phần làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong các phân khúc ngách. Ví dụ, Guangxi Crystal Union Photoelectric Material tham gia vào sản xuất hàng loạt oxit thiếc indi (ITO), một công nghệ quan trọng được sử dụng trong màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh.
Dựa trên dữ liệu của U.N. COMTRADE, lượng ITO nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới đã giảm 22%, với giá trị nhập khẩu giảm từ 53,5 triệu USD vào năm 2022 xuống còn 41,5 triệu USD vào năm 2023.
Trung Quốc đã giảm lượng ITO nhập khẩu từ bốn nguồn nhập khẩu chính, bao gồm Nhật Bản (giảm 48%), Hàn Quốc (giảm 15%), Malaysia (giảm 7%) và Brazil (giảm 26 %).
Những gã khổng lồ nhỏ khác cũng đang tìm cách thâm nhập vào chuỗi cung ứng quan trọng của Trung Quốc bao gồm PhaBuilder, Acoinfo, và Beijing Hanfei Aviation Technology… nhằm giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện trung gian từ bên ngoài.
Theo Tiến sĩ Sarah Mujeeb, Cục Kinh tế Ấn Độ, bên cạnh việc xây dựng năng lực sản xuất trong nước của Trung Quốc, việc các gã khổng lồ nhỏ của Trung Quốc vươn ra toàn cầu là một xu hướng quan trọng cần chú ý. Vào tháng 6 /2024, PhaBuilder đã hợp tác với Solenis của Mỹ và Hengxin để thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Với việc các “gã khổng lồ nhỏ” của Trung Quốc đang đa dạng hóa hợp tác trên toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ chứng kiến sự hiện diện của các công ty nhỏ ngày một tăng trong thời gian sắp tới.
“Trong khi các chính phủ nước ngoài tập trung sự chú ý vào những gã khổng lồ do Nhà nước Trung Quốc sở hữu, họ cũng cần tận dụng những “người khổng lồ nhỏ” của nước này”, chuyên gia này lưu ý.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Ngày đăng: 13/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này