09:38 - 28/10/2019
Nhật Bản: Cải cách xã hội 5.0
Xã hội 5.0 là tên gọi một thời đại, không phải một phần mềm. Với Xã hội 5.0 (Society 5.0), chính phủ và các công ty Nhật Bản đang hợp tác để phát triển công nghệ, đặc biệt là hai xu hướng công nghệ hiện đại: AI và tự động hoá.
Hội tụ không gian ảo và thế giới thực
Xã hội 5.0 sử dụng công nghệ để hội tụ không gian ảo với thế giới thực, nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống, như tăng nhu cầu năng lượng và thực phẩm, giải quyết bất bình đẳng trong khu vực, vấn đề xã hội già hoá và các vấn đề kinh tế xã hội khác của nước Nhật.
Xã hội 5.0 là một trong những chủ đề cơ bản tại CEATEC 2019 đang diễn ra tuần này tại Tokyo. Đây là tầm nhìn được đề xuất từ Chính phủ Nhật Bản, các công ty và doanh nghiệp Nhật Bản ngoài ngành công nghệ, như ANA (All Nippon Airways) và Shimizu cũng có mặt tại sự kiện.
Vậy Xã hội từ 1.0 đến 4.0 là gì? Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã liên kết phiên bản xã hội này với các bước ngoặt lớn trong lịch sử loài người. Phiên bản 1.0 bắt đầu với việc săn bắn hái lượm, trước khi con người bắt đầu cuộc sống trồng trọt định cư ở phiên bản 2.0. Sau đó là cuộc cách mạng công nghiệp, đánh dấu cho phiên bản xã hội 3.0. Kế đó là thời đại của cuộc Cách mạng thông tin, là 4.0. Hiện nay, chúng ta đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng khác, có lẽ chừng 4.7 hoặc 4.8.
Big data là chìa khoá chính
Cấu trúc Xã hội 5.0 sẽ dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến trong thế giới thực được gửi đến thế giới ảo trên đám mây, để được phân tích bằng AI. Sau đó, các dữ liệu này quay trở lại thế giới thực ở dạng vật lý thông qua robot, máy móc, xe tự hành, hay thậm chí là máy tính.
Quan trọng hơn, sáng kiến và công nghệ sẽ không chỉ được sử dụng cho lợi ích doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Các quy định được xây dựng hết sức chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu và quyền sử dụng dữ liệu mà công ty thu thập.
Trong khi Nhật Bản đang làm việc để trở thành quốc gia đầu tiên hiện thực hoá tầm nhìn này, hiệu ứng của nó có thể lan rộng đến các khu vực khác trên thế giới, và thậm chí hy vọng sẽ trở thành một mô hình chi tiết cho các quốc gia khác tham khảo.
Indonesia: Vành đai Palapa kết nối với thế giới
Mới đây, Indonesia đã ra mắt gói dịch vụ phía đông mang tên Palapa RingTHER, là dự án phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng với mức đầu tư tổng cộng 21,63 ngàn tỷ IDR (1,5 tỷ USD) trên toàn quần đảo Indonesia, phủ sóng đến các khu vực xa xôi nhất của đất nước.
Indonesia đang tiến gần hơn đến việc trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á, với giá trị thị trường tăng gấp ba lần vào năm 2025 so với giá trị hiện là 130 tỷ USD, và sự tăng trưởng tập trung vào các thành phố đô thị, với nhu cầu lớn về các sản phẩm thương mại điện tử và dịch vụ thuê xe.
Thực trạng là ở những vùng xa xôi, ngay cả không quá xa thì kết nối internet của Indonesia vẫn còn khó khăn, chắp vá. Sự sẵn sàng hay không của internet, dẫn tới phân chia kỹ thuật số, đã trở thành một nguồn bất bình đẳng mới trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2018, khoảng 65% dân số cả nước, tức 264 triệu người đã kết nối internet, đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Đông Nam Á và tốc độ ở mức 200 megabit/giây (Mbps) là chậm.
Từ đó, Indonesia quyết gia tăng trong lĩnh vực băng thông rộng, để tạo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn.
Bên cạnh việc cung cấp cơ sở hạ tầng cứng, Chính phủ Indonesia cũng chú ý chương trình xoá mù chữ kỹ thuật số.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này