07:23 - 27/08/2015
Khi bánh trung thu trở thành thực phẩm chức năng
Gần như tất cả các loại sơn hào hải vị, những sản vật quý – hiếm trên trái đất này đã được các nhà sản xuất đưa vào sản xuất bánh trung thu.
Bắt đầu từ tên gọi, có thể hình dung nhân bánh luôn là sự kết hợp của vài loại nguyên liệu, chẳng hạn trà xanh hạnh nhân, hạt sen tứ quý, đậu xanh hạt dưa, hạt sen dừa, đậu đỏ kiểu Nhật, bánh dẻo sầu riêng, gà quay xốt XO, bánh sầu riêng, lạp xưởng ngũ hạt…
Một trong các thương hiệu dẫn đầu thị trường đang giới thiệu gần 60 loại bánh nướng, bánh dẻo với nhiều trọng lượng nhằm linh động đáp ứng nhu cầu thưởng thức, biếu tặng đa dạng của các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Các sản phẩm này sử dụng các loại củ hạt như hạnh nhân, quả hồ đào, hạt Macadamia, hạt sen, củ năn… chế tác cùng bào ngư, hải sâm, tôm càng… Nhà sản xuất này cũng không ngần ngại kết hợp các hương vị bánh Âu vào sản xuất dòng bánh cao cấp: bánh Mochi Mascarpone Chocolate mang phong cách châu Âu, với vị béo nhẹ của mascarpone cream ở vỏ bánh và vị sôcôla đặc trưng trong nhân với hạnh nhân. Bánh tuyết dâu tây mới có lớp vỏ mềm, lớp nhân quả dâu khô.
Vi cá với mức giá khoảng chục triệu đồng/kg đã trở nên lép vế trước sản vật đắt giá hơn: yến sào. So về giá, có thể thấy bánh trung thu yến sào do các nhãn hiệu chuyên kinh doanh yến sản xuất, đang rao bán trên thị trường chỉ khoảng 390.000 đồng – dưới 2 triệu đồng/hộp, là không đắt so với mức giá yến vài chục triệu đồng/kg. Thế nhưng điều quan trọng là loại yến nào đang được đặt trong nhân bánh thì hầu như các nhà sản xuất đều không thông tin chi tiết.
Tương tự như vậy, bánh trung thu có đông trùng hạ thảo, linh chi, bào ngư cũng có giá khá cao, nhưng người mua cũng không thể biết nguyên liệu đó có đúng là loại tốt, tỷ lệ thế nào trong chiếc bánh. Hạt “chia” – vốn được xem là loại hạt có thể giúp cơ thể phòng ngừa bệnh, cải thiện sức khoẻ, cũng đã được đưa vào nhân bánh. Những loại quả được xem là có ích cho sức khoẻ như việt quất, dâu tây, phúc bồn tử, gấc, táo đỏ… được khai thác kết hợp hương vị với hạt sen, đậu xanh, mè đen, đậu đen, đậu trắng… để tạo nên vị mới cho nhân bánh.
Dòng bánh trung thu trái cây, với một loại như xoài, dâu, thơm, đu đủ hoặc đa loại (kết hợp 5 – 7 loại trái cây), đang là nét mới bổ sung thêm nhiều hương vị cho những người thích ăn chay, ăn kiêng, hoặc thích thực vật. Để phối trộn loại nhân mới, có nhà sản xuất mạnh dạn kết hợp trái cây với hạt khô, trứng muối, mè, thịt gà, vi cá… tạo nên loại bánh thập cẩm trái cây sấy (thay vì dùng mứt).
Ngay cả đường làm bánh, hiện trên thị trường đang giới thiệu ba loại khác nhau: đường kính thông dụng, đường ăn kiêng dành cho người tiểu đường và đường tinh khiết có hàm lượng calo thấp. Giá đường khác nhau, nên giá bánh cũng chênh nhau vài chục ngàn đồng/chiếc. Bánh làm từ đường nhập của Nhật Bản được giới thiệu vị ngọt thanh hơn (hay nhà sản xuất cho ít hơn?), đắt hơn bánh làm từ đường kính khoảng 40.000 đồng.
Một bác sĩ đã chia sẻ, nếu chỉ ăn một chiếc bánh chứa vài cọng vi cá, vài sợi yến sào hay mẩu nhỏ đông trùng hạ thảo, thì hàm lượng chất quý mà cơ thể nhận được gần như không đáng kể. Năng lượng của một chiếc bánh trung thu chủ yếu đến từ vị ngọt, bột và chất béo trong bánh. Dẫu biết vậy, nhưng vì mua để tặng, nên người mua buộc phải chọn loại mới, lạ, giá đắt.
Bích Thảo
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu và Nhật Bản vượt lên trong cuộc đua robot công nghiệp
Grab và tham vọng bá chủ trong lĩnh vực tài chính
Indonesia: Gojek và Tokopedia tuyên bố sáp nhập
Trung Quốc tạm dừng nỗ lực về chip tiên tiến
Huawei bị cấm cung cấp hạ tầng mạng viễn thông ở Australia
Tags:Bánh trung thubào ngưdoanh nghiệpđông trùng hạ thảokinh doanhlinh chisơn hào hải vịthực phẩm chức năng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này