10:23 - 06/08/2024
Intel loay hoay cải tổ
Từ khi nhậm chức, tân tổng giám đốc Intel bắt tay ngay vào tái cấu trúc công ty thành 2 mảng rõ rệt: Thiết kế và Gia công. Nhưng con đường vẫn còn dài và gập ghềnh phía trước.
Phản ứng của thị trường tỏ ra vô cùng khắc nghiệt với Intel. Tuần vừa rồi, Intel vừa công bố một loạt kết quả ảm đạm. Doanh thu của gã khổng lồ bán dẫn đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước và công ty tuyên bố lỗ ròng 1,6 tỷ USD, so với lợi nhuận 1,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2023. Ngay lập tức, giá cổ phiếu Intel giảm gần 30%, giá trị vốn hóa của Intel mất 40 tỷ đô chỉ trong 1 ngày. “Thảm bại” này cho thấy kế hoạch cải tổ của vị Tổng giám đốc Pat Gelsinger vẫn còn “chưa đâu vào đâu”.
Vị giám đốc này “đau khổ” thừa nhận với nội bộ tập đoàn: “Chi phí của chúng ta quá cao mà tỷ suất lợi nhuận lại quá thấp”. Do đó, Intel có kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm và tạm dừng chia cổ tức mà họ đã trả từ năm 1992.
Intel đang ở trong một vị trí “o bế”. Về mặt vĩ mô, chính phủ Mỹ, với mong muốn đưa hoạt động sản xuất chip nước Mỹ, đang “hậu thuẫn” để đẩy Intel thành nhà vô địch quốc gia.
Về mặt doanh nghiệp, kể từ khi nhậm chức, giám đốc Gelsinger đã bắt tay ngay vào tìm cách khôi phục thời kỳ huy hoàng của Intel như trước đây.
Trong nhiều thập kỷ, Intel thống trị ngành sản xuất chip toàn cầu. Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, họ đã chiếm lĩnh thị trường máy tính cá nhân (PC) nhờ liên minh “Wintel” với Microsoft, một gã khổng lồ phần mềm. Thời hoàng kim đó, mọi máy tính cá nhân đều có logo Intel Inside.
Tuy nhiên, một loạt sai lầm đã khiến Intel bị tụt lại phía sau. Việc tập trung vào PC đã khiến họ bỏ lỡ sự bùng nổ về nhu cầu chip điện thoại di động. Ngay cả khi nhiều đối thủ của Intel chuyển sang mô hình “không có nhà máy”. Ở mô hình này, các nhà thiết kế chip giao việc sản xuất của họ cho các xưởng gia công như TSMC, một nhà sản xuất Đài Loan. Trong khi đó Intel vẫn kiên định tiếp tục tự chế tạo chip của riêng mình.
Ở mảng chip truyền thống này, vào giữa những năm 2010, những sai sót trong sản xuất liên tục đã làm trì hoãn việc ra mắt bộ xử lý mới của Intel dẫn đến Intel mất dần thị phần vào tay AMD, một nhà thiết kế chip khác của Mỹ.
Tiếp theo, điều quan trọng hơn là Intel gần như vắng bóng trong thị trường chip trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên dụng đang phát triển nhanh chóng, vốn bị thống trị bởi Nvidia, hiện là công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới.
Gelsinger quá nhận thức được điều này. Ngay sau khi trở thành tổng giám đốc vào tháng 2 năm 2021, ông đã đặt nền móng cho việc tách thiết kế và sản xuất thành hai lĩnh vực kinh doanh riêng biệt. Điều đó cho phép phía sản phẩm lựa chọn xưởng đúc thuê ngoài tốt nhất cho nhu cầu của mình và các nhà máy của Intel có thể sẵn sàng cho các nhà thiết kế chip khác. Ông Gelsinger muốn hoạt động sản xuất của Intel phát triển nhanh chóng, vượt qua các xưởng đúc khác. Ông đặt mục tiêu Intel sẽ trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới vào năm 2030, chỉ sau TSMC.
Theo mục tiêu của Gelsinger, Intel sẽ chiến đấu trên hai mặt trận: Thiết kế và Gia công.
Chiến lược này gợi nhớ tới Apple. Ban đầu họ cũng vừa thiết kế vừa sản xuất máy tính Mac. Rồi sau đó Tim Cook đã dứt hẳn bộ phận sản xuất ra thuê ngoài và dẫn tới thành công.
Quay lại với Intel, với tư cách là một nhà thiết kế, Intel cạnh tranh với Nvidia và AMD. Và với tư cách là một xưởng đúc, họ đối đầu với TSMC.
Nhiệm vụ đầu tiên có vẻ khó khăn. Công ty đang bị tụt lại phía sau trong việc thiết kế chip AI. Năm nay, họ dự kiến sẽ bán được 500 triệu USD chip AI Gaudi. Trong khi đó, Nvidia bán được 20 tỷ USD chip AI mỗi quý.
Hơn nữa, thành công trên thị trường chip AI không chỉ phụ thuộc vào bản thân các con chip. Nvidia bán thiết bị mạng kết nối hàng trăm hoặc hàng nghìn bộ xử lý của nó với nhau. Nó cũng có CUDA, một nền tảng phần mềm cho phép khách hàng tinh chỉnh chip. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner đánh giá: Do chưa đầu tư đủ vào AI nên Intel sẽ khó bắt kịp đối thủ.
Khi nói đến việc phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất chip, nhiệm vụ thứ hai của mình, Intel đang thực hiện các khoản đầu tư lớn. Họ có kế hoạch chi 100 tỷ USD trong 5 năm tới để xây dựng các nhà máy mới và mở rộng các nhà máy hiện có ở Mỹ. Để tài trợ cho tham vọng của mình trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ, công ty đang khai thác các nguồn vốn sáng tạo.
Vào tháng 8 năm 2022, Brookfield, một nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, đã đồng ý chi tới 49% chi phí cho một cơ sở mới trị giá 30 tỷ USD ở Mỹ. Vào tháng 6 năm nay, Apollo, một công ty cổ phần tư nhân, đã đầu tư 11 tỷ USD vào cổ phần tương tự tại nhà máy sản xuất chip của công ty ở Ireland. Intel cũng được hưởng lợi từ khoản tài trợ trị giá 8,5 tỷ USD và khoản vay lên tới 11 tỷ USD từ chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề là với doanh thu từ hoạt động kinh doanh đúc vẫn còn thấp và nhu cầu về các sản phẩm cốt lõi của họ hầu như không tăng, Intel sẽ cần tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn mới — hoặc cần thêm nhiều tài trợ hơn nữa. Công ty và chính phủ đều có một nhiệm vụ khó khăn phía trước.
Nhưng những báo cáo thu nhập mới nhất là lời nhắc nhở về việc Intel đã tụt hậu so với Nvidia và TSMC một cách đáng buồn đến mức nào, cũng như phải mất bao lâu để bắt kịp một ngành hoạt động với khoảng thời gian đầu tư dài. Cuộc cải tổ của giám đốc Gelsinger vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp theo.
Theo Minh Quân/DĐDN
Ngày đăng: 6/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này