16:14 - 20/08/2024
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc đang dịch chuyển vào công nghệ hiện đại
Không chỉ là nhà đầu tư dẫn đầu về số dự án đăng ký mới mà dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ hiện đại.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/7, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Hiện 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án, tổng vốn đăng ký mới là 1,22 tỷ USD (chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước). Ngoài ra, có 113 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 303,21 triệu USD; 268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 124,021 triệu USD.
Về lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, có 4.750 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc. Công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất với 2.630 dự án, chiếm 79,6% tổng vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm, dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các ngành điện tử, ô tô…
Các dự án đầu tư từ Trung Quốc có mặt tại nhiều địa phương tại Việt Nam như TP.HCM có 731 dự án, 702 dự án ở Bắc Ninh, 659 dự án ở Hà Nội hay 183 dự án ở Bắc Giang…
Là một trong những lĩnh vực thu hút được dòng vốn FDI lớn từ Trung Quốc, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điện thoại, linh kiện lớn nhất của ngành điện tử Việt Nam (chiếm 28% thị phần xuất khẩu).
Theo sau các dự án FDI lớn về gia công, lắp ráp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu chuỗi, những dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể. Điển hình như Foxconn đã đầu tư 453 triệu USD cho nhà máy sản xuất lắp ráp máy tính bảng vào năm 2021. Năm 2023, một công ty con của Foxconn đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử của Trung Quốc đã không ngừng mở rộng đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp điện tử Việt Nam – Trung Quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Guo Fu – Phó Chủ tịch marketing công ty Acroview Technology (Trung Quốc) cho biết, Acroview Technology đã đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua lại công ty con của một doanh nghiệp Nhật Bản và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường một cách bài bản, khoa học.
Theo lãnh đạo Acroview Technology, hiện tại những dòng xe ô tô sử dụng nhiên liệu mới cần hơn 300 vi điều khiển khác nhau, gấp hơn 4 lần so với những chiếc xe ô tô truyền thống. Ngoài ra, chi phí vật liệu chất bán dẫn cho ô tô tăng gấp 3 lần, từ 4% trong năm 2019 lên 12% vào năm 2025. Do đó, Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa cho ngành công nghiệp điện tử, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển đi kèm các vi điều khiển, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cùng tham gia, hợp tác.
Theo Hạnh Lê/DĐDN
Ngày đăng: 20/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này