
10:41 - 07/03/2025
Cơ chế nào cho sàn giao dịch tiền số?
Tại họp báo Chính phủ ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Việt Nam sẽ sớm thí điểm sàn giao dịch tiền số được cấp phép, bảo đảm minh bạch và tuân thủ pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Việt Nam ở trong tốp những quốc gia có giao dịch tiền số lớn nhất thế giới nhưng lại chưa có khung pháp lý để quản lý và bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Triều.
Thông tin này được giới đầu tư tiền số đón nhận tích cực, dù cách thức hoạt động và khung pháp lý vẫn còn là câu hỏi. Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, về một số vấn đề tiền số và việc thí điểm sàn giao dịch tiền số mà Chính phủ sắp triển khai.
– Theo ông, việc sớm thí điểm sàn giao dịch tiền số có khả thi không?
– Cơ hội đối với tài sản mã hóa và tài sản số đang được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan của Quốc hội và gần nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội này.
Tài sản mã hóa hay crypto là loại tài sản đặc biệt được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Sự xuất hiện của Bitcoin (BTC) vào năm 2009 đã đặt nền móng cho sự bùng nổ của thị trường này, với tổng giá trị hiện tại vượt 3.000 tỷ USD và hàng chục ngàn loại tài sản khác vẫn đang được giao dịch sôi động.
Việt Nam đang được đánh giá cao bởi nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Theo báo cáo của TripA, khoảng 17 triệu người Việt Nam đang nắm giữ loại tài sản này, chiếm 17% tổng dân số, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 5 toàn cầu. Việt Nam cũng xếp thứ 3 thế giới về mức độ chấp nhận tài sản mã hóa vào năm 2023 và đứng thứ 7 về số lượng người sở hữu tài sản này trong năm 2024, theo báo cáo của Chainalysis.
Vì vậy, nếu không hành động nhanh chóng, quốc gia có thể tụt lại phía sau trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các nền tảng tài chính toàn cầu, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng sự kết hợp giữa khung pháp lý rõ ràng, chính sách thực tiễn, phù hợp tình hình Việt Nam và thông lệ quốc tế cũng như sự nỗ lực từ các địa phương sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.
– Những quy định pháp lý nào cần được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sớm hoàn thiện sàn giao dịch tiền số, thưa ông?
– Việc sớm thông qua và ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số là bước tiến quan trọng để tạo khung pháp lý rõ ràng cho nền kinh tế số. Trong dự thảo luật, khái niệm về “tài sản số” và “tài sản mã hóa” đã được đề cập đến và khi thông qua sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa tài sản mã hóa vào khuôn khổ pháp lý.
Trong bối cảnh thời gian gấp rút, theo tôi, việc quản lý tài sản số và tài sản mã hóa cần được triển khai theo lộ trình hai giai đoạn. Giai đoạn đầu nên tập trung xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản mã hóa, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo là ban hành các nghị định chi tiết sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua.
Việc thực thi giai đoạn hai có thể tham khảo mô hình chính sách đang được triển khai khi xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM và Đà Nẵng.
Ở giai đoạn đầu, nếu khung pháp lý thử nghiệm được áp dụng cho các sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiêu chí lựa chọn đối tượng tham gia cần đặt trọng tâm vào tiềm lực tài chính và năng lực công nghệ. Trong thực tế, các sàn giao dịch tài sản mã hóa giai đoạn sơ khai thường đối mặt với rủi ro tấn công mạng nghiêm trọng. Điển hình là vụ sàn Mt. Gox của Nhật Bản bị hacker xâm nhập hay gần đây, sàn Bybit bị tấn công mạng gây thiệt hại ước tính 1,5 tỷ USD. Những sự cố này cho thấy yêu cầu cấp thiết về tiêu chí kiểm soát rủi ro trong quá trình thử nghiệm.
Cơ chế quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp, thay vì áp dụng mô hình quản lý chứng khoán truyền thống. Tài sản mã hóa có đặc thù liên thông quốc tế, giao dịch liên tục 24/7 và phần lớn không tồn tại dưới dạng vật lý, khác biệt hoàn toàn so với chứng khoán – một loại tài sản đã số hóa nhưng vẫn duy trì cơ chế lưu ký vật lý trong hệ thống tài chính truyền thống.
Bên cạnh yếu tố quản lý, khung pháp lý cũng cần được thiết kế theo hướng cạnh tranh khu vực để thu hút dòng vốn từ nền kinh tế ngầm vào khu vực chính thống.
– Theo ông, việc thí điểm giao dịch tiền số sẽ tác động ra sao đến các nhà đầu tư và nền kinh tế?
– Việc xây dựng khung pháp lý không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo điều kiện để dòng vốn từ tài sản mã hóa đóng góp chính thức vào nền kinh tế. Nhà nước có thể thu thuế từ giao dịch tài sản mã hóa, đồng thời giảm thiểu các hệ lụy xã hội từ những hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát. Còn nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là một giao dịch chính thức được công nhận, đồng thời được bảo vệ trong khung khổ pháp lý của nhà nước.
Ngoài ra, việc ban hành khung pháp lý cũng là điều kiện bắt buộc để Việt Nam thoát khỏi danh sách xám của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Toàn cầu (FATF) và thúc đẩy ứng dụng blockchain vào lĩnh vực tài chính, logistics, y tế, giáo dục…, tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và xã hội.
Theo Sơn Nhung/Người Lao Động
Ngày đăng: 7/3/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này