Nhiều người động viên anh Ba Thịnh lẹ lẹ đăng ký để được bảo hộ sở hữu trí tuệ hệ thống tưới tự động rồi đăng ký sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp từ bằng sáng chế, nhưng ngẫm nghĩ anh lại thôi.
“Có thể đặt hàng hoặc cứ mua đồ về tui ráp giùm, ai cho bi nhiêu thì cho”, cách ứng xử này lại khiến nhiều người tìm tới anh.
Với một bảng mạch trì thời nối với hệ thống môtơ, van điều khiển tự động, hệ thống đường ống, bồn pha thuốc hoặc nơi lấy nước thuận tiện là anh có thể thoải mái đi đám giỗ, đám cưới… Ở nhà, cứ tới giờ là hệ thống tự động tưới.
“Cái chính là làm sao giải được bài toán khó cho nhà vườn”, anh Thịnh nói rằng đã từng chăm sóc khu vườn quýt 5.000m2, quá khó khăn khi tìm người phụ tưới. Bản thân anh phải làm từ sáng tới chiều.
Hết sức ngẫu nhiên khi nhìn con chơi xe điều khiển từ xa, anh nảy ra ý tưởng khởi động máy dầu từ điện thoại di động. Những bạn bè là thợ sửa chữa điện tử nghe ý tưởng này đã giúp anh tìm linh kiện; không quá khó khi mua SIM, làm mạch cảm ứng, kích hoạt máy dầu, lắp môtơ kéo cả hệ thống tưới. Tuy nhiên, mỗi lần nối dây chạy ra chạy vô 200m là hệ thống phun hết thuốc, không tắt kịp là tổn thất. Anh tiếp tục làm hệ thống mở van tự động, định giờ cho toàn bộ hệ thống tự khởi động, tưới đủ thì tự động khoá.
Những sáng chế nho nhỏ của anh Thịnh đều là cách tự giải quyết khó khăn. Nhìn vườn cây trĩu quả phải mua tràm chống đỡ, chỉ tiền công lột vỏ tràm 1.500 đồng/cây, nhưng cũng không có người làm nên anh nghĩ ra cách làm móc tự buộc dây trên cao không cần thang để bảo vệ vườn quýt mỗi năm thu hoạch 100 tấn trái. “Bây giờ ngồi một chỗ quản lý chứ không cần phải làm gì nữa”, anh Thịnh nói.
Từng là người thu tiền điện trong xóm, nhiều người hỏi sự cố này, rắc rối nọ anh chẳng biết phải giải thích thế nào. “Khi điện lực mở lớp huấn luyện an toàn điện tui xin đi học và nghĩ ra cách làm hệ thống tưới này”, anh Thịnh nói tiếp: “Hai năm trước, sáng chế này được giải khuyến khích ở cuộc thi sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp. Một chuyện gia ở bộ Khoa học và công nghệ vào nói nếu lý giải hết giá trị thực tế thì thế nào cũng đạt giải cao. Thực ra trên tỉnh cử người xuống vẽ lại toàn bộ hệ thống này để trình làng chứ mình chưa vẽ được”.
“Nếu sử dụng môtơ loại 3 ngựa cho 10 van, chi phí khoảng 4,5 triệu, tưới phun xa 60m. Nếu xài loại môtơ 5 ngựa gắn 20 van, nước đẩy xa 100m, giá chênh lệch vài trăm ngàn đồng tới 1 triệu”, anh Thịnh trở thành nhà tư vấn khi có khách tìm tới. Nhưng cái khó của anh là mỗi hệ thống tưới, giá cả khác nhau do nguồn phụ kiện gom góp từ máy photocopy, máy tính để bàn không sử dụng được nữa.
Giải bài toán lao động
Lao động nông thôn chạy về thành thị khiến việc thuê mướn một người làm vườn trả lương 4 – 5 triệu đồng/tháng là khó, nếu thuê công nhật tưới nước, mỗi ngày trả 180.000 đồng/người cũng không dễ. “Hệ thống này có ích, sao không ra tiệm hoặc lập doanh nghiệp mần ăn?”, nhiều khách hàng thúc giục. Anh Thịnh thú thiệt vốn liếng chẳng là bao, chưa biết mở doanh nghiệp thủ tục nhiêu khê cỡ nào và nghe đồn đã có người làm hệ thống tưới tương tự trong khi lập một doanh nghiệp phải bài bản, thách thức còn lớn hơn là sáng tạo một công cụ có ích cho người làm vườn. Nghĩ vậy nên anh chỉ có một bàn trà, ai tới uống trà nhờ cậy thì sẵn sàng giúp.
“Nếu doanh nghiệp đứng ra sản xuất hàng loạt hệ thống tưới tự động này, anh có chịu “nhượng quyền” hoặc cùng làm chung?”, có người hỏi. Anh Thịnh cười nói: “Hệ thống tưới tự động làm đâu khó gì. Cái chính để nó hiệu quả là phải hiểu từng khu vườn xem đường ống thế nào, lấy nước ở đâu, xài bao nhiêu van là được, tiền túi của nhà vườn tới mức nào… giải quyết tất tần tật để nhà vườn xài hiệu quả mới quan trọng. Nếu có doanh nghiệp nào cùng làm theo kiểu giúp chòm xóm ăn nên làm ra thì tui sẵn sàng chia sẻ sáng kiến để cùng vượt khó, chứ tui thủ riêng làm gì?”
Gia Khiêm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này