15:46 - 15/11/2024
ChatGPT hạ gục ‘ông lớn’ giáo dục trực tuyến như thế nào?
Với sự ra đời của ChatGPT thì Chegg, một Edtech nổi đình đám đã nhanh chóng rơi thẳng từ đỉnh cao xuống ngấp nghé phá sản chỉ trong khoảng 1 năm.
Trong nhiều năm, Chegg, một công ty giáo dục trực tuyến, là nguồn cung cấp thông tin hữu ích để học sinh tham khảo cho bài tập về nhà, hoặc một nguồn cung cấp văn mẫu khả dụng. Trong thời kỳ đại dịch, mô hình học từ xa khiến số lượng người đăng ký dịch vụ này tăng vọt, đẩy giá cổ phiếu của họ lên cao kỷ lục.
Thế nhưng sau đó ChatGPT ra đời, đồng nghĩa với việc học sinh có một nguồn tài liệu hoàn toàn miễn phí cho những bài tập mà Chegg đã dành hàng năm trời để phát triển. Vậy là người dùng bắt đầu hủy gói thuê bao Chegg và chuyển sang ChatGPT.
Kể từ khi công cụ AI này ra đời, Chegg mất hơn 500.000 nghìn người đăng ký. Đây là những người trước đó phải trả tới 19,95 đô mỗi tháng để được cung cấp các câu trả lời cho những bài tập trong sách giáo khoa, hoặc được các chuyên gia hỗ trợ theo yêu cầu. Từ đầu năm 2021, cổ phiếu Chegg giảm đến 99%, tương đương bay mất 14,5 tỷ đô giá trị thị trường.
Mặc dù Chegg có tự xây dựng các sản phẩm AI của riêng mình, nhưng họ gặp khó khăn để thuyết phục nhà đầu tư và khách hàng rằng đó là thứ xứng đáng để đầu tư trong một môi trường mà ChatGPT phủ sóng miễn phí như hiện nay.
Một cuộc khảo sát từ các sinh viên đại học do ngân hàng đầu tư Needham thực hiện cho thấy trong năm học này, chỉ có 30% sinh viên muốn sử dụng Chegg, giảm 8% so với học kỳ mùa Xuân. Trong khi đó tỷ lệ dự định sử dụng ChatGPT tăng từ 43% lên 62%.
Đầu năm ngoái, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois ở Urbana-Champaign đã thực hiện một nghiên cứu để xem ChatGPT ảnh hưởng như thế nào đến việc gian lận trong một khóa học lập trình nhập môn. Kết quả, họ thấy rằng phần lớn sinh viên đều chuyển qua dùng ChatGPT so với các “nguồn đạo văn” khác như Chegg.
Nhà phân tích Ryan MacDonald của Needham cho biết có vẻ như những trở ngại của Chegg không phải là vấn đề tạm thời, mà nó đã ảnh hưởng đến bộ máy của doanh nghiệp này. Hồi tháng 6, Dan Rosensweig, tổng giám đốc hơn 10 năm của Chegg, đã từ chức vì cổ phiếu sụt giảm. Kế nhiệm là ông Nathan Schultz, một nhân viên lâu năm.
Khi lên nắm quyền, ông Schultz sa thải 441 nhân viên, gần 25% lực lượng lao động của Chegg. Đồng thời ông thúc đẩy dự án mở rộng quốc tế và vạch ra kế hoạch giúp Chegg trở thành công cụ hữu ích cho học sinh, chứ không đơn thuần là nơi giải bài tập về nhà.
Thuở ban đầu, Chegg là một bảng tin dành cho sinh viên Đại học Bang Iowa, với tên gọi được ghép từ “chicken” (con gà) và “egg” (quả trứng). Đến những năm 2000, Chegg trở thành công ty cho thuê sách giáo khoa. Mãi đến những năm 2010, họ mới bắt đầu dịch vụ cung cấp các bài giải trực tuyến do người học.
Ở thời điểm ấy, khoảng năm 2010, Rosensweig chuyển từ vị trí tổng giám đốc Yahoo sang quản lý Chegg. Ông xem Chegg như một công ty công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Ông chi rất tiền tiền để trả lương cho nhân viên và xuất hiện trong một chương trình thực tế.
Khoảng năm 2022, khi Chegg đang phải vật lộn với tình trạng hỗn loạn trong kinh doanh thời kỳ cuối đại dịch, các nhân viên đã đề xuất phát triển công cụ AI nhằm đưa ra đáp án tự động. Thế nhưng các lãnh đạo của Chegg đã từ chối. Khi ChatGPT mới được phát hành, Chegg cũng chưa cảm thấy nguy cơ vì lúc đó ChatGPT thường đưa ra đáp án sai.
Tuy nhiên trong vòng vài tháng, dữ liệu nội bộ của Chegg cho thấy sinh viên có xu hướng chuyển sang ChatGPT để hỗ trợ học tập. Khi ấy, công nghệ GPT-4 của ChatGPT thậm chí cung cấp những đáp án hoàn hảo hơn, điểm cao hơn so với những đáp án do chuyên gia người thật của Chegg biên soạn.
Vào khoảng thời gian ấy, Rosensweig đã gặp Sam Altman, CEO của OpenAI. Bộ đôi đồng ý phát triển một dịch vụ có tên Cheggmate. Công cụ này sẽ kết hợp kho lưu trữ hàng triệu đáp án của Chegg và GPT-4 của ChatGPT để nhanh chóng đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi mà người dùng yêu cầu.
Khi công cụ này mới bắt đầu được thử nghiệm, Rosensweig trong cuộc họp doanh thu hồi tháng 5 đã dự báo rằng ChatGPT bắt đầu ảnh hưởng đến sự tăng trưởng số lượng người đăng ký. Từ đó ông đưa ra dự báo về tình hình tài chính đến cuối năm. Ngay lập tức trong một ngày, cổ phiếu Chegg giảm 48%.
Trong cuộc họp doanh thu tiếp theo, Rosensweig cho biết công cụ AI của Chegg sẽ không tên Cheggmate nữa. Thay vào đó, ông công bố mối quan hệ hợp tác thứ hai với startup Scale AI. Công ty này sẽ giúp Chegg tạo ra hơn 20 hệ thống AI cho các ngành học thuật khác nhau. Cho đến hiện nay, lãnh đạo Chegg đang dần xa lánh Cheggmate và chỉ tập trung vào công nghệ đứng đằng sau công cụ này.
Chegg đang sử dụng AI do Scale AI phát triển để giải bài tập về nhà và các bài kiểm tra, thứ trước đây vốn dĩ là công việc của các chuyên gia người thật. Họ cũng cải tiến website, chào đón người truy cập với phần khung gõ văn bản tương tự ChatGPT.
Chegg cho biết việc sử dụng AI giúp quá trình cung cấp đáp án chỉ tốn khoảng 25% chi phí so với đáp án do con người tạo ra. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ mới vẫn chưa khắc phục tình trạng sụt giảm số người đăng ký. Trong quý 2, doanh thu của họ giảm 11%, mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ 2017. Quý 3 dự kiến doanh số giảm 15%.
Điều này có thể một phần vì những câu trả lời tự động. Một số sinh viên cho rằng họ thích câu trả lời tự động mà ChatGPT đưa ra hơn công cụ AI của Chegg đưa ra.
Mặc dù vậy, Chegg khẳng định 91% người dùng hài lòng với sản phẩm của họ. Schultz cho biết Chegg đang muốn nhắm đến những sinh viên cần nhiều thứ hơn là các câu trả lời miễn phí. Ông tiết lộ Chegg đang thực thi lộ trình tích hợp AI theo cách phù hợp nhất.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 15/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này