09:31 - 10/11/2021
Cách người Singapore giải bài toán nhân lực kỹ thuật số
Để duy trì khả năng cạnh tranh, Singapore sẽ cần thêm 1,2 triệu nhân viên có kỹ năng kỹ thuật số (KTS) vào năm 2025 – tăng 55% so với mức hiện nay.
Đó là nhận định trong báo cáo “Khai phá tiềm năng KTS khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Thay đổi nhu cầu kỹ năng KTS và cách tiếp cận chính sách” của Amazon Web Services, Inc. (AWS), công ty con của Tập đoàn Amazon.
Báo cáo của AWS cho biết, 1,2 triệu nhân viên có kỹ năng KTS là lực lượng lao động của Singapore cần sẽ thuộc 3 nhóm: (a) Người lao động không áp dụng bất kỳ kỹ năng KTS nào trong công việc của họ; (b) Người thất nghiệp hoặc không có việc làm khác sẽ cần phải đảm bảo việc làm mới vào năm 2025; (c) Người lao động trong tương lai như sinh viên ra trường sẽ gia nhập lực lượng lao động vào năm 2025. Như vậy, với nhu cầu đào tạo 2,2 triệu người lao động hiện tại có kỹ năng KTS bổ sung vào thời điểm đó, từ nay đến năm 2025 Singapore cần tổng cộng 23,8 triệu buổi đào tạo kỹ năng KTS.
Kỹ năng KTS từ cơ bản đến nâng cao
Cũng theo AWS, 35% buổi đào tạo như trên ở Singapore sẽ dành cho người lao động không có kỹ năng KTS và người chưa tham gia lực lượng lao động. Nhu cầu tăng nhanh nhất trong số lao động có kỹ năng KTS ở Singapore và các nước được khảo sát trong báo cáo này (như Nhật Bản và Ấn Độ) có thể là các kỹ năng về điện toán đám mây. Bởi các doanh nghiệp cũng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng vào năm 2025 cho các kỹ năng về dữ liệu, đám mây và an ninh mạng, nếu người lao động không tăng cường kỹ năng của họ trong các lĩnh vực này. Đối với những ai không có kỹ năng KTS hiện tại, có thể cần tập trung đào tạo họ khả năng sử dụng phần mềm và phần cứng KTS để phân tích dữ liệu.
Trong báo cáo, 51% người Singapore được hỏi thú nhận họ cần học các kỹ năng về điện toán đám mây để thực hiện công việc của mình vào năm 2025. Do đó, AWS khuyến nghị Singapore cần mở rộng sự sẵn có của các khóa đào tạo chuyên nghiệp bán thời gian để đào tạo các nhân viên có kỹ năng KTS hiện tại về các kỹ năng tạo nội dung KTS và đám mây; đưa ra các biện pháp khuyến khích để thay đổi tư duy của người sử dụng lao động đối với việc đào tạo kỹ năng; kết hợp tư duy sáng tạo như một phần của giáo dục kỹ năng KTS; đưa kỹ năng về đám mây và an ninh mạng vào thành phần chính trong chương trình giảng dạy đại học.
5 kỹ năng được yêu cầu hàng đầu ở Singapore vào năm 2025
Chính phủ Singapore nghiêm túc lắng nghe những khuyến cáo của AWS và tìm cách tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Ang Chin Tah, Giám đốc Digital Industry Singapore, cơ quan phối hợp của Cục Phát triển kinh tế (EDB), Enterprise Singapore và Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm, không chỉ AWS, nhiều công ty như Facebook, Dell và IBM cũng đã đồng ý hỗ trợ Singapore trong hành trình học tập này. Qua nhật báo The Straits Times (TST), ông Ang tiết lộ các công ty công nghệ hàng đầu tại Singapore đã cam kết đào tạo 10.000 nhân viên và bố trí công ăn việc làm, bao gồm ít nhất 2.600 người sẽ có công việc với chính họ hay với đối tác. Ông Ang lưu ý sẽ cần đến toàn bộ hệ sinh thái của các doanh nghiệp, trường học và cơ quan khu vực công để đào tạo nhân lực KTS.
Đơn cử, trong năm ngoái AWS đã tiến hành chương trình đào tạo và tư vấn cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và sẽ triển khai cho số lượng lớn hơn trong năm nay, chẳng hạn cho các chuyên gia có trình độ trung cấp. AWS cũng đang làm việc với các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện có. Trong năm 2020, công ty đã hợp tác với Ngân hàng DBS đào tạo khoảng 3.000 nhân viên về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning). Việc này cũng bắt đầu sớm cho học sinh phổ thông, với dự án thí điểm để triển khai chương trình giảng dạy tùy chỉnh cho điện toán đám mây ở 2 trường trung học Montfort và Regent. Khóa đào tạo này được xem như một phần của chương trình chính khóa được Bộ Giáo dục áp dụng cho tất cả trường trung học.
Theo ông Ang, Singapore đã mở rộng nguồn nhân tài KTS từ các trường đại học tự chủ của mình trong nhiều năm qua. Khoa học máy tính đã trở thành văn bằng có giá trị nhiều hơn, được phụ huynh và sinh viên coi trọng. Số lượng sinh viên đã tăng gấp 3 lần trong 5-10 năm qua. Ông cho rằng việc nắm bắt và chuẩn bị cho xu hướng này rất cần thiết, đặc biệt khi các ngành nghề liên quan công nghệ KTS đang sẵn sàng cho phát triển. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin và truyền thông tại Singapore đã thu hút cam kết đầu tư lên tới 1 tỷ SGD trong năm ngoái, so với 981 triệu SGD vào năm 2019.
Thật vậy, trong những năm qua các khoản đầu tư vào các công ty KTS của Singapore không suy giảm. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa khi con người phải sử dụng máy tính và lên mạng nhiều hơn. Cũng theo ông Ang, các công ty phương Tây nhận thấy họ cần điểm xuất phát để tiến vào Đông Nam Á và nơi họ hướng đến là địa điểm đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, ổn định, trung lập và kết nối với thị trường quốc tế. Bất chấp đại dịch Covid-19, các công ty như PayPal, Zoom, Twitter và cả những gã khổng lồ công nghệ như Tencent vẫn đổ bộ vào Singapore. Kinh tế trong đại dịch nhìn chung gặp nhiều khó khăn nhưng ngành này lại hoạt động tương đối tốt.
Theo bà Tan Lee Chew, Giám đốc điều hành dịch vụ khu vực công ASEAN của AWS, đầu tư vốn con người rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và toàn diện cho Singapore. Bà nói: “Đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi KTS và khẳng định vai trò của nó đối với nền kinh tế. Chúng ta đang thấy công nghệ trở nên đa ngành hơn ngay cả trong thế giới phi công nghệ. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các kỹ năng KTS đang nhanh chóng trở thành tác nhân quan trọng”.
——-
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này