08:17 - 15/05/2020
Các nước châu Á ứng phó tốt với Covid-19 nhờ công nghệ
Công nghệ đã giúp các nước châu Á ứng phó kịp thời hơn trước những diễn biến của đại dịch Covid-19.
Công ty tư vấn quản lý hàng đầu của Mỹ McKinsey & Company trong báo cáo mới nhất vừa được công bố đã nêu ra một số lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách cũng như các công ty ở châu Á đã dựa vào công nghệ để bảo vệ sức khỏe người dân và công việc trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
“Tốc độ triển khai công nghệ đã giúp một số nước châu Á phản ứng nhanh chóng với sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch và cho phép họ đối phó tốt hơn một chút so với những nơi khác. Có một điều chúng ta cần nhận thức rõ ràng, đó là chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của đại dịch và cuộc chiến này sẽ còn lâu dài, Nhưng công nghệ đã giúp đỡ chúng ta”, Oliver Tonby, Chủ tịch McKinsey & Company khu vực châu Á, nói với CNBC.
Dưới đây là một số cách nổi bật mà công nghệ đã giúp các nước châu Á đối phó đại dịch Covid-19 được nêu ra trong báo cáo.
Truy tìm và kiểm tra
Công nghệ đã tạo điều kiện triệt để cho các chính phủ theo dõi những trường hợp nhiễm bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là truy tìm mối liên hệ chặt chẽ của họ với những người khác trong khoảng thời gian nghi nhiễm, và cách ly tất cả cá nhân được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Trong báo cáo, ông Tonby đã đề cập đến ứng dụng truy tìm liên lạc sử dụng công nghệ Bluetooth TraceTogether của Singapore, cũng như các trung tâm kiểm tra drive-through, một loại phương thức dịch vụ mà người ngồi trong xe không cần phải ra khỏi xe, được Hàn Quốc áp dụng để tiến hành kiểm tra hàng loạt.
“Đây chỉ là hai trong số nhiều ví dụ mà chúng tôi đã thấy được áp dụng ở châu Á để theo dõi, kiểm tra dịch bệnh tốt hơn. Ngoài ra, họ còn sử dụng GPS để giám sát việc cách ly xã hội. Hiện một số nước châu Á, bao gồm cả Hàn Quốc, đang chứng kiến sự hồi sinh trở lại”, ông Tonby nói.
Kết hợp các nguồn lực
Theo báo cáo của McKinsey, có sự gia tăng về năng lực chăm sóc sức khỏe và điều trị vì công nghệ đã giúp các bệnh viện tập hợp nguồn lực lại với nhau. Ví dụ, nhiều bác sĩ từ các vùng khác ở Trung Quốc đã đã sử dụng kết nối internet tốc độ cao để tiến hành thăm khám, tư vấn y tế trực tuyến từ xa cho bệnh nhân nhiễm virus gây dịch Covid-19 ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, khi thành phố này bị phong tỏa và thiếu hụt đội ngũ y tế.
Chia sẻ thông tin
Một đóng góp quan trọng khác phải kể đến, đó là công nghệ đã cho phép một số nước châu Á chia sẻ thông tin minh bạch, kịp thời hơn về sự bùng phát và diễn biến của đại dịch. Cụ thể, báo cáo của McKinsey đã chỉ ra cách 22.000 nhà thuốc ở Hàn Quốc cung cấp dữ liệu để chính phủ cho mọi người biết mỗi nhà thuốc đang có bao nhiêu khẩu trang nhằm tránh các cuộc tụ họp lớn, chờ đợi để mua sản phẩm. Bộ Y tế ở Úc và Singapore cập nhật thông tin về dịch bệnh thông qua kênh WhatsApp chính thức.
Báo cáo cũng nhấn mạnh những lĩnh vực khác đã tận dụng sức mạnh công nghệ như giáo dục trực tuyến, bán hàng trực tuyến, số hóa các dịch vụ, cách nhiều công ty chuyển sang làm việc trực tuyến và cách một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ để bố trí lại nhân lực từ phân khúc kinh doanh này sang phân khúc kinh doanh khác để giữ an toàn cho người lao động. “Chúng tôi thực sự thấy các công ty đã làm tất cả những gì có thể để số hóa sản phẩm và dịch vụ”, ông Tonby nói.
Theo McKinsey, châu Á đã tích cực phát triển và nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Trong 10 năm qua, khu vực này chiếm tỷ trọng cao nhất về tăng trưởng toàn cầu trong các lĩnh vực bao gồm doanh thu của công ty công nghệ, tài trợ vốn mạo hiểm, chi tiêu nghiên cứu và phát triển, và số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế. Châu Á cũng chiếm 58% về số lượng người dùng internet tuyệt đối trong giai đoạn từ 2014 đến 2019.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này