22:08 - 24/10/2019
Các công ty công nghệ của Việt Nam bắt kịp xu hướng 4.0
Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực.
Tại Hội nghị Phát triển dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam 2019, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới và lợi thế có gần 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và tiếp tục tăng mỗi năm, Việt Nam đang có tỷ lệ những công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á.
Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI/ML), IoT, Blockchain), chuyển đổi số…
Điều này mở ra cơ hội vàng để ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới – Innovation Hub” hàng đầu tại Đông Nam Á.”
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á.
Theo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019, Việt Nam xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, tăng 3 bậc so với năm 2018. Việt Nam cũng đã tăng một bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia theo Khảo sát chỉ số phát triển Chính phủ điện tử 2018 của Liên hợp quốc và Việt Nam đạt điểm cao về Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) và Chỉ số tham gia điện tử (EPI) (tăng từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm).
Còn theo báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain & Company công bố vừa qua, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm nay, tăng tới 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% hàng năm. Trong khi đó, 2 nền kinh tế số Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40% một năm.
Ở góc độ địa phương, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho hay, TP.HCM luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới và bùng nổ khởi nghiệp, số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Thành phố cũng đã xây dựng một chương trình bốn năm (2016 – 2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Với vai trò là cầu nối mở rộng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với quốc tế, ITPC cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Việt Nam về những công nghệ mới đến với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt chưa từng có với tốc độ phát triển nhanh, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. Trước sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội và thách thức cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, sự thay đổi không ngừng của công nghệ đã và đang hình thành một thế giới thông minh; số hóa tất cả dữ liệu thông tin và kết nối với nhau; ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin… Trong đó, thúc đẩy công cuộc đổi mới, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để Việt Nam hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Nhân Phương (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Bỏ ngỏ quản lý dòng tiền số khổng lồ
Mỹ liệt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc vào ‘danh sách đen’
Nhiều website gỡ nút đăng nhập bằng Facebook
Dân Trung Quốc lo rò rỉ dữ liệu cá nhân khi thanh toán bằng mã QR
Tỉnh táo dòng vốn cho startup
Tags:startup công nghệ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này