10:06 - 28/08/2024
Các BigTech ở Đông Nam Á vẫn gặp khó
Các BigTech ở Đông Nam Á đang nỗ lực duy trì sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Tâm lý thận trọng tăng cao do căng thẳng địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô mong manh ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp công nghệ đang tìm cách huy động vốn. Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động huy động vốn trong khu vực đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu của Grab Holdings của Singapore và GoTo của Indonesia lần lượt giảm 2% và gần 40% trong năm nay mặc dù công bố mức lỗ nhỏ hơn trong quý 2. Trong khi đó, Sea, công ty cùng ngành với Grab, đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình tăng gấp đôi trong năm nay nhưng vẫn thấp hơn 75% so với mức đỉnh được ghi nhận vào tháng 11/2021.
Theo ông Ranjan Sharma, chuyên gia nghiên cứu vốn cổ phần công nghệ Đông Nam Á tại JPMorgan: “Các nhà đầu tư vẫn rất coi trọng các công ty có khả năng mở rộng thị trường tiềm năng. Hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự kiểm tra chặt chẽ hơn về các khoản đầu tư và tuyên bố về tăng trưởng lợi nhuận cũng như cơ hội thị trường.”
Grab, Sea và GoTo đã gặp phải những phản ứng khác nhau của thị trường. Điều này đã làm nổi bật nhận thức khác nhau của các nhà đầu tư về triển vọng của họ.
Ông David Materazzi, Giám đốc điều hành Galileo FX nhận định: “Sea được coi là có mô hình kinh doanh mạnh mẽ và có khả năng mở rộng hơn. Mặc dù tập đoàn này có nhiều thách thức, nhưng dường như gần đạt được lợi nhuận bền vững hơn”.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, Grab và GoTo được coi là đang ở trong tình thế bấp bênh hơn, với các chiến lược hiện tại vẫn chưa thuyết phục được thị trường về khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định.
Grab báo cáo rằng khoản lỗ hoạt động của công ty đã giảm 68% trong quý II, xuống còn 56 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích từ bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC tin rằng công ty này có thế mạnh về “các sản phẩm sáng tạo” như các chương trình chia sẻ chuyến đi và các gói đăng ký cho các mảng kinh doanh của mình để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cao hơn trong tương lai, mặc dù rủi ro vẫn còn.
GoTo niêm yết tại Indonesia, giống như Grab cho biết khoản lỗ trong quý II đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng GoTo cần nỗ lực nhiều hơn nữa, chứ không chỉ thu hẹp khoản lỗ; đồng thời cần trở nên cạnh tranh hơn và cải thiện các yếu tố cơ bản để bắt đầu có lãi.
Theo Marcus Wolter, Giám đốc công ty luật tư vấn doanh nghiệp Caldwell, thách thức của GoTo là tích hợp hiệu quả các mảng kinh doanh từ thương mại điện tử, gọi xe và dịch vụ tài chính để tạo tiền đề cho việc đạt được lợi nhuận bền vững.
“Thị trường có thể hoài nghi về khả năng tích hợp các hoạt động của GoTo, đặc biệt là khi xét đến áp lực cạnh tranh ở Indonesia”, Wolter đánh giá.
Trong khi đó, Sea đã có sự thay đổi sau khi thường xuyên báo cáo lợi nhuận kể từ quý cuối của năm 2022. Lãi ròng của công ty này trong quý 2 đạt 79,9 triệu USD.
Công ty này kỳ vọng nền tảng mua sắm trực tuyến Shopee sẽ tạo ra giá trị doanh số lớn hơn trong năm nay so với dự báo trước đó vào tháng 3.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Sea là một công ty công nghệ đặc biệt ở Đông Nam Á khi có thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến và mua sắm trực tuyến”, các nhà nghiên cứu của Jefferies lưu ý.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các công ty công nghệ ở Đông Nam Á vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, nhất là trong việc gọi vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Ngày đăng: 28/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này