12:30 - 18/09/2024
Bài học đằng sau Flappy Bird tái xuất
Flappy Bird tái xuất, thế nhưng cha đẻ Nguyễn Hà Đông tuyên bố không liên quan. Đó là một bài học về vấn đề bảo vệ bản quyền trí tuệ.
GameTech là công ty có trụ sở tại New York, Mỹ. Cái tên này khiến cộng đồng chú ý khi ngày 12/9, họ tuyên bố sở hữu bản quyền Flappy Bird, một tựa game nổi tiếng toàn cầu vốn xuất phát từ nhà phát triển Việt Nam Nguyễn Hà Đông. Sau khi tuyên bố bản quyền, GameTech tiếp tục cung cấp giấy phép cho một tổ chức có tên Flappy Bird Foundation Group để phát triển phiên bản game mới cùng tên vào năm sau.
Sự việc có lẽ sẽ không tốn nhiều giấy mực nếu Nguyễn Hà Đông không lên tiếng khẳng định bản thân không liên quan đến dự án mới, đồng thời phủ nhận việc bán đi thương hiệu Flappy Bird.
Những thông tin này khiến nhiều người thắc mắc về cách thức GameTech sở hữu bản quyền Flappy Bird. Sau đó, câu trả lời đã xuất hiện trong một bài đăng trên X của tài khoản Samperson.
Thông qua các văn bản được công bố trên website của Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), người ta phát hiện ra GameTech sở hữu nhãn hiệu Flappy Bird bằng cách kiện tác quyền, ngày nộp đơn là 29/9/2023. Khi xảy ra kiện tụng, một điều hiển nhiên là phía chức trách sẽ liên hệ với Nguyễn Hà Đông, người đang là chủ sở hữu thương hiệu. Thế nhưng phía ông lại không có bất kỳ phản hồi nào. Do đó USPTO xem đây là hành động từ bỏ. Ngày 12/1/2024, họ phán quyết GameTech nhận được bản quyền nhãn hiệu Flappy Bird cho nhiều hạng mục.
Trong đơn gửi nhà chức trách, GameTech tuyên bố họ mới là bên đăng ký bản quyền cho Flappy Bird trước, vào ngày 10/2/2014. Còn phía Nguyễn Hà Đông đến ngày 4/3/2014 mới xin bản quyền. Đến ngày 27/3/2018, giấy đăng ký của GameTech được USPTO chấp thuận. Đến cuối năm 2023, họ tiến hành kiện tác quyền để phủ quyết quyền của Nguyễn Hà Đông với thương hiệu Flappy Bird. Ngoài ra họ cũng viện dẫn việc ông từng nhiều lần chia sẻ công khai rằng bản thân không còn sử dụng nhãn hiệu Flappy Bird nữa.
Mặc dù GameTech thắng kiện, nắm được bản quyền và đưa ra các bằng chứng ủng hộ, thế nhưng nhiều người vẫn chỉ ra một số điểm bất thường.
Thứ nhất là về thời điểm. GameTech cho biết họ nộp đơn đăng ký bản quyền vào tháng 2/2014. Thế nhưng từ tháng 5/2013, game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đã xuất hiện. Thời điểm ban đầu nó còn chưa tạo nên bọt sóng gì, chỉ đến tháng 1/2014 mới thực sự bùng nổ.
Thứ hai là tài liệu xin bản quyền. Nhãn hiệu GameTech đăng ký là Flappy Bird dưới thiết kế phông chữ có chân. Trong khi đó nhãn hiệu Flappy Bird mà Nguyễn Hà Đông đăng ký là kiểu logo trò chơi dưới dạng ảnh pixel 8 bit cùng biểu tượng chú chim màu đỏ. Điều đáng quan tâm là sau khi nhận được bản quyền, phía GameTech lại phát triển trò chơi với hình họa và logo theo phong cách Flappy Bird Nguyễn Hà Đông.
Đồng thời, dự án tái xuất cũng gây hiểu lầm khi GameTech quảng cáo rằng đây là phiên bản mới của Flappy Bird 10 năm về trước, trong khi bản quyền mà GameTech có được tách biệt hoàn toàn với sản phẩm mà Nguyễn Hà Đông xây dựng.
Không chỉ những bất cập trên, tựa game Flappy Bird còn dính phải làn sóng chỉ trích vì gắn với NFT. Đây là thể loại bị xem là một hình thức “hút máu” game thủ, dễ bị biến tướng thành lừa đảo và có chất lượng không cao.
Bất chấp những điều này, có một sự thật đáng buồn nhưng không thể chối cãi rằng Nguyễn Hà Đông đã mất đi bản quyền đối với sản phẩm game có thể xem là thành công nhất của ông.
Khi ra mắt Flappy Bird năm 2013, ông không bao giờ nghĩ nó có thể nổi tiếng kinh khủng như vậy. Mất vài ngày xây dựng phát triển và vài tháng tạo tiếng vang, Flappy Bird đem đến thành công ngoài sức mong đợi. Nó trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store lẫn Play Store năm 2014, đánh bại cả những ứng dụng đắt tiền cho các bên sừng sỏ khác xây dựng. Người ta ước tính ở thời điểm đó, Nguyễn Hà Đông kiếm về tận 50.000 đô mỗi ngày nhờ Flappy Bird.
Thế nhưng thành công quá nhanh và quá đột ngột đã khiến ông cảm thấy bị choáng ngợp. Cùng lúc đó, ông phải chịu những chỉ trích, những cáo buộc cho rằng ông đạo game Nintendo.
Không chịu đựng nổi, Nguyễn Hà Đông tuyên bố Flappy Bird đã xáo trộn cuộc sống đơn giản của ông, sau đó rút Flappy Bird ra khỏi thị trường. Hành động của ông được tóm gọn bằng một bình luận: “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”.
Mặc dù bị rút khỏi thị trường, thế nhưng Flappy Bird vẫn được biết đến rộng rãi, người chơi vẫn yêu thích. Hay nói cách khác, chỉ có Nguyễn Hà Đông ngó lơ Flappy Bird, còn thực tế thương hiệu này vẫn rất có giá trị. Một thứ có giá trị, lại đang bị treo lơ lửng, chắc chắn sẽ không thể thoát khỏi tầm ngắm của các bên.
Có lẽ nếu Nguyễn Hà Đông tham gia một chương trình khởi nghiệp vào năm 2013, ông sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn, biết cách làm sao để quản lý dòng tiền tăng đột ngột, danh tiếng, sự chú ý của truyền thông, v.v.. Thế nhưng đáng buồn là điều đó đã không xảy ra.
Câu chuyện về Flappy Bird là một bài học, một lời cảnh tỉnh rõ ràng cho việc quản lý các quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng ai biết rằng IP đó sẽ có giá trị ra sao trong tương lai, các công ty khác ao ước sao chép thế nào. Vậy nên hãy thực hiện những động thái đúng và đủ, để những thứ của mình có thể mãi mãi nằm trong quyền kiểm soát của mình.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 18/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này