09:59 - 26/07/2022
Ấn Độ và Mỹ ‘so kè’ trên thị trường giáo dục trực tuyến
Các quy định của chính phủ Trung Quốc đã chính thức loại các startup công nghệ giáo dục (edtech) của đại lục, nhường lại sân chơi toàn cầu cho các startup Ấn Độ và Mỹ.
Hai thế lực chính trong ngành edtech đang cố gắng xâm nhập thị trường của đối phương và mở rộng thị phần toàn cầu bằng những chiến thuật khác nhau.
Giáo dục trực tuyến ở Ấn Độ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ của thị trường toàn cầu.Điều này đã thôi thúc các startup Ấn Độ dấn bước, kéo nhau ra nước ngoài gầy dựng sự nghiệp. Hãng nghiên cứu Redseer ước tính thị trường Ấn Độ sẽ đạt 3,5 tỷ đô la trong năm nay, trong khi Grand View Research định rằng thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu đạt giá trị 106 tỷ đô la trong năm ngoái.
Chiến trường trọng điểm là ở Mỹ
Theo hãng dữ liệu Tracxn, khoảng 8,5 tỷ đô la đã được rót cho các công ty edtech của Ấn Độ trong giai đoạn 2014 – 2021, với khoảng một nửa trong số đó chỉ trong năm 2021. Nhờ nguồn vốn dồi dào này, các startup edtech của Ấn Độ đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng thị trường ở nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, các hãng Mỹ như Chegg, 2U, Udemy và Coursera cũng bắt đầu đổ bộ lên thị trường Nam Á khi tỷ lệ dân số sử dụng mạng của Ấn Độ ngày một tăng. Theo hãng dữ liệu Statista, Ấn Độ đứng thứ hai sau Trung Quốc nhưng xếp trên Mỹ về số lượng người dùng Internet. Sự đối đầu giữa các startup Mỹ và Ấn Độ cũng đang diễn ra trên các “chiến trường” khác ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
CEO Krishna Kumar của Slimplilearn khuyến cáo rằng việc tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc ở thị trường Mỹ không phải là quá khó khăn đối với các công ty Ấn Độ. Được quỹ đầu tư Blackstone hậu thuẫn, nền tảng cung cấp các khóa học chuyên biệt này đã xâm nhập thị trường Mỹ từ hơn 10 năm trước.
Nhưng bao giờ cũng vậy, nói dễ hơn làm. Vaibhav Domkundwar, người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Better Capital, nói rằng cạnh tranh ngày càng gia tăng ở Mỹ. Các startup edtech của Mỹ đã huy động được khoảng 7 tỷ đô la trong năm ngoái, tức gần gấp đôi con số ở Ấn Độ. “Thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng các thương hiệu toàn cầu có thể là một thách thức, cùng với nhiệm vụ sản xuất nội dung được bản địa hóa”, nhà sáng lập Better Capital nhận định.
Các startup Ấn Độ đang dựa vào nguồn tiền khủng trong năm ngoái, cũng như thế mạnh chi phí thấp khi vận hành mọi thứ từ Ấn Độ.
Byju’s đã chi khoảng 750 triệu đô la kể từ năm 2019 để mua ba công ty giáo dục ở Mỹ. Bloomberg đưa tin Byju’s cũng sớm đàm phán để mua lại Chegg đang niêm yết tại Mỹ và cũng đã tiếp cận 2U.
Được định giá 3,2 tỷ đô la trong lần gọi vốn gần nhất, nền tảng giáo dục trực tuyến Emeritus đã chi 200 triệu đô la trong năm ngoái để thâu tóm iD Tech – nền tảng cung cấp các khóa học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) tại Mỹ. CEO Ashwin Damera của Emeritus cho rằng thị trường bên ngoài nước Mỹ còn rộng lớn hơn. “Cơ hội giáo dục toàn cầu, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, và sau đó là châu Á và Mỹ Latinh, thật sự lớn hơn ở Mỹ rất nhiều”, Damera nói. Ông cho biết thêm rằng khoảng 40% khách hàng của Emeritus đến từ Ấn Độ và thị trường châu Á, chỉ khoảng 30% từ Mỹ.
Động cơ tăng trưởng là châu Á
Các công ty edtech lớn nhất của Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ và Đông Nam Á khi tăng trưởng ở thị trường Mỹ chậm lại sau đợt tăng trưởng mạnh mẽ trong dịch Covid. Thị trường đại lục vốn đã khó thâm nhập, nay vật cản lớn hơn là các đợt trấn áp và các quy định nghiêm ngặt với các startup edtech, nhất là lệnh cấm dạy thêm.Chính phủ Ấn Độ đang có những động thái riêng để kiểm soát chặt chẽ hơn mảng giáo dục trực tuyến.Các nền tảng trực tuyến hợp tác với các trường đại học Ấn Độ cung cấp các khóa học phải được cơ quan quản lý phê duyệt. Coursera đã nhấn mạnh trong báo cáo lợi nhuận quý 1/2022 rằng các quy định như vậy có thể ngăn cản sự tăng trưởng của startup này. Tuy nhiên, các quy định của New Delhi dường như vẫn dễ thở hơn so với Bắc Kinh.
Với 15,7 triệu người dùng đã đăng ký tính đến tháng 6/2022, Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai của Coursera. Số người dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Coursera đã vượt quá thị trường Mỹ. “Ấn Độ cũng xếp hạng cao nhất về mức tăng trưởng người học mới trên toàn cầu”, Coursera cho biết trong báo cáo công bố hồi tháng 9/2021. Dự báo doanh thu sẽ 10% trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 12/2022, startup Chegg nói rằng sẽ dựa vào châu Á để tăng trưởng khi thị trường Mỹ có thể đối diện suy thoái.
“Với mức lương đang tăng cao và vật giá cũng đang leo thang, ngày càng có nhiều người Mỹ dành ưu tiên cho việc kiếm tiền hơn là học tập. Nhưng thị trường ở đây sẽ gặp nhiều thách thức hơn thị trường quốc tế”, CEO Dan Rosensweig nói. Vị CEO cho rằng các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia và Philippines đang là thị trường tiềm năng.
Xác định mô hình kinh doanh
Một nhà đầu tư mạo hiểm giấu tên nói với Nikkei Asia rằng việc định giá giảm khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Tình cảnh này buộc các startup phải thắt lưng buộc bụng, thu hẹp quy mô hoạt động.
Các startup edtech tỷ đô của Ấn Độ bắt đầu cắt giảm việc làm và ngừng mở rộng. Kỳ lân Unacademy do SoftBank hậu thuẫn đã sa thải khoảng 1.000 người và quyết định chấm dứt mảng luyện thi toàn cầu. Byju’s, hãng giáo dục trực tuyến tư nhân có giá trị nhất thế giới với định giá 22 tỷ đô la, đã sa thải khoảng 500 người. Nếu như năm ngoái vốn ào ào đổ về, thì trong đợt gọi vốn tháng rồi Byju’s đã phải chờ đợi lâu hơn. Chỉ mới 11 trên 13 nhà đầu tư đã chuyển vốn và số vốn nhận được hiện chỉ bằng 2/3 tổng vốn cam kết.
Dòng vốn đầu tư vẫn chảy, ít hơn nhưng chắc rằng sẽ không đứt quãng.Ngoài thị trường Mỹ, các startup Ấn Độ cũng tăng cường thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Các startup ASEAN đã huy động được khoảng 984 triệu đô la trong năm ngoái. Tuy không có “nhiều đạn” như các đối thủ Ấn Độ, nhưng bù lại startup ASEAN có lợi thế là hiểu rõ thị trường địa phương.
Các thương vụ mua bán trong ngành cũng tấp nập diễn ra. Great Learning, hãng con thuộc Byju’s, đã mua lại Northwest Executive Education có trụ sở tại Singapore với giá 100 triệu đô la. Công ty cũng đã ký thỏa thuận với Cơ quan Đầu tư Qatar, cũng là nhà đầu tư vào Byju’s, để thành lập liên doanh tại Doha nhằm khai thác thị trường Trung Đông và Bắc Phi. Hai nền tảng Teachmint và Classpluss cũng đã gia nhập thị trường Đông Nam Á trong sáu tháng qua.
CEO Kumar của Simplilearn nói rằng để thành công, các công ty cần phải tùy chỉnh nội dung để phù hợp với nhu cầu của người học.Thuê giáo viên bản địa hoặc phát triển các khóa học tương tác có thể giúp ích rất nhiều trong việc giành giật từng học viên.
Còn CEO Damera của Emeritus cho rằng các startup từ Silicon Valley sẽ khó thành công ở các thị trường khác bên ngoài nước Mỹ nếu bê nguyên xi mô hình của thị trường Mỹ. “Tôi không nghĩ làm vậy lại hiệu quả. Mỗi thị trường khác nhau sẽ có những đặc tính khác nhau. Chúng tôi đến từ Ấn Độ và chúng tôi hiểu rõ điều đó”.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này