22:05 - 17/12/2015
AEC: Không chỉ lo cạnh tranh với bên ngoài
Sáng 17.12, tại TP. HCM, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức hội thảo: ACE – những câu hỏi nóng cho 2016 . Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực thực thi cuối năm nay.
Hai diễn giả chính trong chương trình là TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) và TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES). Theo các diễn giả, khi AEC có hiệu lực, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Các doanh nghiệp Việt Nam lập tức phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa trong khối ASEAN. Không chỉ hàng hoá, doanh nghiệp còn đứng trước cạnh tranh về nguồn nhân lực khi có 8 nhóm ngành nghề lao động được quyền tự do di chuyển và tự do làm việc tại các nước trong khu vực: kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch.
Hầu hết Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN từ lâu đã có những bước chuẩn bị cho AEC.
Trong khi đó, tại Việt Nam, về phía doanh nghiệp, một khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) cho biết, có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AEC không có ảnh hưởng đáng kể đến việc kinh doanh của mình. Một thái độ được đánh giá là chủ quan và thờ ơ.
Về phía Chính phủ, AEC không đặt ra nhiều áp lực cải cách, nhưng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do – FTA đang được đàm phán và ký kết, đặc biệt là TPP, doanh nghiệp có quyền kỳ vọng cải cách thể chế được đẩy mạnh, và môi trường kinh doanh sẽ trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng chính sách có, nhưng không được thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa phải đối phó với thị trường bên ngoài, vừa phải lo tháo gỡ những trói buộc về chính sách trong nước, chẳng hạn như về chính sách đất đai…
Bà Tôn Nữ Thị Ninh – người từng giữ các chức phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ tại Liên Minh Châu Âu – bày tỏ lo ngại khi Việt Nam đàm phán và ký quá nhiều các FTA: “Cải cách có theo kịp không?…”
Ông Nguyễn Thể Hà, công ty Bùi Văn Ngọ nói: “Với thị trường bên ngoài, tôi ứng phó được, với sản phẩm chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Nhưng trong nước, chúng tôi cần nhà nước gỡ những chuyện thật cụ thể…”.
Đây là chương trình tiếp tục chuỗi hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức cũng như giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn sức ép cạnh tranh của thị trường ASEAN với 620 triệu dân.
Thanh Trúc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này