13:27 - 24/02/2016
5 năm tới là câu chuyện doanh nghiệp sáng tạo – hội nhập
Chủ trì cuộc họp là bộ trưởng Nguyễn Quân và lãnh đạo các cục, vụ: tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cục Sở hữu trí tuệ, cục Thông tin Khoa học công nghệ quốc gia (KHCNQG), cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, vụ Phát triển khoa học công nghệ địa phương, văn phòng Các chương trình KHCNQG.
Đại diện Hội và BSA là bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN HVNCLC và ông Nguyễn Phạm Hà Minh, phụ trách dự án Đổi mới sáng tạo.
Sau khi Hội trình bày tổng hợp 65 hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo hơn hai năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã phát biểu: “Từ 5 – 7 năm nay, bộ đã xác định DN là trung tâm quá trình đổi mới công nghệ, và từ chỗ là nguồn cầu của thị trường công nghệ, nay thậm chí trở thành nguồn cung công nghệ vì DN để cạnh tranh đã tự đầu tư, tạo ra công nghệ, đi trước viện trường”.
“Từ thoả thuận với Hội và BSA, đến nay đã làm được rất nhiều việc, trong đó, rõ nhất là Techmart quốc tế 2015 vừa rồi, đã có đột phá mạnh mẽ, được xã hội, cộng đồng quốc tế và giới truyền thông đánh giá rất cao, so với tất cả các kỳ Techmart đã làm trước đó”.
“Hợp tác với Hội, với DN đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động của bộ, nên thắt chặt quan hệ với DN thời gian tới là điều tất yếu. Gần đây, Chính phủ cũng nói nhiều đến khởi nghiệp quốc gia, đây cũng là lãnh vực mà BSA có nhiều hoạt động. Các đơn vị của bộ đã thấy rõ hiệu quả hợp tác thì từ năm 2016, cần có những kế hoạch phối hợp cụ thể và hiệu quả”.
Cục trưởng trung tâm KHCNQG, ông Lê Xuân Định đánh giá: qua phối hợp với BSA làm Techmart, chúng tôi thấy rõ là đã tìm được đường đến với DN, đã giúp viện trường nghĩ lại về cách “tiếp thị” sản phẩm của mình đối với DN và xã hội cũng đã thừa nhận DN là nguồn cung công nghệ.
Các cục, vụ khác có ý kiến: qua các chương trình cụ thể được giao, nhận thấy, thông qua hợp tác với Hội, có thể thu thập thông tin sát thực về tình hình đổi mới sáng tạo trong DN, tìm hiểu về nhu cầu đào tạo của DN để đổi mới công nghệ, cũng như thực hiện việc xây dựng lộ trình, đo tốc độ đổi mới công nghệ, vẽ bản đồ công nghệ hay bản đồ sáng chế, hiểu rõ nhu cầu về công nghệ của DN.
Thông qua sự thông hiểu DN của hội, bộ có thể tìm đúng những DN phù hợp để hỗ trợ nhiều mặt mà theo ông Quang, vụ phó vụ Địa phương: “Nhiều địa phương không rõ đâu là điểm nhấn trong hoạt động khoa học công nghệ và rất lúng túng trong tiếp cận DN như chương trình xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, tìm đúng DN để hỗ trợ rất khó khăn”.
Các cục, vụ đều mong muốn qua Hội mà tiếp cận, mời DN tham gia các hoạt động và nhận hỗ trợ, sẽ dễ thu thập thông tin, nghe ý kiến phản hồi để kiến nghị chính sách tốt hơn.
Về phần Hội, khi hợp tác với Bộ, Hội được tư vấn, hỗ trợ về kiến thức chuyên môn và từ năm 2016, qua các chương trình phối hợp cụ thể, có thể tiếp cận các điều kiện, nguồn lực mà chính sách đổi mới công nghệ quốc gia có quy định.
Hội nghị thống nhất cần tiến hành hợp tác giai đoạn 2 vì mang lại thuận lợi lớn cho bộ cũng như Hội, để nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo cho DN, tăng sức cạnh tranh cho DN giai đoạn hội nhập mới.
Sau đó, hội cũng tập trung giới thiệu về một chương trình mới từ năm 2016.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo – hội nhập (2016 – 2020)
Kể từ năm thứ 20 của chương trình HVNCLC, quan niệm về chất lượng đã phát triển, môi trường cạnh tranh hội nhập đặt ra các yêu cầu mới hơn, Hội DN HVNCLC quyết định xây dựng một chương trình mới: chương trình hỗ trợ DN Sáng tạo – Hội nhập (Innovation and Intergration business supporting), nhằm tạo lợi thế mới trong cạnh tranh của DN, ngoài yếu tố chất lượng còn tăng thêm yếu tố đổi mới sáng tạo để hội nhập thị trường.
Chương trình nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo nội tại của DN, thúc đẩy thương mại hoá thành công các sản phẩm nghiên cứu của viện trường hay của chính DN, từ đó tăng nguồn cung có chất lượng cho thị trường công nghệ, từng bước hình thành thị trường công nghệ.
Hai năm đầu, tập trung đối tượng sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm nông nghiệp. Trong đó nòng cốt là các DN HVNCLC cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, để đổi mới sáng tạo thành công và đạt hiệu quả thị trường. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ cho các DN khoa học công nghệ, hay DN đạt giải thưởng chất lượng quốc gia muốn nâng cao năng lực thị trường.
Chương trình đưa ra danh hiệu “Doanh nghiệp sáng tạo – hội nhập” (do BSA trách nhiệm xây dựng triển khai với sự bảo trợ của bộ KHCN).
DN muốn đạt danh hiệu, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chí: chất lượng cao – đổi mới sáng tạo hiệu quả và hội nhập thị trường thành công.
Yếu tố đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được xem xét qua các tiêu chí: đầu tư công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, cụ thể là đầu tư tài chính và con người để ứng dụng, chuyển giao công nghệ… Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đạt hiệu quả về năng suất, doanh số, lợi nhuận, tạo ra việc làm, bán hàng tốt hơn, người lao động có thu nhập cao hơn…
Về yếu tố Hội nhập thành công: thể hiện ở việc có thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường nội địa, tham gia được chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đã xây dựng hệ thống phân phối căn cơ, bền vững.
Hỗ trợ DN sáng tạo – hội nhập là một chương trình gồm: Hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập thị trường của các DN đã có năng lực đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong DN có thực lực thị trường (như DN HVNCLC). Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu và sản phẩm sáng tạo. Hỗ trợ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ theo chuỗi giá trị. Và cuối cùng là Hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Nhiều ý kiến từ các cục, vụ góp ý cho kế hoạch hỗ trợ này, đưa ra các yêu cầu cụ thể, bàn sâu về tiêu chí, về mở rộng ngành, lãnh vực và không gian hoạt động. Các ý kiến thống nhất là hiện nay, BSA cần thực hiện chương trình DN sáng tạo hội nhập với sự bảo trợ của bộ KHCN, và đưa chương trình hỗ trợ này thành một phần thiết yếu trong thoả thuận mới giữa bộ KHCN và Hội DN.HVNCLC cho giai đoạn 2016 – 2020.
Kết luận hội nghị, bộ trưởng Nguyễn Quân nêu ý kiến: quá trình hơn hai năm hợp tác đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và có sự tin cậy làm tiền đề cho giai đoạn tới.
Các cơ quan của bộ nên đưa vào khung hợp tác các kế hoạch cụ thể để phối hợp trên cơ sở nhu cầu của DN. Bộ cố gắng nghiên cứu lồng ghép tất cả các chương trình hợp tác có liên quan DN với Hội vào kế hoạch công tác năm nay và cả những năm sau cũng theo nếp như vậy. Phối hợp cả về nội dung công việc lẫn nguồn kinh phí.
Thoả thuận được công bố HVNCLC 2016. Chi tiết các hoạt động phối hợp cụ thể với từng chương trình của bộ sẽ được chi tiết hoá, tiếp tục thống nhất trong tháng 3 để bắt tay thực hiện ngay với lộ trình 2016 – 2020.
PV
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này