10:36 - 13/01/2021
Thời đã đến với thời trang nhanh Trung Quốc?
Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang đổ bộ thị trường thời trang nhanh (fast fashion) toàn cầu với các dòng sản phẩm dồi dào có giá rẻ chưa từng thấy, cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu lâu năm như Zara hay H&M.
Khó cạnh tranh ngay cả trên thị trường sân nhà, nhiều hãng thời trang Trung Quốc chọn chiến lược phát triển hoàn toàn ở thị trường nước ngoài. Nhưng các trở ngại về logistics và thái độ không thân thiện với doanh nghiệp Trung Quốc đang dần hiện rõ, cản trở tham vọng bành trướng toàn cầu của họ.
Đế chế thời trang bí ẩn mới nổi
Shein cùng các hãng thời trang nhanh Trung Quốc đã giành được thị phần vững chắc nhờ làn sóng mua sắm trên mạng trong các đợt bùng phát Covid-19. Cùng với Shein, các hãng Asos ở Anh, Zalando ở Đức đã có bước tiến vũ bão so với các hãng thời trang Zara hoặc H&M với trụ chính là hệ thống chuỗi cửa hàng tại khu trung tâm các thành phố lớn.
Thập niên 1990, chuỗi thời trang nhanh Zara thay đổi cách mua sắm và thị hiếu ăn mặc toàn cầu. Nay, Shein và các đối thủ đồng lứa đang chuyển biến thế giới thời hậu Covid-19.
Từ những chiếc váy ngắn chỉ 5 đô la đến những chiếc áo choàng 17 đô la, ứng dụng của Shein giới thiệu với khách một ma trận hàng may mặc giá siêu rẻ. Hay giá một áo sơ mi chỉ 8 đô la, chỉ bằng một nửa giá áo Inditex của hiệu Zara – hãng thời trang nhanh lớn nhất thế giới.
Thành lập năm 2008 ở thành phố Nam Kinh, Shein được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư khổng lồ như IDG Capital và Sequoia Capital China. Là thương hiệu thời trang trên mạng lớn nhất thế giới, Shein tập trung vào giới trẻ Gen Z độ tuổi 20 và sử dụng các nhân vật có ảnh hưởng trên Instagram và TikTok cùng những mã giảm giá để thu hút giới trẻ mua sắm trên thị trường thời trang nhanh ngày càng cạnh tranh.
Shein là một trong những startup thời trang phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Những ngày đầu khai trương, theo Reuters, Shein chỉ giới thiệu khoảng 4.000 sản phẩm mỗi ngày. Nhưng giờ đây, để biết được có bao nhiêu mẫu mã hay sản phẩm mỗi ngày giới thiệu trên ứng dụng lại là một công việc khó khăn. Gõ Shein trên Instagram sẽ cho ra 1,9 triệu kết quả, với hình ảnh các cô gái trẻ từ châu Âu, Mỹ đến Trung Đông đang diện các sản phẩm của Shein.
Đến cuối tháng 10/2020, số lượt tải ứng dụng Shein đạt gần 230 triệu, trong khi H&M chỉ vượt quá 123 triệu và Zara chỉ hơn 90 triệu – theo số liệu của CB Insights. Giá trị vốn hóa của Shein hiện đạt 15 tỷ đô la, là “kỳ lân” – công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỷ đô la trở lên – lớn thứ 10 trên thế giới.
Sức tăng trưởng của hãng thời trang này phần lớn là nhờ mạng lưới nhà cung cấp ở Quảng Châu với khả năng sản xuất một khối lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn kỷ lục. Cách điều hành Shein cũng khá bí ẩn và mọi người nói rằng hãng thời trang này xếp hạng nhà cung cấp theo thời gian giao hàng và tỷ lệ sản phẩm bị lỗi. Những nhà cung ứng đứng cuối bảng sẽ bị loại và những ai đứng đầu bảng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, chẳng hạn như vốn đầu tư.
Shein cũng phân tích các dòng sản phẩm và các dữ liệu từ đối thủ mà họ thu thập được.
“Họ sử dụng dữ liệu lớn để định rõ xu hướng tiêu dùng và quản lý hiệu quả hơn dây chuyền sản xuất và kho hàng” – theo hãng môi giới chứng khoán China Merchants Securities. Khác với các nhà sản xuất khác, phần lớn hàng của Shein được vận chuyển bằng đường không từ Quảng Châu đi khắp thế giới.
Khách hàng đôi lúc ta thán “hên xui” về chất lượng sản phẩm của Shein và thời gian giao hàng không được bảo đảm 100%. Không như Zara hay H&M luôn có thông tin cụ thể về việc thuê ngoài (outsource) để sản xuất và điều kiện làm việc của người lao động, Shein hoàn toàn không cung cấp gì về nhà cung ứng các sản phẩm. Sản lượng của Shein, vì thế, cũng chỉ là ước đoán, không phải là số liệu được kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời đến cản không kịp…
Các startup thời trang nhanh của Trung Quốc đều nhanh chân chiếm lấy thị phần toàn cầu. Zaful, hãng con của tập đoàn thương mại Global Top E-Commerce, bán các loại thời trang giá rẻ cho khách ở châu Âu và Mỹ qua các trang điện tử. Họ nhanh chóng nắm bắt xu hướng mua sắm trên các chương trình phát hình trực tuyến livestream của giới trẻ. Sáng tạo hơn, Zaful cho phép khách hàng tương tác với nhau.
Jollychic, trang thương mại điện tử do Zhejang Jolly Information Technology điều hành, bán các sản phẩm thời trang cùng nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Nền tảng này cũng phát triển dịch vụ thanh toán riêng. Jollychic có thị trường lớn ở Trung Đông và họ mong muốn có được cơ nghiệp tương đương như Alibaba ở đất khách.
Shein và các hãng thời trang nhanh khác của Trung Quốc hầu như không được người tiêu dùng nhắc đến ở đại lục bởi họ chỉ tập trung vào thị trường nước ngoài. Trong khi đó, sàn thương mại Taobao của Alibaba “thầu “ hết mọi thứ với sự cạnh tranh dữ dội giữa các hãng may mặc nội địa ở Trung Quốc.
“Các hãng thời trang nhanh Trung Quốc đã tránh né sự cạnh tranh tàn khốc trên thị trường nội địa và tận dụng sự gần gũi và gắn bó mật thiết với các trung tâm sản xuất như là thế mạnh trong việc phát triển ở nước ngoài của họ”, Taka Saito thuộc hãng tư vấn công nghệ may mặc Demand Works ở Tokyo nói với Nikkei Asia.
Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng vũ bão, nhưng Shein vẫn khó lòng bắt kịp các đối thủ nặng ký trong ngành thời trang nhanh. Inditex, tập đoàn đứng đằng sau thương hiệu Zara, đạt được doanh thu 34 tỉ đô la mỗi năm. Tập đoàn Fast Retailing, chủ sở hữu nhãn thời trang Uniqlo, đạt doanh số hàng năm 19 tỷ đô la. Năm ngoái, doanh số của Shein đạt trên 10 tỷ đô la.
Mạng lưới phân phối của Shein vẫn đang được xây dựng. Đơn hàng từ Mỹ của Shein vẫn mất đến 10 ngày để giao đến kho của khách, trong khi đó Zara chỉ mất 2-4 ngày mà thôi.
Thế mạnh của Shein là các sản phẩm giá rẻ cũng bị cạnh tranh gay gắt. “Thậm chí khi Shein có được vũ khí giá rẻ để thu hút tệp khách giới trẻ, nhưng nếu hàng rẻ mà không có gì mới mẻ thì hãng cũng sẽ đối diện nguy cơ mất khách. Shein cần tập trung hết sức mạnh của mình vào một lĩnh vực cụ thể, như khâu thiết kế chẳng hạn”, nhà tư vấn Saito phân tích.
Các áp lực trên thị trường quốc tế với Trung Quốc cũng gây quan ngại cho sự phát triển của các startup may mặc của đất nước khổng lồ này. Shein và các công ty Trung Quốc có các trang mạng bằng tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ địa phương khác. Dường như khách hàng của họ chưa nhận ra mình đang mua các dịch vụ và sản phẩm từ Trung Quốc.
Từ tháng 6/2020, Ấn Độ đã cấm cửa nhiều ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có Shein, sau những căng thẳng biên giới kéo dài giữa hai nước. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc. Tương lai của các ứng dụng này được dự báo cũng không sáng sủa hơn dưới thời của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nếu Shein tiếp tục đà tăng trưởng phi mã của mình, sớm muộn gì Shein cũng lọt vào tầm ngắm của các nhà lập pháp nước ngoài.
Và các cấm đoán hay hạn chế sẽ có thể bắt đầu nổ ra ở thị trường “cựu thù” như Mỹ hay Ấn Độ hay một đất nước nào đó có ngành may mặc bị Shein và các startup may mặc của Trung Quốc đe dọa.
Ricky Hồ/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này