16:40 - 04/11/2024
Thị trường 24/7: XK thuỷ sản lấy lại mốc 1 tỷ USD; Temu đã có mã số thuế nhưng chưa được cấp phép
Giá USD ngân hàng và thị trường tự do cùng tăng: Sáng 4/11, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần qua. Tương tự, giá USD tại ngân hàng Vietcombank cũng tăng 11 đồng, đưa giá mua USD chuyển khoản lên 25.125 đồng, bán ra 25.465 đồng. Riêng Eximbank mua USD với giá 25.090 đồng và bán ra 25.440 đồng, giảm 20 đồng…
Giá USD tự do cũng tăng 60 đồng so với hôm qua khi mua vào 25.780 đồng và bán ra 25.880 đồng.
Trên thị trường thế giới, giá USD giảm nhẹ sáng đầu tuần. Chỉ số USD-Index còn 103,82 điểm, giảm 0,47 điểm so với cuối tuần qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 10 điểm cơ bản trong phiên cuối tuần qua, lên 4,382%, cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
VN Index ‘thủng’ mốc 1.250 điểm: Áp lực “xả hàng” từ nhà đầu tư nội, cộng với chuỗi bán ròng từ khối ngoại, là nguyên nhân khiến VN Index liên tục thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Áp lực bán tháo xuất hiện ở tất cả các nhóm ngành, từ ngân hàng, bất động sản, đầu tư công, bán lẻ cho tới thép, dầu khí… Ở những phút cuối, nhóm ngành chứng khoán có sự hồi phục nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy
Kết phiên hôm nay, VN Index giảm 10,18 điểm (0,81%) xuống còn 1.244,7 điểm. Toàn sàn HoSE có 287 mã giảm, 93 mã tăng và 59 mã đi ngang. Sắc đỏ cũng hiện diện dày đặc trên bảng điện VN30 với 24 mã giảm, trong đó có những mã tác động mạnh lên chỉ số như VCB, VPB, GVR, FPT, MSN, HPG, MWG, HDB, PLX, TCB.
Lệnh bán tháo là yếu tố giúp thanh khoản của sàn HoSE được cải thiện nhẹ với hơn 709 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.854 tỷ đồng.
Temu đã có mã số thuế nhưng chưa được cấp phép: Tổng cục Thuế cho biết, ngày 4/9, sàn TMĐT Temu đã được công ty chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Sau đó, Temu được cấp mã số thuế là: 9000001289.
Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III là 31/10) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, theo quy định, trong tháng 10 mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV, thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.
Gạo Việt vẫn xếp trên Thái Lan tại thị trường Philippines: Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, theo thống kê của Cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến cuối tháng 10, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo.
Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (trong 10 tháng cùng kỳ năm 2023, Philippine nhập khẩu 2,84 tấn gạo), và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2023 của Philippines.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, chúng ta vẫn giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Theo đó, tính đến cuối tháng 10, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ 2 là Thái Lan, tiếp theo là Pakistan, Myanmar và Ấn Độ.
Xuất khẩu thuỷ sản lấy lại mốc 1 tỷ USD: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10, xuất khẩu (XK) thủy sản ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ 6/2022), XK thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng, XK thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 10, nhiều thị trường có mức tăng trưởng XK ấn tượng. Cụ thể, XK sang Trung Quốc và Hong Kong bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động như: Mỹ (tăng 31%), Nhật Bản (tăng 22%), EU (tăng 27%), Hàn Quốc (tăng 13%).
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị XK thủy sản sang Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hong Kong có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì.
Tỷ phú Thái nhận hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức Sabeco: Hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) vừa quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt đầu tiên của năm 2024. Tỷ lệ là 20%, tức một cổ phiếu nhận về 2.000 đồng.
Với gần 1,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sabeco cần chi khoảng 2.565 tỷ đồng để thực hiện trả cổ tức. Ngày thanh toán là cuối tháng 1 năm sau.
Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vietnam Berverage thuộc Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đang sở hữu gần 53,6% vốn Sabeco. Như vậy, họ sẽ nhận về hơn 1.375 tỷ đồng cổ tức. Đây là kỳ thứ 8 liên tiếp cổ đông người Thái nhận cổ tức nghìn tỷ đồng từ Sabeco. Cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage mua lại 53,6% cổ phần Sabeco. Kể từ đó, cổ đông xứ chùa vàng nhận hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm, lũy kế đến kỳ này nhận hơn 12.030 tỷ đồng.
Thanh toán QR code phát triển chóng mặt tại Trung Quốc: Theo báo cáo của UnionPay, tổng giá trị giao dịch điện tử hàng năm của Trung Quốc đạt 434.000 tỷ USD, với hơn 80% giao dịch tiêu dùng hàng ngày thực hiện qua nền tảng di động, CTM đưa tin.
Dữ liệu của NetsUnion Clearing Corporation cũng cho thấy hơn 28,75 triệu giao dịch đã được thực hiện bằng ví điện tử nước ngoài trong nửa đầu năm nay, đạt 5,32 tỷ nhân dân tệ (gần 750 triệu USD).
Hệ thống mã QR đã thay đổi hoàn toàn cách người dân Trung Quốc thực hiện các giao dịch hàng ngày. Từ việc mua đồ ăn, thanh toán siêu thị, đặt taxi cho đến trả tiền vé xem phim, tất cả đều có thể thực hiện chỉ qua một thao tác quét mã QR. Ngay cả những người bán hàng rong hay ăn xin trên đường phố cũng sử dụng mã QR để nhận tiền.
Mở rộng hệ thống thanh toán xuyên biên giới nằm trong chiến lược chính phủ Trung Quốc triển khai vào năm 2013, nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các quốc gia thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại.
Trung Quốc xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới: Số lượng trụ sạc xe điện (charging pile) ở Trung Quốc đã đạt 11,43 triệu tính đến cuối tháng 9 năm nay, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết khoảng 3,33 triệu trong số đó là các trụ sạc công cộng và 8,1 triệu là các trụ sạc tư nhân. Dữ liệu cho thấy cứ 2,46 xe thì có một trụ sạc, dựa trên tổng số 28,09 triệu xe năng lượng mới được đăng ký trên toàn quốc hiện nay.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, quốc gia này báo cáo mức tăng ròng 2,84 triệu trụ sạc, với tổng cộng 66,67 tỷ kWh được sạc cho xe điện, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan trên cho biết mạng lưới các trụ sạc điện tại Trung Quốc đang gia tăng để tăng cường phục vụ nhiều tuyến đường cao tốc hơn ở nước này. Trong khi đó, các trụ sạc điện ở các huyện, thị trấn cũng đang phát triển, đạt 417.000 trụ sạc tính đến cuối tháng 9/2024.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 4/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này